Gặp khó vì quy định chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Hiệp hội cá Tra Việt Nam cho biết, DN XK cá tra đang gặp một số khó khăn trong việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ (Nghị định 36) về việc nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra.
Tiêu chuẩn cao
Căn cứ điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 36 về điều kiện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến và khoản 3 Điều 14 Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể từ ngày 1-1-2015 đối với sản phẩm cá tra phile XK phải đảm bảo 2 điều kiện là: Tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm lượng nước không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh. Trong thực tế sản phẩm cá tra Việt Nam XK đi gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Trong đó một phần sản phẩm cao cấp không sử dụng hóa chất được XK sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… Những sản phẩm này luôn đạt và vượt tiêu chuẩn của Nghị định 36 về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước. Ngoài ra, phần lớn những sản phẩm phổ thông với chất lượng thấp hơn được XK sang các thị trường như: Malaysia, Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ Latin… Những sản phẩm này vẫn đạt tiêu chuẩn về chất lượng của thị trường XK nhưng có tiêu chuẩn thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định theo Nghị định 36.
Bên cạnh đó, theo ý kiến từ nhiều DN, việc giá bán sản phẩm cá tra tăng thêm 1 USD/kg khi sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của Nghị định 36 là một thách thức lớn đối với các nhà NK nước ngoài và nhà XK của Việt Nam. Để có cơ sở triển khai hiệu quả việc quản lý chất lượng theo Nghị định 36, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đã có văn bản đề nghị các DN chế biến, XK cá tra một số vấn đề như: Các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36 cho các khách hàng ở nước ngoài; thời gian thực hiện việc quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn trên bắt đầu từ ngày 1-1-2015.
Đồng thời Hiệp hội cũng đề nghị DN thăm dò phản ứng của khách hàng khi áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm lượng nước không vượt quá 83% khối lượng tịnh. So sánh phương pháp đo hàm lượng nước của khách hàng và của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thăm dò mức độ chấp nhận của khách hàng về giá của sản phẩm cá tra phi lê tăng thêm 1 USD/kg từ mức giá 2,4 USD/kg lên 3,4 USD/kg.
Không nên cứng nhắc
Theo các DN và chuyên gia, việc Nghị định 36 quy định cứng về tỷ lệ mạ băng tối đa (10%) và hàm lượng nước tối đa (83%) là chưa phù hợp. Vấn đề hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng chỉ là vấn đề về chất lượng sản phẩm, không phải là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề với khách hàng (theo hợp đồng) chứ hoàn toàn không phải vấn đề tiêu chuẩn bắt buộc của các nước NK - hay còn gọi là tiêu chuẩn TBT, SPS. Trong đó TBT là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại, một hợp phần của Hiệp định WTO. SPS là Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật và cũng là một công cụ quan trọng trong hệ thống WTO, được áp dụng cho tất cả các thành viên WTO từ thời điểm sáng lập (1-1-1995).
Một luật gia cho rằng việc chúng ta quy định tiêu chuẩn cho một vấn đề mà vốn thuộc về quyền tự do thỏa thuận, không ảnh hưởng tới việc cá tra được phép hay không được phép NK vào một thị trường nhất định là không cần thiết, can thiệp quá sâu vào quyền tự do ký kết hợp đồng của DN. Ví dụ người mua từ các nước kém phát triển, sẵn sàng mua cá tra với tỷ lệ mạ băng cao hơn 10% hoặc hàm lượng nước cao hơn 83% miễn là giá rẻ thì tại sao pháp luật Việt Nam lại cấm việc này? Nếu DN không đảm bảo tỷ lệ hàm lượng nước hay mạ băng như thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng thì đây là vấn đề thuộc tranh chấp thương mại thông thường về chất lượng sản phẩm, cần được giải quyết theo các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông thường, Nhà nước không cần can thiệp vào vấn đề này.
Ngay cả khi vấn đề tỷ lệ tối đa về mạ băng và hàm lượng nước trở thành các tiêu chuẩn bắt buộc (TBT, SPS) ở một thị trường XK nào đó thì việc quy định cứng về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tại pháp luật Việt Nam cũng là không cần thiết. Nguyên nhân là do các thị trường XK cá tra của Việt Nam ngày càng đa dạng, mỗi thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng hàng hóa khác nhau. Do đó, việc quy định một mức chất lượng hàng hóa cứng nhắc như trong Nghị định 36 là điều bất hợp lý. Việc này có thể sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên và khiến sản phẩm của Việt Nam khó tiếp cận với các thị trường dễ tính.
Nếu là vì mục tiêu đảm bảo một chuẩn tối thiểu về chất lượng (tương tự như vấn đề về tiêu chuẩn VietGAP đối với cơ sở nuôi cá tra) thì đó phải là chuẩn thấp, chứ không thể là một chuẩn cao như trong Nghị định 36. Mặt khác, các sản phẩm cá tra rất đa dạng và theo một số chuyên gia thực phẩm thì mức mạ băng đối với mỗi loại sản phẩm là khác nhau. Do đó, việc áp dụng một tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước chung cho tất cả các mặt hàng từ cá tra là không phù hợp.
Quang Duy
hải quan
|