Đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp phải “bôi trơn”
Để đưa hàng vào được siêu thị, các doanh nghiệp (DN), nhà cung cấp không chỉ phải vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe, mức chiết khấu cao ngất ngưởng mà còn phải “bôi trơn” nhân viên siêu thị.
Để đưa hàng vào siêu thị, DN phải sử dụng phí “bôi trơn” và chịu mức chiết khấu cắt cổ. Ảnh: Đại Dương
|
Theo các nhà cung cấp, muốn hàng hóa vào được siêu thị, ngoài việc phải trải qua một quy trình rất phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các loại phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số….
Chiết khấu cắt cổ
Ông Trần Bá Dũng - Phó giám đốc Công ty sản xuất túi xách Hương Mi cho biết, tất cả các loại phí đều được chiết khấu vào giá và tổng các loại chiết khấu hiện lên đến 32 - 40% giá bán. Đây chính là lý do năm 2013 và 2014, Hương Mi phải rút toàn bộ sản phẩm khỏi hệ thống siêu thị Big C bởi mức chiết khấu quá cao, đồng thời duy trì lượng hàng cầm chừng tại một số siêu thị khác.
Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi, hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15% - 30%, thời gian 10 - 30 ngày và mỗi năm từ 1 đến 3 lần.
Không những thế, theo ông Dũng, nhiều loại phí còn được tăng định kỳ hoặc bất thường. Chẳng hạn, chiết khấu thương mại, hằng năm các hệ thống siêu thị đều tăng từ 1% - 3%.
Năm 2014, các hệ thống siêu thị đòi tăng 1% - 6% phí hỗ trợ vận chuyển. Mặc dù vậy, các DN vẫn phải tự vận chuyển hàng hóa đến từng siêu thị. Trong khi đó, các siêu thị “ngâm” thanh toán quá lâu, từ 40 - 60 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày.
Bà Phạm Thị Điệp Giang - Phó Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên cũng xác nhận, để đưa hàng vào siêu thị, DN phải chấp nhận mức chiết khấu thấp nhất 20-30%, thậm chí có siêu thị đòi mức chiết khấu 42%. Nhiều doanh nghiệp cho biết đưa hàng vào siêu thị là không có lãi, thậm chí lỗ do chiết khấu cao nhưng vẫn phải cố gắng để đưa vào khẳng định thương hiệu.
Mặc dù vậy, nhiều hệ thống siêu thị không ngừng đòi tăng mức chiết khấu. Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 cho biết, mới đây ông đã phải tính đến phương án rút sản phẩm khỏi một hệ thống siêu thị của nước ngoài đầu tư vì siêu thị này liên tục đòi tăng mức chiết khấu.
“Giá và mức chiết khấu cho họ đã rất hợp lý rồi, nhưng năm nào họ cũng đòi tăng mức chiết khấu lên để họ có lợi nhuận nhiều hơn. Những năm đầu chúng tôi cố gắng sắp xếp, cắt giảm chi phí sản xuất để tăng chiết khấu cho họ, nhưng họ cứ liên tục đòi tăng và đến một giới hạn mà chúng tôi không thể chấp nhận được. Đòi tăng chiết khấu không được, họ quay sang đòi tăng giá bán sản phẩm, chúng tôi phản ứng, vì điều này ảnh hưởng đến lợi ích khách hàng của chúng tôi”- ông Minh nói.
Phí “bôi trơn”: 5% đến 7% giá thành
Ngoài chiết khấu, các nhà cung cấp phải bỏ ra nhiều khoản phí lót tay cho nhân viên siêu thị. Ông Lê Trần Phú Đức - Giám đốc Công ty CP nước mắm Phan Thiết kể với Tiền Phong, trước đây công ty ông có kế hoạch đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị nhưng đã vấp phải vô số trở ngại, đặc biệt là những khoản chi phí không thể kê khai.
Muốn mở mã hàng trong một hệ thống siêu thị, ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, DN phải lót tay 10 đến 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.
Các công đoạn tiếp theo cũng đều phải lót tay cho bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ… Ngay cả nhân viên nhập hàng cũng phải lót tay nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại. Nếu không lót tay cho nhân viên quầy kệ thì hàng bị nhét trong góc, không thể bán được.
“Nhiều khi họ không mở miệng đòi tiền, nhưng thấy cái cách họ gây khó khăn đủ điều là hiểu họ muốn gì. Mọi việc chỉ trơn tru khi DN đã làm xong thủ tục “bôi trơn” cho nhân viên siêu thị”- ông Đức nói.
Theo ông Đức, không chỉ hệ thống siêu thị nội mà các hệ thông siêu thị nước ngoài nhưng do người trong nước quản lý, phụ trách thì nhà cung cấp cũng đều phải làm thủ tục “bôi trơn”.
Ông Đức tính toán, nếu cộng tất cả các khoản phí “bôi trơn” để đưa được hàng vào siêu thị đồng thời có vị trí thuận lợi để bán được hàng, chi phí bôi trơn phải lên đến 5 - 7% giá thành. “Tháng nào, thậm chí lô hàng nào nhà cung cấp cũng phải “bôi trơn”, DN chịu không nổi”- ông Đức thốt lên.
Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Coop xác nhận với Tiền Phong: Tình trạng nhân viên siêu thị nhũng nhiễu buộc nhà cung cấp phải “bôi trơn” là khó tránh khỏi. Trước đây Saigon Coop đã phát hiện và xử lý nghiêm khắc một trường hợp. Saigon Coop có cơ chế giám sát và kiểm soát chặt chẽ, nếu phát hiện ai có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu nhà cung cấp sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.
Bà Phạm Thị Điệp Giang cho biết, trong một cuộc gặp gần đây của những giám đốc tiếp thị và truyền thông của hàng chục doanh nghiệp Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) tại TP.Hồ Chí Minh, phần lớn các đại diện DN này đều xác nhận phải tùy lụy, lót tay “bôi trơn” cho nhân viên nếu muốn đưa hàng vào siêu thị.
|
Đại Dương
Tiền Phong
|