Đồng Rup mất giá, Putin mất uy?
Tính từ đầu năm tới nay, đồng Rup của Nga đã giảm khoảng 20% so với USD và hiện ở mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1998.
Điểm yếu của đồng Rup
Theo BusinessInsider, ngày 28/10, đồng rup (ruble) của Nga lần đầu tiên rơi xuống mức thấp nhất so với euro kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời năm 1999. Đồng tiền của Nga xuống 54 Rup đổi 1 euro sau đợt trượt dốc liên tục so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong vài tháng đen tối vừa qua.
Sự tụt giảm diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới lao dốc, từ mức 115 USD/thùng hồi tháng 6 đang hướng về ngưỡng 80 USD/thùng.
Hiện tượng đồng Rup liên tiếp lập các kỷ lục thấp mới so với các ngoại tệ mạnh khác có lẽ là nỗi lo lớn nhất của Kremlin bởi nước Nga từng chứng kiến thảm họa "Ruble crisis" năm 1998 khi mà Ngân hàng Trung ương Nga đã không thể làm được gì. Trong thời điểm tồi tệ năm đó, Nga đã buộc phải bỏ các chính sách hỗ trợ đồng rup và tuyên bố phá sản. Đồng nội tệ đã mất giá thêm 70% trong vòng hơn 4 tháng sau đó.
Trong phiên giao dịch ngày 28/10/2014, đồng rúp đã vượt qua ngưỡng 1 euro/54 Rup và trước đó cũng liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục với các đồng tiền chủ chốt khác như USD, yên Nhật. Tính từ đầu năm tới nay, đồng Rup của Nga đã giảm khoảng 20% so với USD và hiện ở mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1998.
Tính từ đầu năm tới nay, đồng Rup của Nga đã giảm khoảng 20% so với USD
|
Đà mất giá của đồng Rup dường như vẫn còn đáng lo ngại cho dù Nga đã chi ra hàng chục tỷ USD dự trữ ngoại hối và vẫn đang tiếp tục chiến dịch bán ngoại tệ để kiềm chế sự đi xuống của đồng tiền trong nước. Tính từ đầu tháng 10, Nga đã chi khoảng 15 tỷ USD cho nỗ lực chống mất giá của đồng nội tệ. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm cùng với những lo ngại của giới đầu tư về tương lai không mấy sáng sủa của Nga khi bị Mỹ và EU áp hàng loạt các biện pháp trừng phạt... đã khiến cho các nỗ lực của Kremlin chưa hiệu quả.
Theo Bloomberg, Rup vẫn nằm trong tốp dẫn đầu về giảm giá trên thế giới, chỉ sau đồng peso của Argentina. Và, dự báo, đồng tiền này có còn có thể tiếp tục giảm sâu hơn, bất chấp những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, ông Putin đã liên tục trấn an giới đầu tư. Ông cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế vẫn đang xấu đi nhưng Nga có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn bằng nguồn ngoại tệ dự trữ trị giá 460 tỷ USD của mình.
Trong một động thái mới nhất, theo hãng tin RT, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố vừa khởi động một công cụ tài chính mới, gọi là hoán đổi tiền tệ. Theo đó, Nga sẽ dùng tới 50 tỷ USD trong khoảng thời gian từ giờ tới cuối 2016 để hỗ trợ thêm vào giúp đồng ruble khỏi mất giá. Nó giúp các tổ chức tín dụng nâng cao thanh khoản tiền tệ ngắn hạn. Những phiên đấu giá đầu tiên sẽ là 29/10. Thỏa thuận cho phép Ngân hàng Trung ương Nga sau đó sẽ mua lại những đồng USD bán cho các NH.
Sự đe dọa của một thảm họa?
Cú tụt giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro hôm 28/10 thực sự là một tin sốc đối với giới đầu tư. Nó khiến người ta lo ngại về một thảm họa có thể xảy ra giống như cách đây hơn 15 năm. Trên thực tế, nước Nga giờ khác rất nhiều so với năm 1998. Hiện tại Nga có dự trữ ngoại hối dồi dào, giá dầu cũng không ở mức quá thấp.
Chính quyền nước Nga đang bán USD ra để hỗ trợ đồng nội tệ. Nhưng, sức mạnh của nền kinh tế Nga đang suy yếu trầm trọng. Giá dầu thô chưa có tín hiệu hồi phục khiến ngân sách ngày càng co hẹp. Các lệnh cấm vận cũng khiến cho dòng tiền đầu tư bị rút ra rất nhiều, khoảng 90 tỷ USD từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, đồng bạc xanh không ngừng tăng giá chung trên thế giới do nền kinh tế Mỹ mạnh lên và Fed đang rút lại các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Đồng Rup giảm xuống mức thấp kỷ lục với nhiều đồng tiền chủ chốt khác và tụt 5 hạng xuống vị trí thứ 18 trong số các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, ngược lại, góp phần đẩy nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới với quy mô 2.000 tỷ USD đang trượt vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Không chỉ thế, ruble sụt giảm khiến lạm phát tăng cao. Lệnh cấm vận nhập khẩu thực phẩm đã khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Nga đã lên mức 8%. Giá lương thực cũng đang tăng chóng mặt. Khi mà người dân cực khổ, đây sẽ là vấn đề đau đầu, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của ông Putin.
Đồng Rup giảm giá cũng khiến cho các khoản nợ bằng USD của các DN, các NH... trở nên nặng nề hơn. Các DN FDI lao đao cũng khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng.
Cuối tuần qua, cùng với diễn biến xấu tại Nga, Moody's cũng đã cắt mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư của nước xuống ví trí thứ hai từ dưới lên. Trước đó, cả Fitch và Standard & Poor's cũng đã có những bước đi tương tự.
Sự cộng hưởng của các tin xấu đã khiến đồng Rup liên tục phá đáy mới và có thể là thảm họa của nước Nga. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số tổ chức tài chính quốc tế cho rằng, khả năng xảy ra thảm họa là rất thấp.
Morgan Stanley gần đây khuyên các khách hàng của mình không nên quá bi quan vào đồng Rup và đặt cược lớn vào đồng USD. Theo đánh giá của tổ chức này, đồng Rup vẫn tiêu cực về trung hạn nhưng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có nhiều biện pháp kiềm mạnh mẽ.
Trong khi đó, Mỹ và EU cũng có quá nhiều việc để lo. Đồng USD cao quá hay giá dầu thấp quá cũng không tốt cho nền kinh tế Mỹ. Còn EU thì đang mâu thuẫn gay gắt về số tiền hàng tỷ USD để hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc khủng hoảng khí đốt. Trên mặt trận mới, Nga còn đang đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế để tạo sự cân bằng.
Một điểm cũng cần nói tới là, đồng ruble mất giá, ở góc độ nào đó cũng có lợi cho nền kinh tế Nga. Nó làm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho DN trong nước.
Văn Minh
Vietnamnet
|