Lịch sử bí mật của khủng hoảng tài chính
Lịch sử chính thức phác họa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương lớn khác là đã thực hiện các hoạt động có phối hợp để giải cứu hệ thống tài chính thế giới thoát khỏi thảm họa.
Tiểu thuyết Ảo mộng tiêu tan (Lost illusions) nổi tiếng của Balzac kết thúc bằng việc chỉ ra sự khác nhau giữa “lịch sử chính thức”, vốn “toàn sự dối trá”, với “lịch sử bí mật” – tức câu chuyện có thật. Trước đây người ta có thể làm lu mờ đi sự thật bê bối của lịch sử trong một thời gian dài, thậm chí là mãi mãi. Tuy nhiên điều đó không còn có thể xảy ra nữa.
Phiên họp của FOMC thời kỳ quyết định QE (2007)
|
Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong lịch sử cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lịch sử chính thức phác họa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương lớn khác là đã thực hiện các hoạt động có phối hợp để giải cứu hệ thống tài chính thế giới thoát khỏi thảm họa.
Nhưng theo một số tài liệu được công bố gần đây về những cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) năm 2008 – cơ quan ra quyết định chính của Fed – cho thấy Fed đã bước ra khỏi khủng hoảng với vai trò một ngân hàng trung ương của thế giới, trong khi tiếp tục phục vụ lợi ích của người Mỹ.
Cuộc họp quan trọng nhất diễn ra từ ngày 16/9 đến 28/10/2008 – sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers – tập trung vào việc hình thành các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương nhằm đảm bảo đủ thanh khoản. Fed sẽ cung cấp tín dụng đồng dollar cho các ngân hàng nước ngoài để đổi lại đồng tiền nước đó, đi kèm điều kiện ngân hàng nước đó đồng ý mua lại sau một khoảng thời gian cụ thể với cùng mức tỷ giá hối đoái cộng với tiền lãi.
Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương – đặc biệt các ngân hàng ở châu Âu đang đối mặt với việc thiếu hụt dollar khi các nhà đầu tư Mỹ rút vốn về – có dollar để cho vay đối với các thể chế tài chính nội địa vốn đang vật lộn với khủng hoảng.
Thực tế, ECB là một trong những ngân hàng đầu tiên đạt được thỏa thuận với Fed, tiếp đó là ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác, bao gồm Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Canada. Tại cuộc họp diễn ra vào tháng 10, bốn nền kinh tế đang nổi lên quan trọng về “vị thế ngoại giao và kinh tế” – Mexico, Brazil, Singapore và Hàn Quốc – cũng tham gia với việc Fed đồng ý thành lập các quỹ 30 tỷ dollar để trao đổi với mỗi ngân hàng trung ương của các nước này.
Mặc dù Fed hành động như một ngân hàng trung ương toàn cầu, nhưng những quyết định của nó được định hình chủ yếu theo lợi ích của Mỹ. Thứ nhất, Fed từ chối đề nghị của một số nước – mà tên của những nước đó đã được lược bỏ trong tài liệu được công bố – tham gia chương trình hoán đổi tiền tệ.
Quan trọng hơn, các giới hạn đã được áp dụng cho các gói hoán đổi. Bản chất của chức năng người cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương thường là cung cấp nguồn tiền không giới hạn. Bởi vì không có giới hạn về lượng dollar mà Fed có thể tạo ra, không có thành viên thị trường nào có thể thực hiện được việc đầu cơ chống lại nó. Ngược lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có nguồn lực có hạn được cung cấp bởi các nước thành viên.
Vai trò quốc tế ngày càng tăng của Fed từ năm 2008 phản ánh một bước chuyển quan trọng trong việc quản trị tiền tệ toàn cầu. IMF ra đời sau khi các nước thường xuyên trở thành nạn nhân từ các nhận định bốc đồng của các chủ ngân hàng New York. IMF là một bộ phận quan trọng của trật tự quốc tế hậu Thế chiến thứ hai, nhằm đóng vai trò như một cơ chế bảo hiểm toàn cầu – chứ không phải nhằm thúc đẩy lợi ích ngoại giao đương thời của một nước nào.
Ngày nay, như các tài liệu của Fed đã chứng minh một cách rõ ràng, IMF đã trở nên không còn quan trọng – không chỉ vì việc thực hiện các chính sách kém hiệu quả của nó. Thật vậy, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, IMF nhận định rằng nhu cầu vay vốn của nó vẫn sẽ mãi duy trì ở mức thấp, nên đã bắt đầu thu hẹp quy mô của mình.
Năm 2010, IMF đã cố gắng thể hiện sự hồi sinh của nó, thể hiện mình đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng đồng euro – bắt đầu với vai trò tham gia cấp vốn giải cứu Hy Lạp. Nhưng chính tại đây một phiên bản lịch sử bí mật cũng đã được tiết lộ, cho thấy việc quản trị tiền tệ toàn cầu đã bị biến dạng như thế nào.
Sự thật là chỉ có nước Mỹ và một nhóm chủ yếu các nước trong khu vực Liên minh châu Âu ủng hộ việc giải cứu Hy Lạp. Thậy vậy, nhóm các nước đang nổi lên đã đồng loạt phản đối điều đó, và đại diện Brazil gọi đó là “việc giải cứu các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp, chủ yếu là các thể chế tài chính ở châu Âu”. Thậm chí đại diện Thụy Sỹ cũng lên án biện pháp đó.
Khi nỗi lo về sự sụp đổ bất ngờ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu nhường chỗ một cuộc tranh luận kéo dài về việc chi phí (giải cứu) sẽ được giải quyết thông qua việc các chủ nợ xóa nợ một phần như thế nào, thì vị trí của IMF ngày càng trở nên rối rắm. Mặc dù IMF được cho là có ưu thế hơn các chủ nợ khác nhưng vẫn có yêu cầu IMF cần xóa một phần các khoản nợ mà nó đã cung cấp. Các nước đang phát triển nghèo hơn sẽ chống lại động thái đó, đưa ra lý lẽ rằng công dân của họ không có trách nhiệm phải đóng tiền cho sự hoang phí của các nước giàu hơn.
Thậm chí những người ban đầu ủng hộ sự tham gia của IMF cũng đang chuyển hướng chống lại nó. Các quan chức châu Âu đang giận dữ bởi các nỗ lực rõ ràng của IMF nhằm đạt được sự ủng hộ ở các nước đi vay của châu Âu bằng việc thúc giục xóa tất cả các khoản nợ vốn không phải của IMF. Và Quốc hội Mỹ đã từ chối không tăng thêm vốn cho IMF – một phần của thỏa thuận quốc tế đạt được tại hội thượng đỉnh G-20 diễn ra năm 2010.
Trong khi sự giận dữ theo sau việc bổ nhiệm một người châu Âu làm giám đốc điều hành của IMF năm 2011 có thể đảm bảo rằng lãnh đạo tiếp theo của IMF sẽ không còn là người châu Âu nữa, thì vai trò ngày càng suy giảm nhanh chóng của IMF đồng nghĩa với việc nó không còn là vấn đề lớn. Như lịch sử bí mật năm 2008 cho thấy, vấn đề quan trọng hơn là ai sẽ tiếp cận được nguồn tiền của Fed.
Hạnh Nguyên (Project Syndicate)
thời báo ngân hàng
|