Fed “stress test” 31 ngân hàng Mỹ khi chứng khoán lao dốc 60% và dầu lên 110 USD/thùng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành thử sức chịu đựng của các ngân hàng Mỹ trong kịch bản tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 10%, thị trường chứng khoán chìm nghỉm 60% và dầu chạm 110 USD/thùng.
* Gần 1/5 số ngân hàng Eurozone không vượt qua cuộc sát hạch về vốn
* 5 ngân hàng Mỹ không thể đáp ứng kế hoạch vốn của Fed trong phần 2 “stress test”
* Fed: 30 ông lớn ngân hàng Mỹ có thể mất trắng hơn 500 tỷ USD nếu suy thoái sâu
Đây là kịch bản “cực kỳ bất lợi” theo phương án của đợt sát hạch vốn hàng năm (stress test) được Fed công bố trong tuần trước. Fed cho biết sự khác biệt lớn nhất so với năm ngoái là mức chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp rộng hơn và giá dầu cao hơn.
Theo quy định của Đạo luật Dodd-Frank, Fed phải tiến hành thanh tra 31 ngân hàng lớn nhất nước (có tài sản ít nhất 50 tỷ USD) trước khi phê chuẩn kế hoạch mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức của các ngân hàng này.
Bên cạnh đó, 8 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ (bao gồm Bank of America, Citigroup và J.P. Morgan Chase) sẽ còn trải qua một đợt “thử lửa” về khả năng vỡ nợ của các đối tác. Ngoài ra, 6 ngân hàng có hoạt động tự doanh nhiều nhất sẽ phải vượt qua bài kiểm tra với kịch bản “xảy ra một cú sốc đối với các thị trường toàn cầu” mà chi tiết vẫn chưa được công bố.
Theo yêu cầu, tất cả các ngân hàng đều phải nộp kế hoạch vốn của mình với thời hạn chót là tháng 1/2015.
Được biết trong năm ngoái, Citigroup, Zions Bancorp và 3 ngân hàng nước ngoài khác đã không thể vượt qua đợt sát hạch tương tự. Trong khi đó, Bank of America buộc phải trì hoãn kế hoạch nâng cổ tức cũng như mua cổ phiếu quỹ sau khi bị phát hiện đã công bố vốn cao hơn so với thực tế 4 tỷ USD do nhầm lẫn.
Theo kết quả “stress test” vừa được các cơ quan quản lý châu Âu công bố hôm Chủ Nhật (26/10), 25/130 ngân hàng khu vực đã không thể vượt qua được đợt sát hạch dù 12 ngân hàng trong số đó đã thực hiện các biện pháp nhằm củng cố nguồn vốn. Trong đó, Ý – nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu – là quốc gia có số ngân hàng rớt “stress test” nhiều nhất với tỷ lệ 9/21.
Phước Phạm (Theo MarketWatch)
|