Thứ Ba, 07/10/2014 11:29

Doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều thách thức

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động đã cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệpViệt Nam.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức nhiều hoạt động để thu thập thông tin trong quá trình xây dựng Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Đáng chú ý là tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2014 với chủ đề Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản và Phiên họp toàn thể của Ủy ban vừa được tổ chức mới đây tại Ninh Bình, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ diễn ra, các chuyên gia, các nhà quản lý ngoài việc bày tỏ lo lắng, băn khoăn về một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp như tăng trưởng GDP, CPI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội... có một điểm dễ nhận thấy là năm 2014 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vốn được coi là một trong các động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi, năm 2014 dự báo đạt 5,8%, cao hơn các năm gần đây (năm 2012 là 5,03%; năm 2013 tăng 5,42%) nhưng tăng trưởng còn thiếu sự đột phá, chưa thật bền vững. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ một số yếu tố rất căn bản, đó là: tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm mạnh từ khoảng 40% GDP năm 2011 xuống còn 30,1% GDP năm 2014 và tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước còn hết sức khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động liên tục có xu hướng tăng cao.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy một thực tế, từ năm 2011 - 2014, hoạt động của doanh nghiệp đang ở thời kỳ hết sức khó khăn:

Bảng 1: Thống kê về số lượng DN thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động từ năm 2011 - 2014 (*)

Ngoài số lượng doanh nghiệåp giải thể, ngừng hoạt động, còn một chỉ số khác cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ số hàng tồn kho tăng cao hơn so với năm 2013, ở mức 13,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp tại một số vùng công nghiệp trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... tăng chậm.

Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp có xuất siêu nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu ở khối doanh nghiệp FDI. Tính chung 8 tháng năm 2014, trong tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 70% tổng kim ngạch tăng thêm và đạt 65,2 tỷ USD, xuất siêu gần 11,86 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là gia công, lắp ráp. Với một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao như Việt Nam thì hiện tượng xuất siêu dường như có điều gì không bình thường của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. Theo thống kê, xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ nhưng sự phục hồi này vẫn ở mức thấp.

Năm 2014 khó khăn là thế, năm 2015 được dự báo không mấy khả quan hơn. Xét về bối cảnh, đây là thời điểm quan trọng để nước ta đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có thể hoàn tất quá trình đàm phán 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đáng chú ý như FTA với Liên minh châu âu (EU), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Các hiệp định này sẽ cho phép dịch chuyển lao động, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa các nước diễn ra một cách tự do hơn và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam, thì các ngành sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, thị trường bán lẻ trong nước và thị trường lao động, việc làm dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Năm 2015, Chính phủ dự kiến trình QH một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng 6,2%, tăng trưởng đầu tư toàn xã hội bằng 27,7% GDP, CPI tăng 5%... Nhìn vào các con số này có thể thấy các chính sách năm 2015 tiếp tục có phần thắt chặt và hoài nghi về các con số giữa chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi các điều kiện khác như chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) (giai đoạn 2011 - 2013 khoảng 5,53%) và năng suất lao động chưa có thay đổi đột biến nào trong những năm gần đây.

Bảng 2: Thống kê về các chỉ tiêu GDP và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ năm 2011 - 2015 (**)

Các số liệu thống kê tại bảng 2 cho thấy, trong khi tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, các nguồn vốn đầu tư giảm mạnh kể cả đầu tư công đang được tái cơ cấu và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài có xu hướng chững lại, vì vậy, nhiều ý kiến nhận định tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế là sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu GDP như dự kiến của Chính phủ và nhận định tăng trưởng GDP năm 2015 vào khoảng dưới 6%, thậm chí chưa chắc là sẽ cao hơn năm 2014. Điều đó có nghĩa là tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất khó có sự đột phá so với năm 2014.

Rõ ràng, năm 2015 nếu vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thì điều cần thiết là phải thực hiện các chính sách một cách linh hoạt thay vì thắt chặt (nếu có). Một trong các mục tiêu hàng đầu, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cải cách thể chế, như sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các dự Luật quan trọng được QH xem xét, thông qua vào cuối năm nay như dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), thì cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, vì đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Các giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ, đó là: triển khai một cách quyết liệt các nội dung của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, thực hiện cổ phần hóa DNNN theo đúng lộ trình đến năm 2015 để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, tạo thêm nguồn lực và thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư từ khối kinh tế tư nhân và FDI, có chính sách lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là lạm phát để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

____________

(*), (**): Tổng hợp từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hoàng Phúc

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Sau 15 năm, FDI vào nông nghiệp giảm 30 lần (07/10/2014)

>   Gỡ vướng về thanh khoản hàng gia công, sản xuất xuất khẩu (07/10/2014)

>   Miếng bánh 30.000 tỷ: Bỏ ngay 'trò xin cho' (07/10/2014)

>   Đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp phải “bôi trơn” (07/10/2014)

>   398 ngành nghề đòi giấy phép con (07/10/2014)

>   2.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (07/10/2014)

>   Châu Âu ra "tối hậu thư" với hoa quả Việt Nam (06/10/2014)

>   Hủy kết quả trúng thầu thêm 3 mặt hàng thuốc của VN Pharma (06/10/2014)

>   Đã có 40 dự án phát điện từ bã mía (06/10/2014)

>   Vì sao NTT Data xem Việt Nam là “cơ hội lớn”? (06/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật