Chứng khoán xôm tụ, SCIC có thoát bế tắc thoái vốn?
Cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, công cuộc thoái vốn của SCIC dường như đã có lối thoát, thể hiện qua hàng loạt thông báo bán vốn thành công tại các đơn vị niêm yết trên thị trường giao dịch có tổ chức như DQC, RDP, YBC, HAI....
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và đòi hỏi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải tìm ra hướng đi mới để hoàn thành đề án tái cơ cấu đúng hạn bởi tình trạng nhận phải sự “thờ ơ” của nhà đầu tư trong các buổi đấu giá không phải hiếm.
Rôm rả nông nghiệp, chật vật nhựa
Xét riêng hơn 36 đơn vị đang niêm yết trên các sàn giao dịch có tổ chức nằm trong danh sách thoái vốn năm 2014, theo thống kê Vietstock, SCIC đã thoái vốn thành công tại 13 doanh nghiệp qua đó ước tính thu về tổng cộng hơn 1,100 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thu hút nhà đầu tư nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, điện nước; còn các đơn vị trong ngành nhựa lại có vẻ èo uột.
Thật vậy, trong làn sóng nhà nhà, người người đầu tư vào nông nghiệp, con đường thoái vốn của SCIC tại các đơn vị trong ngành này khá thuận lợi khi có các tổ chức đầu tư tài chính sẵn sàng gom mua cổ phiếu.
Một nhóm có tham vọng “bá chủ” trong lĩnh vực nông nghiệp như Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) và Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN) đã không bỏ qua cơ hội nuốt gọn LAF, NSC ngay khi SCIC vừa nhả ra. Tiếp đó Đầu tư F.I.T (HNX: FIT) cũng thâu tóm Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) khi SCIC có thông báo thoái vốn. Và cả bộ đôi FLC-KLF tận dụng cơ hội lấn sân vào lĩnh vực đầy ưu tiên này khi dần nâng tỷ lệ sở hữu tại Nông dược H.A.I (HOSE: HAI), một đơn vị mà cho đến tháng 8/2014, SCIC còn sở hữu lên đến gần 50% vốn.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực điện nước cũng khá dễ dàng cho SCIC trong quá trình thoái vốn. Trong khi Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) có Cơ điện lạnh (HOSE: REE) mua lại thì Điện nước lắp máy Hải Phòng (HNX: DNC) cũng có nhóm cổ đông cá nhân sẵn sàng tiêu thụ hết 58% vốn SCIC muốn thoái.
Danh sách DNNY mà SCIC đã thoái sạch vốn
|
Ngược lại, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa lại khá chật vật. Đơn cử một trường hợp là Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) từ năm 2013 đến nay SCIC đã nhiều lần đăng ký bán với khối lượng vài trăm ngàn đơn vị. Song khối lượng giao dịch thành công chỉ dừng ở hàng ngàn đơn vị. Do vậy, tỷ lệ sở hữu tại BMP của SCIC đến nay vẫn khoảng 30%. Hay như Nhựa Đà Nẵng (HNX: DNC) từ năm trước đến năm nay, SCIC vẫn chưa tìm ra đối tác mua lại 15.12% vốn.
Đối với Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP), gần đây đã tìm được những cổ đông mua lại vốn SCIC thoái và giao dịch diễn ra khá nhanh chóng thông qua thỏa thuận tại mức giá 15,800 đồng/cp. Song nếu xét trước đó, con đường thoái vốn tại RDP của SCIC cũng chẳng dễ dàng khi trong lần đấu giá cổ phần qua HOSE không một nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
“Ế” hàng loạt cổ phiếu, do đâu?
Dẫu đạt được những bước tiến đáng kể trong công cuộc thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết, song con đường thoái vốn của SCIC vẫn còn khá khó khăn khi mà hầu hết các đợt đấu giá đều không nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Một tình trạng phổ biến trong hành trình thoái vốn của SCIC là hàng loạt buổi bán đấu giá cổ phần doanh nghiệp SCIC sở hữu không thể tổ chức do thiếu vắng nhà đầu tư đăng ký tham gia. Đó là trường hợp SCIC đăng ký bán đấu giá cổ phần CTCP Bến xe Kon Tum, CTCP Nước khoán Vĩnh Hảo, CTCP Docimexco, CTCP Xuất nhập khẩu Công nghệ mới, CTCP Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An…, tất cả đều bị hủy bỏ với lý do không một nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Đặc biệt đối với CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long, SCIC có kế hoạch thoái vốn từ năm 2013, ngay trong năm 2014 đã có hai lần SCIC thông báo bán đấu giá cổ phần vào cuối tháng 3 và đầu tháng 8. Dẫu vậy, đến hiện tại hơn 1 triệu cổ phiếu Bia và Nước giải khát Hạ Long do SCIC sở hữu vẫn chưa thể đổi chủ.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ đâu? Do các cổ phiếu SCIC nắm giữ quá “bèo”, mức giá đấu khởi điểm không phù hợp? Hay vấn đề còn nằm ở kênh truyền tải thông tin?
Trong rổ đầu tư của SCIC, có rất nhiều cổ phiếu tốt ví như cổ phiếu Vĩnh Hảo, đây là đơn vị mà Masan Consumer (Công ty con của Tập đoàn Masan – MSN) đã mua đến 75% vốn với mức giá 85,000 đồng/cp vào năm 2013. Song khi SCIC thông báo bán đấu giá 1.6 triệu đơn vị cũng tại mức giá này vào đầu năm 2014 lại không một nhà đầu tư đăng ký mua. Tương tự, Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP) cũng không thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá trong lần công bố đầu tiên dù tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính khá ổn định trong nhiều năm qua và mức giá chào bán chỉ 10,000 đồng/cp. Hay một đơn vị ổn định như DBC cũng làm khó SCIC trong việc thoái gần 10% vốn với lý do mức giá chưa được như kỳ vọng.
Đối với các đơn vị chưa niêm yết trên các thị trường chứng khoán có tổ chức, SCIC thường đăng ký bán đấu giá qua các Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE và HNX), sau đó các công ty chứng khoán quan tâm sẽ đăng ký làm đại lý. Theo tìm hiểu của người viết, thông tin về các buổi đấu giá của SCIC được công bố trên website của SCIC, trên trang thông tin điện tử của các Sở Giao dịch Chứng khoán và các công ty chứng khoán nhận làm đại lý. Có thể thấy một điều là thông tin rất công khai nhưng lại không mang tính phổ biến, điều này là một trở ngại lớn cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận và tìm hiểu.
Một hệ quả của tình trạng trên là dù theo Đề án tái cơ cấu tính riêng cho năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ phải tiến hành thoái vốn tại 298 doanh nghiệp trong năm 2014, song báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm cho thấy mới chỉ thoái xong vốn tại 26 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 5 doanh nghiệp, thực hiện được 10% kế hoạch.
Xem thêm:
* M&A theo sóng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước
* SCIC thoái vốn trên sàn chứng khoán: “Hàng” có dễ đẩy?
Mỹ Hà
|