Cần “làm đẹp” mình để thu hút nhà đầu tư
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, rất nhiều làn sóng đầu tư từ nước ngoài đang chờ cơ hội để ùa vào. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội thu hút dòng vốn lớn đó, giới phân tích cho rằng, bản thân các DN phải biết cách tự “làm đẹp” chính mình trong mắt nhà đầu tư.
Nhiều kênh huy động vốn
Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM), trong 90 triệu người dân Việt Nam, mới chỉ có khoảng 500.000 người chơi chứng khoán với khoảng 2 triệu tài khoản. Thêm vào đó, GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 170 tỷ USD, trong khi vốn hóa thị trường chứng khoán mới chỉ đạt 50 – 60 tỷ USD. Như vậy, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Do đó, các DN hoàn toàn có cơ hội để huy động vốn từ thị trường tiềm năng này.
Đứng ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) lại chỉ ra rằng, có rất nhiều cách để DN có thể huy động vốn cho việc sản xuất kinh doanh. Cụ thể, DN có thể huy động từ khách hàng theo phương thức người bán trả chậm và người mua trả trước. Ông Tùng kể lại câu chuyện về một khách hàng trước đây của OCB. Đó là một DN nhỏ với tổng tài sản chỉ 20 tỷ đồng và hoạt động trong lĩnh vực xẻ đá làm đá lát đường. Trước đây, DN này gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do không có tài sản thế chấp. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, DN này đã thực hiện hợp đồng xuất khẩu đá cho các DN vừa và nhỏ của Hàn Quốc, Nhật Bản với mức giá thấp hơn nhưng các DN Hàn Quốc, Nhật Bản này phải trả trước tiền hàng. Các thỏa thuận này đã đạt được hiệu quả cao khi số hợp đồng ngày một tăng lên. Đến nay, mỗi tháng DN này XK khoảng 20 triệu USD và toàn bộ vốn đều do khách hàng nước ngoài ứng trước mà không hề tốn chi phí cho lãi suất. Bên cạnh đó, DN cũng có thể vay vốn trực tiếp từ các đối tác làm ăn của mình.
Một hình thức huy động vốn khác mà ông Tùng cho rằng khá hiệu quả chính là tìm tài trợ. Hiện có rất nhiều chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế và có tính hỗ trợ rất cao. Ông Tùng cho biết, ông nhận được khá nhiều ý kiến lo lắng về việc khi mở cửa hội nhập, Việt Nam sẽ phải bỏ các chương trình hỗ trợ DN từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này chủ yếu tác động tới khối DNNN, còn DN tư nhân hiện nay có rất nhiều nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Riêng tại OCB cũng đang triển khai 4 chương trình hỗ trợ dành cho các DN vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn…
Cách tiếp cận vốn cuối cùng, theo ông Tùng, chính là vay từ các ngân hàng. “Nếu các bạn có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án kinh doanh tốt thì từ các ngân hàng sẽ đưa vốn đến cho các bạn. Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập, hy vọng sẽ nhiều hơn lo lắng, vì càng nhiều tiền thì chúng ta càng có thể có những lựa chọn tốt hơn” – ông Tùng chia sẻ.
Cần làm cho mình “hấp dẫn” hơn
Có rất nhiều con đường dẫn đến với nguồn vốn, nhưng để đến được đích, đối với các DN Việt Nam là một điều không hề đơn giản. Ông Johan Nyvene chia sẻ, tại Mỹ, mỗi công ty quản lý quỹ có thể quản lý từ vài tỷ đến vài trăm tỷ USD, trong khi thế giới có rất nhiều công ty như vậy. Qua đó, ông ví tiền trên thế giới nhiều như nước biển, nhưng nước biển lại mặn và các DN vẫn có thể “chết khát” giữa biển khơi. Vì vậy, để không bị “chết khát”, các DN cần tìm cách làm cho mình trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Là một DN rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) chia sẻ kinh nghiệm mà Nam Long đã làm để giúp mình trở nên hấp dẫn hơn. Theo đó, cách đây 3 năm, khi cần vốn để tiếp tục các dự án, Nam Long đã vấp phải sự từ chối của tất cả các ngân hàng do những khó khăn chung của thị trường bất động sản lúc bấy giờ.
Để xoay chuyển tình thế, Nam Long đã đưa ra chiến lược là phải thu hút cho được một nhà đầu tư đẳng cấp, và dựa vào thế đó để huy động vốn từ các ngân hàng. Sau đó, công ty đã trải qua 18 tháng ròng nỗ lực không ngừng để thuyết phục và thu hút được 7,5 triệu USD đầu tư tà IFC. Kết quả của sự hợp tác này không nằm ở con số 7,5 triệu USD, mà nó đã giúp Nam Long khẳng định một vị thế mới về tính chuyên nghiệp, sự minh bạch… Qua đó, việc huy động vốn từ các ngân hàng cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với Nam Long.
Ông Johan Nyvene chỉ ra những nhược điểm khiến DN Việt Nam dễ bị “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư. Theo đó, có những DN tốt, thị trường xuất khẩu và sản phẩm tốt, nhưng vẫn đầu tư vào bất động sản hay các ngành ngoài cốt lõi khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ nhận thấy rủi ro dòng tiền không đủ trả nợ khi lãi suất tăng cao, dẫn đến DN này khó thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các yêu cầu về chuẩn mực quốc tế, sự minh bạch về tài chính… cũng là những điểm mà không phải DN Việt Nam nào cũng đạt được. Ông Johan Nyvene cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc “làm đẹp”, DN cũng cần biết giá trị thực của mình để có thể đưa ra một mức giá phù hợp cho nhà đầu tư.
Nguyễn Hiền
Hải Quan
|