Cải cách dịch vụ công: "Tốt thế sao giờ mới làm?"
"Sau khi Quảng Ninh cải cách dịch vụ hành chính công, người dân, doanh nghiệp đều chất vấn: "Sao tốt thế mà giờ các ông mới làm?". Chúng tôi thực sự thấy rất đúng, rất tâm đắc".
PGS.TS Trần Đình Thiên (ngoài cùng bên trái) và các diễn giả tại Tọa đàm.
|
Câu hỏi mà ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra tại Tọa đàm "Đổi mới thể chế và ứng dụng CNTT trong dịch vụ công", thuộc khuôn khổ Diễn đàn ASOCIO - ICT Summit 2014, dường như đã "gãi đúng chỗ ngứa" của rất nhiều cử tọa bên dưới, cũng như của bản thân các diễn giả phía trên sân khấu.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng ra số giờ một năm mà mỗi người dân, doanh nghiệp Việt cần phải bỏ ra để làm thủ tục thuế để cho thấy sự nhiêu khê của thủ tục hiện tại. "872 giờ/năm, trong khi số giờ trung bình của các nước khác trong khối ASEAN chỉ có 172 giờ. Khoảng cách 700 giờ bị lãng phí này chắc chắn là một rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp". Thay vì dành thời gian, sức lực cho việc kinh doanh, cạnh tranh, doanh nghiệp còn phải lăn lộn ở các cơ quan công quyền để hoàn thiện đủ loại giấy tờ, thủ tục rườm rà, gõ đủ loại cửa trước khi ra được một giấy phép nào đó.
Không làm vì lợi ích nhóm?
Hoàn toàn hiểu được nỗi niềm đó của doanh nghiệp, ông Hậu cho biết Quảng Ninh đã rất quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử trong hai năm 2013 - 2014. Về cơ bản thì thời điểm này đã xây dựng xong nền tảng. Tỉnh cũng đã thành lập được 6 trung tâm hành chính công và đưa được 70% số thủ tục hành chính vào các trung tâm này. Người dân có thể đến các trung tâm hành chính để giải quyết thủ tục tại đó, thậm chí là cơ quan công quyền có thể nhận hồ sơ, ký duyệt ngay tại trung tâm. Mục tiêu của Quảng Ninh là đến năm 2015, sẽ có 14 trung tâm hành chính của 14 đơn vị trực thuộc đi vào hoạt động và đến cuối năm, toàn bộ 100% thủ tục hành chính sẽ được đưa vào xử lý, giải quyết tại đây.
Tuy nhiên, hành trình để có được những con số tích cực này hoàn toàn không đơn giản. Dù ai cũng nhìn ra việc đưa dịch vụ công vào các trung tâm hành chính là một bước đột phá trong cải cách hành chính, nhưng bản thân Quảng Ninh đã phải "cực kỳ nỗ lực mới vượt qua được", ông Hậu nhớ lại. Có "một rào cản rất lớn" liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân để giải thích cho câu hỏi đã nêu ra từ đầu bài "Sao tốt thế mà giờ mới làm".
"Các Sở, ngành, phòng ban chuyên môn đều có lợi ích riêng của mình trong mô hình cung cấp dịch vụ công truyền thống. Mỗi công dân, doanh nghiệp khi đến làm thủ tục đều phải trải qua vài ba Sở hoặc vài ba Phòng thì mới ra được giấy phép. Rõ ràng là có lợi ích qua lại, quyền lợi phát sinh ở đây. Nếu đưa tất cả các thủ tục về trung tâm hành chính thì đương nhiên những lợi ích này sẽ bị cắt đi. Dĩ nhiên là các công chức, các đơn vị... không hề muốn", ông Hậu giải thích.
Chính vì thế, năm đầu tiên triển khai cực kỳ khó khăn. Các Sở, ngành gần như rất ít hợp tác. Nhưng với một quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, "toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc". "Chúng tôi hiểu rằng nhất định phải thay đổi thể chế, thay đổi về thủ tục hành chính thì Quảng Ninh mới phát triển được và thu hút đầu tư được", ông Hậu thẳng thắn. "Giờ đây, chỉ số hài lòng của người dân đã lên đến 90% sau khi sử dụng các dịch vụ công ở trung tâm hành chính. Chúng tôi đang có một khí thế rất tốt để hoàn thành mục tiêu của mình".
"Cái được nhất là dân có thể giám sát"
Theo ông Trần Đình Thiên, khi triển khai Chính phủ điện tử và cải cách dịch vụ hành chính công thì quy trình sẽ trở nên công khai, minh bạch. Trách nhiệm cá nhân của các công chức, các lãnh đạo công quyền trong hệ thống sẽ rất rõ ràng, "không chối đi đâu được".
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về kinh nghiệm cải cách hành chính công.
|
Việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực hành chính công sẽ giúp người dân dễ dàng giám sát cả hệ thống và đây chính là lợi ích lớn nhất, khiến người dân cảm thấy hài lòng nhất. "Họ biết được hồ sơ của mình đang ở đâu, tự nắm được số phận của mình", vị chuyên gia này chỉ ra. Tất nhiên, cũng vì sự công khai, minh bạch này mà nhiều lãnh đạo tỉnh, nhiều địa phương chần chừ không muốn cải cách. Câu hỏi "Sao tốt thế mà không làm?" có thể giải thích đơn giản rằng, nếu làm thì có lỗi gì sẽ lộ ra hết cả!!!
Chính vì thế, những điểm sáng như Quảng Ninh "vẫn còn ít", và chỉ hy vọng rằng, sự thành công của mô hình này sẽ "thuyết phục được các địa phương khác mở rộng triển khai", ông Thiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng ban IT& VAS của Tập đoàn VNPT đồng tình rằng, ứng dụng CNTT sẽ nâng cao hiệu quả của dịch vụ công, nhưng khoảng cách số không phải là trở ngại duy nhất. Kinh nghiệm của VNPT cho thấy việc triển khai CNTT phải "đi đôi với tối ưu hóa quy trình và chính sách", ông Cường nhấn mạnh. Sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích lớn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Hình thức thuê dịch vụ CNTT sẽ giúp giải quyết được khó khăn về nguồn lực CNTT của chính quyền. Chính vì thế, đại diện của VNPT kỳ vọng chính sách thuê dịch vụ CNTT sẽ được thể chế hóa chi tiết, rõ ràng trong thời gian tới, tạo ra môi trường để các doanh nghiệp CNTT tham gia bình đẳng vào việc cung cấp dịch vụ cho chính quyền.
Chẳng hạn như hệ thống một cửa điện tử đang được UBND huyện, sở, ban, ngành tỉnh Bắc Ninh; UBND huyện Chợ Gạo, Tiền Giang sử dụng. Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây; tích hợp chữ ký số; cho phép tra cứu bằng mã vạch, tra cứu qua màn hình cảm ứng; thông báo kết quả xử lý hồ sơ, cảnh báo tiến độ qua SMS, email; cho phép chính quyền dễ dàng thay đổi quy trình nghiệp vụ. Hoặc hệ thống quản lý văn bản và điều hành sẽ giúp các cơ quan nhà nước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ. Hiện tại, hệ thống này đã được nhiều địa phương ứng dụng.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định ứng dụng CNTT có thể giúp giảm đáng kể sự nhũng nhiễu của bộ máy, vì nó hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Khi doanh nghiệp cần nộp hồ sơ mà không cần phải gỡ cửa người này người kia, chỉ việc nhập vào hệ thống, vào phần mềm thì cơ hội để phát sinh tham nhũng sẽ giảm đi rất nhiều, ông Tuấn phân tích. Theo cơ chế hiện nay, Doanh nghiệp phải tiếp xúc đủ các cửa, gặp rất nhiều cán bộ, lãnh đạo phòng ban. Chỉ một vài người gây khó khăn thì lập tức, hồ sơ sẽ bị ách lại rất lâu. "Nếu chúng ta bỏ được toàn bộ việc giao dịch giữa các phòng, ban, sở ngành bằng giấy tờ, thay bằng phần mềm thì chắc chắn, tốc độ ra quyết định của chính quyền sẽ nhanh hơn rất nhiều. Năng suất làm việc tăng lên mà tỷ lệ tiêu cực lại giảm đi", đại diện VCCI kết luận.
Trọng Cầm
vietnamnet
|