Thứ Ba, 28/10/2014 16:10

Tài sản tham nhũng được đưa vào cổ phiếu, cá độ

Từ 1/10/2010 đến 30/4/2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định là khoảng trên 17.000 tỷ đồng, số thu hồi được là khoảng gần 5.000 tỷ đồng.

Đó là số liệu được Viện kiểm sát NDTC cung cấp tại hội thảo trước Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13. Hội thảo có chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở VN" được tổ chức hôm nay (28/10) tại Hà Nội, để chuẩn bị cho Đối thoại PCTN lần thứ 13 sẽ tổ chức ngày 26/11 tới.

Theo cơ quan này, một hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng ở VN là số vụ án bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm thực tế. Do đó, việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế, hoặc có xác định được số tài sản, tiền đã bị tham ô, chiếm đoạt nhưng không thu giữ được.

Việc điều tra làm rõ việc sử dụng, cất giấu tài sản tham nhũng hoặc che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản cũng còn hạn chế, nhiều trường hợp tài sản tham nhũng được xác định là đã sử dụng vào hoạt động kinh doanh, đánh bạc, chi tiêu hết không thu hồi được.

Việc điều tra, giám định, xác định hậu quả thiệt hại cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, không bảo đảm chính xác, trong khi việc kê biên tài sản để bảo đảm việc thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại gặp nhiều khó khăn, do những biến động trong việc sử dụng, mua bán, sở hữu tài sản.

Từ đó mà kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trên thực tế đạt tỷ lệ thấp.

Theo Viện kiểm sát, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là tội phạm tham nhũng, tham ô tài sản, nhận hối lộ vốn đều khó phát hiện, khó điều tra làm rõ.

"Đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức pháp luật nên thường có thủ đoạn đối phó, bao che, che giấu hành vi phạm tội cũng như tài sản tham nhũng", ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ 1B, Viện Kiểm sát NDTC cho hay trong tham luận về thực trạng thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

"Trong khi đó cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập, việc sử dụng tiền mặt, việc quản lý các giao dịch lớn ở VN còn khá lỏng lẻo và nhiều bất cập".

Một trong những thủ đoạn đó là đưa tài sản tham nhũng vào các hoạt động như kinh doanh, đầu tư mua bán cổ phiếu, thậm chí đánh bạc, cá độ bóng đá...

Ông Trương Minh Mạnh còn chỉ ra ở một số trường hợp, người phạm tội nghĩ dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để hưởng lợi.

Những hạn chế trong công tác giám định cũng là một nguyên nhân. Trong khi ở nhiều vụ án, cơ quan tố tụng không kịp thời kê biên tài sản nên người phạm tội và người thân vẫn có thời gian và điều kiện che giấu hoặc tìm cách hợp pháp hóa việc thu nhập, sở hữu tài sản.

Đại diện Viện Kiểm sát NDTC cũng cho rằng năng lực, trình độ, kỹ năng điều tra, truy tố, xét xử, nhất là kiến thức tổng hợp về quản lý ngân sách, tài chính - ngân hàng, đầu tư, xây dựng… của một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, còn hạn chế.

Điều này ảnh hưởng đến không chỉ quá trình điều tra, xác định và xử lý tài sản tham nhũng, mà còn dẫn đến những bản án xét xử tội phạm tham nhũng tuyên không rõ ràng về tài sản, khả năng thi hành án…

Bộ luật Hình sự hiện hành cũng còn chưa rõ ràng, thiếu các quy định cụ thể về các biện pháp tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng cũng như quy định về các biện pháp truy tố nhằm bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng như tạm giữ, kê biên tài sản…

Thế nên, một trong những giải pháp mà ông Trương Minh Mạnh lưu ý là việc thực hiện một cách thực chất và có hiệu quả việc kê khai tài sản, thu nhập; tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập trên thực tế.

Các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng cũng phải được tăng cường năng lực, trách nhiệm. "Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này", đại diện Viện Kiểm sát NDTC nêu.

Riêng với việc sửa đổi bộ luật Hình sự, ông Trương Minh Mạnh nhấn mạnh các hướng: tăng mức hình phạt tiền, giảm hình phạt tù với những đối tượng tham nhũng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả; khuyến khích phát hiện tội phạm bằng cách không xử lý hình sự, trả lại tài sản cho người đưa hối lộ nếu họ tố giác; bổ sung biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng...

Trong khi đó, những cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng cần được bổ sung các kiến thức tổng hợp về quản lý ngân sách, quản lý tài chính - ngân hàng, đầu tư, xây dựng..., đồng thời có biện pháp giáo dục, kiểm tra đối với chính các cán bộ này.

Chung Hoàng

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Điều khoản bí mật của thanh tra ngân hàng (28/10/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp Việt “lơ là” công tác bảo đảm an toàn thông tin? (28/10/2014)

>   Vi phạm bản quyền phần mềm, trị giá 15 tỉ đồng (27/10/2014)

>   Châu Á vẫn có nguy cơ dính Ebola (27/10/2014)

>   Tuần này, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế (27/10/2014)

>   Dừng thi công miếu thờ trong Formosa Hà Tĩnh (26/10/2014)

>   Nhiều sai phạm trong thi công cao tốc TP.HCM - Trung Lương (26/10/2014)

>   “Haivl.com không còn cơ hội sửa sai” (26/10/2014)

>   Năm 2014 khởi tố 303 vụ án ngân hàng, tài chính, chứng khoán (25/10/2014)

>   Một thông tư mù mờ, bất khả thi (25/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật