Thứ Tư, 29/10/2014 10:32

18,7 tỉ USD xây sân bay Long Thành

Tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của sân bay Long Thành là 18,7 tỉ USD. Mức công suất 100 triệu hành khách/năm được cho là dự báo “lạc quan”.

* Sân bay Long Thành cần thiết chứ chưa phải cấp thiết

* Phía sau cú “delay” của sân bay Long Thành

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình bày sáng nay trước QH tờ trình chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với tổng mức đầu tư là 18,7 tỉ USD. Giai đoạn 1 (đến 2025): Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm, 2 đường cất hạ cánh song song cấu hình đóng.

Giai đoạn 2 (đến 2030): Nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 3 (sau 2030): 100 triệu hành khách/năm.

Với diện tích của cảng HKQT Long Thành 5.000ha, sẽ có hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự kiến vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Trong đó, giai đoan 1a là 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư).

Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư).

Các phương án huy động vốn gồm ODA, vốn thông qua các dự án PPP, BOT, đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua cổ phần hóa tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đầu tư từ các hãng hàng không và các nhà đầu tư tư nhân thông qua việc đầu tư vào các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao.

Mức công suất của sân bay Long Thành được xác định 100 triệu hành khách/năm, gấp 4 lần mức tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ GTVT cho biết mức công suất của sân bay Long Thành được đánh giá là phù hợp trong quan hệ so sánh với công suất quy hoạch của các sân bay khu vực và mức độ hành khách đạt được của một số sân bay trên thế giới (hiện gần 100 triệu hành khách/năm).

Sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha và công suất ước đạt 100 triệu hành khách/năm nhưng so với với cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm, Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm.

Bộ GTVT cho biết việc xây sân bay Long Thành sẽ giúp hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Ngoài ra là đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, nhất là trong bối cảnh mở rộng Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 - 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 -2030 là không khả thi.

Vốn chưa khả thi, dự báo còn “lạc quan”

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án xây dựng sân bay Long Thành khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD), trong đó: Vốn nhà nước bao gồm NSNN, TPCP và ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

UB Kinh tế cho rằng đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao.

Việc đầu tư xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Dự án với phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn đến sau năm 2030 là quá dài, đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Với mức công suất 100 triệu hành khách/năm, UB Kinh tế cho biết đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được.

Lợi ích kinh tế của dự án được tính toán trên cơ sở lợi ích tăng thêm từ việc khai thác kinh doanh cảng hàng không, nguồn thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài. Tuy nhiên thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ…

Cần làm rõ tính cấp thiết

Báo cáo đầu tư đưa ra 3 phương án để so sánh là: Mở rộng Tân Sơn Nhất, xây dựng mới Long Thành, cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa và cuối cùng vẫn chọn phương án 2.

Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng các số liệu về đầu tư cải tạo, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa mới chỉ đưa ra ở mức tổng thể, thiếu các số liệu chi tiết chứng minh tính chính xác, hợp lý.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, các ĐBQH còn kiến nghị cần làm rõ sự cần thiết, tính cấp thiết của dự án này bởi nếu chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển) thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với 7 cảng quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu.

UB Kinh tế cũng đề nghị Bộ GTVT cần bổ sung ý kiến tham vấn của cơ quan, tổ chức hữu quan, các nhà khoa học và người dân có liên quan để Quốc hội tham khảo trước khi quyết định.

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ngành ô tô: “Đạp số” tăng tốc nhưng có đủ sức bật xa? (29/10/2014)

>   Chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản: Lương thưởng gần 700 triệu/năm (29/10/2014)

>   Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 8% (29/10/2014)

>   Các công ty tài chính sẽ thưởng cao hơn năm ngoái (28/10/2014)

>   Vô vàn khó khăn trong thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng (28/10/2014)

>   Viettel sắp triển khai xây dựng mạng di động 3G tại Tanzania (28/10/2014)

>   Tập đoàn Hong Kong khởi động lại dự án nhà máy giấy tại Hậu Giang (28/10/2014)

>   Doanh nghiệp Nhật đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam (28/10/2014)

>   Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp FDI mở rộng hợp tác kinh doanh (28/10/2014)

>   Nhập khẩu ôtô 2014 có thể gấp đôi năm ngoái (28/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật