Việt Nam muốn bán gạo ở mức 600-800 đô la Mỹ/tấn
Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt đặt mục tiêu đến năm 2020, giá lúa gạo xuất khẩu sẽ đạt bình quân khoảng 600 đô la Mỹ/tấn với nhóm gạo trắng và 800 đô la Mỹ/tấn với nhóm gạo thơm, tăng cao so với giá xuất khẩu gạo trung bình hiện nay là 452,5 đô la Mỹ/tấn. Giá trị sản lượng trên mỗi héc ta đất trồng lúa cũng phải đạt từ 120 triệu đồng/năm.
Tại Hội nghị tái cơ cấu ngành trồng trọt diễn ra sáng 23-9 tại Hà Nội, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho hay, trong các loại cây trồng thì cây lúa gạo là quan trọng nhất. Để đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu sản phẩm lúa gạo, Bộ NNPTNT đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Ban chỉ đạo nghiên cứu lúa gạo và hiện đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo dự thảo Đề án, lúa gạo vẫn được xác định là ngành hàng lợi thế và chiến lược của Việt Nam. “Dự kiến, đến năm 2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 600 đô la Mỹ/tấn với nhóm gạo trắng và 800 đô la Mỹ/tấn với nhóm gạo thơm, so với giá xuất khẩu gạo trung bình hiện nay là 452,5 đô la Mỹ/tấn” – ông Quảng nói.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đưa ra một loạt các giải pháp được như sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất lợi, đáp ứng yêu cầu thị trường, có giá bán cao...
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng sản xuất lúa gạo hướng tới xuất khẩu, sẽ sử dụng các giống lúa chất lượng gạo trắng, hạt dài, các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh với các giống cùng nhóm trên thị trường thế giới.
Vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa còn lại chủ yếu sử dụng các giống lúa có gạo, cơm ngon, phù hợp với tiêu dùng trong nước là chính.
Đồng thời, Cục trồng trọt còn lên phương án sử dụng hiệu quả, linh hoạt 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa; dự kiến đến năm 2020 sẽ chuyển khoảng 700.000-800.000 héc ta gieo trồng lúa sang các cây trồng khác hoặc chuyển sang chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về công tác xúc tiến thương mại, theo ông Quảng, Bộ sẽ có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo. Đồng thời, ngành lúa gạo vẫn xác định duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới như Trung Quốc, Bắc Phi và Đông Á…
Song song với những giải pháp trên, đề án tái cơ cấu lúa gạo còn đưa ra giải pháp như áp dụng quy trình canh tác tiên tiến như VietGAP, SRI…; nâng cấp cơ sở hạ tầng thông qua quy hoạch, dồn điền đổi thửa thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn; Liên kết xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu, khuyến khích các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…đầu tư thuê đất để sản xuất giống lúa, sản xuất lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.
Thùy Dung
tbktsg
|