Thêm đầu mối bán gạo vào thị trường tập trung: Vẫn lối cũ ta về!
Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là hai đầu mối được phép tham gia đàm phán, giao dịch trực tiếp ở những thị trường tập trung. Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn, điều này vẫn chưa đủ để có đột phá cho ngành lúa gạo.
Chưa thể tạo ra sự đột phá
Trao đổi với TBKTSG, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng về nguyên tắc bổ sung Vinafood 1 cùng Vinafood 2 đi đàm phán ở những thị trường tập trung cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong kinh doanh thương mại, có nhiều người bán thì người nhập khẩu sẽ “làm eo”, không có lợi gì cho người bán. “Đưa 1-2 đầu mối hay nhiều đầu mối không thành vấn đề nhưng càng đưa nhiều càng rối, khó thống nhất với nhau về chỉ đạo điều hành”, ông Tuấn cho biết.
Một yếu tố khác được ông Tuấn đưa ra để lý giải cho việc không nên đưa quá nhiều đầu mối đi giao dịch ở thị trường tập trung, đó là việc thể hiện năng lực và uy tín của quốc gia. “Nếu như đưa một đơn vị nhỏ như đợt rồi mà “gánh” 50.000-100.000 tấn gạo cho Philippines (lần Việt Nam giành được hợp đồng bán 800.000 tấn cho Philippines hồi tháng 4-2014), ký thời điểm đó giá cũng không phải thấp nhưng sau đó giá trong nước biến động, lỗ cả 1.000 đồng/ki lô gam, đơn vị nhỏ nhắm có thực hiện được không? Nếu không thì chẳng những công ty đó mà cả ngành gạo của Việt Nam cũng mất uy tín”, ông Tuấn nói.
Nêu quan điểm cá nhân của mình với TBKTSG, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết đối với những hợp đồng tập trung cấp chính phủ chỉ nên có một số đầu mối, không nên có quá nhiều đầu mối vì sẽ dẫn đến những khó khăn, thậm chí là thua thiệt.
Theo ông Hiệp, xuất khẩu gạo là ngành kinh doanh có điều kiện, một khi doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì nên cho xuất khẩu, không phân biệt hình thức sở hữu là Nhà nước hay tư nhân vì trong Nghị định 109 (Nghị định 109/2010/NĐ- CP về kinh doanh xuất khẩu gạo) không có hạn chế sở hữu nhà nước hay tư nhân, mà chỉ quy định về điều kiện. “Riêng đối với các hợp đồng cấp chính phủ thì nên có vai trò của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vai trò của Bộ Công Thương và một vài đầu mối nhưng các đầu mối đó là ai là một chuyện khác”, ông Hiệp cho biết.
Nên mời các doanh nghiệp tư nhân
TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), cho rằng việc tăng cường Vinafood 1 để cùng Vinafood 2 đảm đang thị trường xuất khẩu gạo tập trung với hy vọng giữ được thị trường, nâng cao hiệu quả... thì e là ta đã kỳ vọng quá lớn vào nhóm các doanh nghiệp nhà nước. Thay vào đó, chỉ cần chọn một số doanh nghiệp mạnh để giao cho họ “quán xuyến” các thị trường này hiệu quả sẽ cao hơn. Và tốt nhất là nên mời thêm một số doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường để có sự so sánh, đánh giá hiệu quả một cách khách quan và chính xác hơn.
N.T
|
Cũng theo ông Hiệp, “điều quan trọng là phương thức quản lý sao cho đầu mối không phải là đặc quyền, đặc lợi mà phải thật sự là đại diện cho doanh nghiệp”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn (trường Đại học Cần Thơ), cho rằng đưa Vinafood 1 vào danh sách đầu mối đi giao dịch ở những thị trường tập trung cũng không tạo ra được đột phá gì cho ngành lúa gạo.
Theo ông Đệ, nên có nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vào thị trường tập trung sẽ tốt hơn. “Theo tôi, nên có thêm những doanh nghiệp khác nữa, chứ chỉ có hai đơn vị đó (Vinafood 1 và Vinafood 2) thì các doanh nghiệp khác sẽ thiệt thòi”, ông nói.
Thiếu động lực để liên kết
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam, cho rằng Tổng công ty Lương thực (Vinafood) không nên trực tiếp tham gia xuất khẩu, mà chỉ nên là đầu mối tham gia tìm kiếm, mở rộng thị trường. Sau đó, Vinafood đứng ra kết nối với những công ty lương thực ở các tỉnh ĐBSCL để các đơn vị đó ký kết làm ăn với nhau và Vinafood được chia “huê hồng”.
Theo ông Xuân, các công ty lương thực ở các tỉnh ĐBSCL có nông dân, có vùng nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, Vinafood dù ở miền Nam hay miền Bắc đều không có nông dân, không có vùng nguyên liệu, thậm chí ngay cả Vinafood 1 còn phải mua gạo từ miền Nam. “Như vậy, tại sao chỉ có họ mới được giao dịch xuất khẩu?”, ông Xuân đặt vấn đề.
Theo ông Xuân, ở Nhật Bản, tổng công ty của họ không xuất khẩu trực tiếp mà chỉ làm đại diện cho công ty con nhằm mục đích gắn kết công ty con với đối tác ở nước ngoài rồi “ăn huê hồng” thôi.
Theo ông Tuấn của Thịnh Phát, bản thân người được cử làm đại diện đi đàm phán (Vinafood 2 và Vinafood 1) về cũng đưa cho tổ điều hành phân giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các đơn vị khác cùng làm. Quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của VFA cũng nêu rõ: “Doanh nghiệp trúng thầu hoặc được chỉ định để ký hợp đồng tập trung được xuất khẩu trực tiếp tối thiểu 30% số lượng hợp đồng. Số còn lại hiệp hội phân giao cho các doanh nghiệp thành viên có năng lực khác ủy thác xuất khẩu theo nguyên tắc dân chủ, công khai”.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, dù có phân giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp thành viên khác (sau khi trúng thầu) cũng hạn chế sự phát triển của họ vì vẫn phải thông qua VFA và thực chất quyền lực phần lớn nằm trong tay của Vinafood.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL (không muốn nêu tên), cho rằng chính cơ chế xuất khẩu phải thông qua một đầu mối đi đàm phán ở những thị trường tập trung đã làm hạn chế khả năng mở rộng thị trường của họ và khả năng phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. “Chúng tôi đáp ứng được Nghị định 109, chúng tôi phải được tự do xuất khẩu chứ”, vị này nói.
Xuất khẩu tập trung hay tiểu ngạch?
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính đến cuối tháng 8-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,8 tỉ đô la Mỹ, lần lượt giảm 9,1% về lượng và 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 8-2014, xuất khẩu đạt trên 627.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 270 triệu đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Philippines - một trong những thị trường tập trung - chiếm gần 24%, tăng trên 211% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nhân ngành gạo ở ĐBSCL đặt vấn đề, tại sao Trung Quốc có lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam rất lớn nhưng họ không chịu tác động bởi thị trường tập trung mà chỉ nhập tiểu ngạch? Thậm chí Trung Quốc tổ chức cả mạng lưới thương lái cạnh tranh thu mua lúa tận vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sản lượng gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hàng năm ước trên 1,5 triệu tấn. Đầu mỗi vụ thu hoạch các địa phương khuyến khích xuất khẩu kể cả tiểu ngạch để tránh ứ đọng lúa hàng hóa trong dân. Tới cuối vụ, nguồn nguyên liệu đã cạn doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thiếu hàng phải nâng giá thu gom, gây lỗ lã... Vòng luẩn quẩn đó khiến doanh nghiệp ngành gạo không thể lớn lên được do thiếu tự chủ.
N.T
|
Trung Chánh
TBKTSG
|