Dịch bệnh tàn phá hồ tiêu
Sau khi đổ xô trồng nhưng chưa nghiên cứu kỹ, người trồng tiêu cả nước đang phải đối mặt với nỗi lo dịch bệnh tàn phá.
Rầu rĩ nhìn từng trụ tiêu vàng lá đang héo dần, ông Nguyễn Đông Xuân, chủ một vườn tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, buồn bã nói: “Vườn tiêu nhà tôi đã được 1 năm rưỡi. Cả tháng nay mưa dầm mới nắng được vài ngày là nó vàng lá, cây này lây sang cây khác. Mà không chỉ vườn nhà tôi mà khu vực lân cận bà con bị như thế này nhiều lắm. Theo chẩn đoán thì tiêu bị tuyến trùng tấn công làm rễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho các loại nấm trên tấn công hại rễ tiêu”. Anh Thiên Tâm - chủ một vườn tiêu ở Đắk Lắk - cũng than thở: “Trời mưa suốt thì không sao, mới nắng có 1 tuần đã có dấu hiệu tiêu thối gốc xì mủ gốc rồi chết”.
Đổ xô trồng, kỹ thuật không vững
Chẩn đoán hiện tượng này, bà Triệu Hồng Vân, một chuyên gia lâu năm về công nghệ sinh học cho biết: “Hiện nay nhiều vườn tiêu trên cả nước bị bệnh như tiêu điên, chết chậm, chết nhanh. Đặc biệt bệnh chết nhanh rất phổ biến và nguy hiểm, làm cây tiêu chết hàng loạt, gây mất trắng hoặc giảm năng suất trầm trọng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do nấm phytophthora gây ra làm cây tiêu chết rất nhanh”.
Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Hoàng Phước Bính nhận định: “Do mấy năm nay xuất khẩu tiêu được giá, giá tiêu cao gấp 4 -5 lần cà phê nên người dân đổ xô vào trồng bất chấp đất đai không phù hợp, kỹ thuật chưa nắm vững. Năm nay rất nhiều trường hợp vườn tiêu bị dịch bệnh nên khả năng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cả nước. Riêng tại Gia Lai sản lượng hồ tiêu niên vụ này dự báo đạt khoảng 17.000 - 18.000 tấn, giảm khoảng 30% so với niên vụ trước vì dịch bệnh. Ước tính người trồng tiêu mất cả ngàn tỉ đồng”.
Sở NN-PTNT Gia Lai cũng cho biết diện tích hồ tiêu tại tỉnh này đã đạt khoảng 9.000 ha, vượt quy hoạch gấp 3 lần của tỉnh về phát triển hồ tiêu đến năm 2020 là 3.000 ha. Trước tình hình người dân ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu tự phát, phá bỏ cả vườn cà phê, cao su, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chuyển diện tích cao su đang bắt đầu khai thác để trồng tiêu, cà phê. Đặc biệt, tuyệt đối không trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su vì dễ bị nhiễm nấm phytophthora làm chết cây cao su.
Trộm cắp tiêu gia tăng
Ông Nguyễn Thanh Xuân (thôn 11, xã Ea Tiêu) trồng hơn 1.000 trụ tiêu tại rẫy cách nhà không xa. Đầu năm 2014, tiêu vừa bước sang kỳ thu hoạch đã bị kẻ gian chặt dây 26 trụ. “Mỗi trụ tiêu từ lúc xuống giống đến khi cho thu hoạch mất 3 năm. Cộng hết tiền giống, trụ, phân bón, công chăm sóc, trung bình mỗi trụ tiêu tốn từ 5 đến 7 triệu đồng. Tiêu được chăm sóc tốt nên thu từ 15-17 kg tiêu hạt, với mức giá từ 170.000 - 180.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi trụ tiêu bị chặt, tôi bị mất trắng mấy triệu đồng” - ông Xuân xót xa.
Anh Vũ Phong, chủ một vườn tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), cho biết: “Nhà mình bị trộm vào cắt 24 trụ tiêu. Trụ chết, trụ xấu nó không cắt mà cắt toàn trụ đẹp. Cứ 1 trụ nó cắt 1 - 2 dây”. Theo nhiều chủ vườn tiêu, việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích trong khi nguồn tiêu giống không đủ cung cấp khiến nhiều kẻ hám lời đi cắt trộm dây tiêu về giâm giống, bán thu lợi.
|
Quang Thuần
thanh niên
|