Thứ Ba, 09/09/2014 11:22

Thấp thỏm vụ mía mới

Hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang đang thấp thỏm chờ đợi các NM đường trong vùng khởi động niên vụ ép 2014-2015.

Hiện giá đường ở mức thấp nên các NM không mặn mà vào vụ, trong khi nông dân lại sốt ruột vì mía đã đến thời kỳ thu hoạch và lũ đang lên từng ngày.

Với giá thông báo thu mua mía nguyên liệu thấp như hiện nay thì nông dân không thể có lãi

Hậu Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có tới 3 NM đường và đều có chung vùng mía nguyên liệu chính tại huyện Phụng Hiệp. Đặc điểm của vùng mía nguyên liệu này là dễ bị ngập lũ do địa hình trũng thấp.

Vì vậy, những diện tích mía ngoài đê bao chỉ trồng được 9-9,5 tháng là buộc phải thu hoạch nhằm tránh đỉnh lũ từ mùa nước nổi đổ về. Có năm nước lũ đổ về quá nhanh, các NM chạy không kịp, buộc phải nhờ các NM ở các tỉnh lân cận ép tiếp để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm câu lạc bộ 200 (200 tấn mía/ha), ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp cho biết, thường thì NM sẽ thông báo cho nông dân biết trước thời gian vào vụ ép từ 15-20 ngày để chủ động mướn nhân công thu hoạch. Nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo chính thức, chỉ nghe bà con nói là khoảng 20/9, dù mía trong vùng đã tới thời kỳ thu hoạch.

“Với những vùng trũng thấp, lại chưa có đê bao thì người dân thường trồng các giống mía chín sớm, chỉ khoảng 8,5-9 tháng là họ thu hoạch, sau đó tranh thủ làm vụ lúa liếp. Vì vậy, nhiều người nóng lòng khi đã qua tháng 9 mà chưa thấy NM rục rịch gì”, ông Hiền nói.

Về giá mía, ông Hiền cho biết Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) ký hợp đồng bao tiêu với các thành viên câu lạc bộ là 830 đ/kg loại 10 chữ đường tại cầu cảng NM. Theo ông Hiền, với giá này nông dân bán mía tại rẫy cho thương lái cao lắm là 750 đ/kg, khó mà có lãi được.

Đối với các thành viên câu lạc bộ, do trong khu vực đê bao nên có thể để mía tới 10,5-11 tháng mới thu hoạch, mía đạt trên 10 chữ đường, năng suất lại cao từ 150-200 tấn/ha nên có lãi. Còn những hộ bên ngoài bình quân chỉ khoảng 100 tấn/ha, mía lại dưới 10 chữ đường, cầm chắc bị lỗ.

Theo ông Nguyễn Thành Long, bắt tay vào sản xuất vụ mới, các NM đường ở ĐBSCL đều gặp khó do giá đường đang ở mức rất thấp, cộng với áp lực đường tồn kho từ vụ trước nên phải tính toán thời gian vào vụ sao cho thật hợp lý.

Hiện giá đường bán buôn chỉ còn từ 12.000-13.000 đ/kg (tùy loại), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 2.000 đ/kg, còn so với lúc cuối vụ đã giảm tới 3.000 đ/kg. Đây là mức giá rất thấp, tính ra ngang bằng với giá thành bình quân của các NM đường tại ĐBSCL. Vì vậy, chỉ có các NM có công nghệ hiện đại, quản lý tốt thì may ra mới có lãi chút ít, bằng không là cầm chắc thua lỗ.

Phó Trưởng phòng NN-PTNT Phụng Hiệp, Nguyễn Thế Tự cho biết, niên vụ 2014-2015, toàn vùng hiện xuống giống được 8.345 ha mía, trong đó chỉ có 5.000 ha nằm trong vùng đê bao. Qua mấy đợt triều cường gần đây mực nước đều cao hơn cùng kỳ và theo dự báo thì giữa tháng 11 lũ năm nay sẽ đạt đỉnh.

Vì vậy, nếu các NM ưu tiên ép mía ngoài đê bao trước thì có thể giải quyết được. Tuy nhiên, nếu lũ lên nhanh hơn cần phải có sự hỗ trợ của các NM ngoài tỉnh.

Theo ông Tự, trong 3 NM trên địa bàn tỉnh thì Cty Đường cồn Long Mỹ Phát đã vào vụ từ ngày 30/8, giá thu mua nguyên liệu là 750 đ/kg mía xô. Nhưng đây là NM công suất nhỏ, lượng mía ép hàng ngày không nhiều.

Còn Cty CASUCO dự kiến khởi động NM Phụng Hiệp vào ngày 17/9 và Vị Thanh là 20/9, giá mía mua tại cầu cảng 850 đ/kg loại 10 chữ đường. Trong khi đó, theo tính toán của ngành nông nghiệp thì giá thành sản xuất mía tại Phụng Hiệp niên vụ này là 735 đ/kg. Với mức giá thu mua như hiện nay nông dân chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ chứ không thể có lãi.

Tại Kiên Giang, nông dân trồng mía cũng đang sốt ruột chờ NM của XN Đường Kiên Giang (Cty CP Mía đường Tây Nam) vào vụ. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, niên vụ mía đường 2014-2015, toàn tỉnh gieo trồng được 5.165 ha mía, sản lượng ước đạt trên 365.000 tấn.

Riêng XN Đường Kiên Giang đầu tư vùng nguyên liệu là 2.295 ha, trong đó có 1.387 ha được ký hợp đồng bao tiêu, với giá sàn 800 đ/kg mía 10 chữ đường tại bàn cân NM. Mức đầu tư của XN cho nông dân là 27 triệu đ/ha trồng mới và 10 triệu đ/ha lưu gốc. Dự kiến, niên vụ 2014-2015, XN Đường Kiên Giang sẽ thu mua và ép 110.000 tấn mía nguyên liệu, sản lượng đường 9.350 tấn.

Ông Nguyễn Thành Long, TGĐ CASUCO, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, Hiệp hội đã họp và thống nhất ngày vào vụ chính thức niên vụ mía đường 2014-2015 tại khu vực ĐBSCL là 20/9. Tuy nhiên, tùy vào tình hình chuẩn bị cụ thể của các NM mà có thể vào vụ sớm hơn hoặc trễ hơn một vài ngày.

Giá mía được các NM thống nhất thu mua tại rẫy cho nông dân là 800 đ/kg, loại 10 chữ đường. Từ đó, các NM căn cứ vào quãng đường vận chuyển gần xa để đưa ra mức thu mua tại cầu cảng của mình. Đây là mức giá tương đương với thời điểm cuối niên vụ 2013-2014.

nông nghiệp

Các tin tức khác

>   Cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo tăng (08/09/2014)

>   Thanh long Việt Nam nên “tham khảo” Kiwi New Zealand (08/09/2014)

>   Tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (08/09/2014)

>   Philippines tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam (07/09/2014)

>   Giá cà phê xuất khẩu xuống nhanh (06/09/2014)

>   Sản lượng thóc gạo trong quý 3 của Philippines ước giảm 10% (05/09/2014)

>   Doanh nghiệp điều gặp khó vì bị "xù" hợp đồng (05/09/2014)

>   Tháng 5, giá đường trắng đạt mức cao nhất trong 6 tháng rưỡi (28/08/2014)

>   Đức Long Gia Lai: Chính thức công bố dự án chăn nuôi quy mô lớn gần 11,000 tỷ đồng (05/09/2014)

>   Gần 85% số lượng sắn XK sang Trung Quốc (04/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật