Tháng 5, giá đường trắng đạt mức cao nhất trong 6 tháng rưỡi
Giá đường trắng tháng 05/2014 đạt mức cao nhất trong 6 tháng rưỡi. Trong nước, với tình hình tồn kho đường đang ở mức rất cao vào cuối vụ, nhưng nhu cầu sử dụng đường tăng mạnh cho dịp hè nên dự báo giá đường có khả năng tăng trong tháng 6.
Tổng quan thị trường thế giới
Diễn biến giá đường tháng 5/2014
Tình trạng hạn hán khắc nghiệt nhất xảy ra trong một thập kỷ qua vào quý đầu tiên của năm đã ảnh hưởng tới sản lượng mía ở Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Ngày 14/5, giá đường thô đạt đỉnh 6 tuần và đường trắng đạt mức cao trong 6 tháng rưỡi; giá đường thô trên sàn ICE đạt 18,25 cent/lb, trong khi giá đường trắng trên sàn liffe lên mức 494,8 USD/tấn. Tuy nhiên giá đã giảm nhẹ trở lại, ngày 20/5, giá đường thô còn 17,77 cent/lb, giảm 0,48 cent/lb so với mức cao nhất vào giữa tháng 5, tương đương mức giảm 3%, nhưng tăng 16% so với 14,7 cent/lb trong tháng 1- mức thấp nhất trong gần 4 năm qua.
Cùng với xu hướng giảm giá, giá đường trắng trên sàn liffe giảm xuống mức 482,4 USD/tấn vào ngày 20/5, giảm 12,4 USD/tấn so với mức đỉnh giữa tháng 5, tuy nhiên so với mức thấp nhất trong tháng đầu năm giá vẫn tăng 12%, còn so với cùng kỳ năm trước giá tăng gần 10 USD/tấn, tương đương mức tăng 2%.
Giá đường thô tại New York (ĐVT: Cent/lb
|
Dự báo nguồn cung và tình hình tiêu thụ tại một số thị trường chủ chốt
Các chuyên gia thuộc công ty Green Pool Commodity Specialists (Australia) dự báo mức dư cung đường trên toàn cầu trong niên vụ 2014/15 sẽ chỉ đạt 1,6 triệu tấn. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dư cung trong niên vụ 2013/14 là 5,05 triệu tấn. Nguyên nhân, mức tiêu thụ đường được dự báo sẽ tăng lên tương đối mạnh và sản lượng đường bắt đầu giảm xuống sau khi giá đường ở mức thấp trong hơn 3 năm qua.
Brazil: Sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil- khu vực trồng mía đường lớn nhất thế giới - có khả năng sẽ giảm 3,2% trong năm nay do hạn hán. Theo ước tính từ các thương nhân và các nhà phân tích của Bloomberg, sản lượng mía đường có thể giảm từ 34,3 triệu tấn của niên vụ trước xuống còn 33,2 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ ngày 1/4/2014.
Thái Lan: Theo Thai Sugar Millers Corp. (TSMC) - tổ chức đại diện cho 51 doanh nghiệp sản xuất mía đường Thái Lan, sản lượng mía đường tại nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới này trong niên vụ 2013-14 có thể sẽ thấp hơn so với dự báo, chỉ đạt 11 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính 12 triệu tấn. Lượng mía thu hoạch ước đạt 105 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó 110 triệu tấn, bởi thời tiết khô hạn đang ảnh hưởng tiêu cực tới cây trồng.
Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, tình trạng khô hạn đã diễn ra tại 32 trên tổng số 77 tỉnh ở Thái Lan. Mùa khô kéo dài hơn tại Thái Lan có thể làm giảm sản lượng trong niên vụ tới.
Nga: Công ty nghiên cứu thị trường Ikar cho biết mức tiêu thụ đường của Nga trong năm nay có thể đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, do dân số tăng lên tại nước này đã đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm sản xuất trong nước. Tiêu thụ đường có thể tăng 1,2% lên 5,68 triệu tấn so với 5,61 triệu tấn năm ngoái - sự thay đổi bất thường này do mức tiêu thụ đường trong nước mấy năm gần đây đã giảm mạnh.
Dân số tăng là do sự sáp nhập Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga hồi tháng 3/2014. Thực phẩm trong nước trở nên phổ biến hơn do đồng rúp giảm từ đầu năm nay làm cho nhập khẩu giảm mạnh. Lệnh cấm nhập khẩu đường từ công ty Roshen của Ukraine năm 2013 đã tạo điều kiện cho các công ty đối thủ của Nga có thể tăng doanh thu.
Pakistan: Hiệp hội các nhà máy đường Pakistan (PSMA) cho biết hoạt động xuất khẩu đường của Pakistan, nước sản xuất đường lớn thứ tư châu Á, trong năm nay ước giảm 17%, sau khi doanh số bán kỷ lục của một năm trước đã làm giảm đáng kể lượng đường của các kho dự trữ.
Shunaid Qureshi, Chủ tịch PSMA cho hay, khối lượng đường xuất khẩu có thể giảm từ 1,2 triệu tấn trong niên vụ 2012/13 xuống còn 1 triệu tấn trong tài khoá bắt đầu từ tháng 10.
Trung Quốc: Hai năm gần đây, thị trường đường Trung Quốc trầm lắng, giá đường liên tục giảm khiến ngành đường nước này gặp khó khăn. Kể từ niên vụ 2013/2014 đến nay, giá đường của Trung Quốc đã giảm từ mức hơn 7.000 NDT/tấn xuống còn 4.000 NDT/tấn. Theo Hiệp hội đường Trung Quốc tính theo mức giá hiện nay, ngành đường chắc chắn lỗ. Về xu hướng thời gian tới, các chuyên gia trong ngành cũng có ý kiến khác nhau. Có nhà phân tích nhận định năm tới thị trường đường sẽ có sự chuyển biến mang tính chu kỳ, nhưng những người bi quan lại cho rằng do không có giống tốt, cơ sở hạ tầng thủy lợi lạc hậu, điều kiện tự nhiên hạn chế nên giá thành trồng mía nguyên liệu, đường nguyên liệu của Trung Quốc sẽ cao hơn thế giới, cơ bản không có sức cạnh tranh. Dự báo niên vụ tới tình hình cũng khó có chuyển biến tích cực.
Thị trường trong nước
Diễn biến giá tháng 5/2014
Giá đường trong tháng 5 ổn định so với tháng 4, cụ thể, giá đường bán buôn RS phổ biến ở mức 12.400 – 13.400 đồng/kg, giá đường RE ở mức 14.200 – 15.200 đồng/kg. Tuy nhiên so với đầu năm giá đã giảm từ 200-400 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm trước giá giảm 1.800 đồng/kg, tương đương mức giảm 12%.
Do tiêu thụ đường khó khăn, nên giá bán buôn đường tại các nhà máy vẫn ở mức thấp, trong khi giá bán lẻ đường trên thị trường đến người tiêu dùng ở mức cao, từ 18.000- 21.000 đồng/kg, chênh lệch 3.000-5.000đồng/kg. Nguyên nhân là do các hệ thống đại lý và siêu thị chi phối thị trường bán lẻ.
Giá đường tháng 5/2014 (ĐVT:đ/kg)
|
Cung-cầu
Trong niên vụ 2013- 2014, ngành mía đường sản xuất 1,6 triệu tấn đường, tăng 5% so với niên vụ trước. Tồn kho đầu vụ 372.580 tấn, nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 73.500 tấn. Như vậy, tổng nguồn cung đường trong năm khoảng 2 triệu tấn. Tiêu thụ nội địa từ 1,4 -1,5 triệu tấn; xuất khẩu khoảng hơn 200 nghìn tấn, sau khi cân đối cung cầu sẽ còn thừa 300.000 tấn.
Bảng 2: Thống kê và dự báo cung- cầu đường (ĐVT: tấn)
|
Tính đến ngày 15/4/2014, các nhà máy đã ép được 15 triệu tấn mía, sản xuất được 1,5 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm 2013, lượng mía ép tăng 517.000 tấn, lượng đường sản xuất tăng 157.000 tấn. Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến cuối tháng 4 là hơn 690.000 tấn, trong đó tồn kho tại các nhà máy là 663.611 tấn, và tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 26.783 tấn.
Xuất khẩu đường: Sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế là yếu tố cản trở khả năng xuất khẩu đường. Đường tuy vẫn xuất khẩu được nhưng hơn 90% là xuất sang Trung Quốc. Đây đang là lợi thế nhưng cũng trở thành khó khăn nếu Trung Quốc tự cân đối được cung cầu hoặc gia tăng nhập khẩu từ các nước khác.
Vinanet
|