Doanh nhân trẻ và nông nghiệp: “Tôi phải làm trước khi nói”
Những hành động cụ thể của nhiều doanh nhân trẻ với nông nghiệp - trụ đỡ đang lung lay của nền kinh tế Việt Nam...
Chuyên gia Philippines hướng dẫn công nhân đóng gói chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc tại Công ty Unifarm
Đã trải qua hơn 20 năm với sản phẩm dây đồng và hạt nhựa PVC, bỗng nhiên về Bắc Giang xây nhà máy mỳ Chũ.
“Ngẫu hứng” này có thể sẽ không đến với ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần SNC, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nếu như vị doanh nhân này không phải là người đam mê với hoạt động Hội.
"Ý tưởng làm nhà máy sản xuất mỳ Chũ bắt đầu hình thành khi 6 năm trước, tôi về tìm hiểu, thành lập câu lạc bộ các doanh nhân trẻ ở Lục Ngạn. Nếu sản xuất mỳ thủ công thì chất lượng sản phẩm không ổn định, năng suất thấp và phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết", ông Sơn kể.
Theo quan sát của Nguyễn Trường Sơn, khi sản xuất thủ công, sẽ phải dùng lạt để buộc ngang từng nắm mỳ. Dây lạt có độ ẩm và đó chính là nguyên nhân khiến cho mỳ khó bảo quản, để lâu sẽ bị ẩm mốc và không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đóng gói dây chuyền hiện đại sẽ khắc phục được điều này.
Dần dần từng bước, từ tìm hiểu thị trường, lắp đặt chế tạo dây chuyển sản xuất… chừng một tháng nữa nhà máy sẽ bắt đầu ra sản phẩm với mục tiêu sản lượng 200 tấn mỳ một tháng.
Mỳ Chũ được sản xuất từ gạo, là nông sản chiếm ưu thế của Việt Nam so với các nước khác. Đồng thời là đặc sản của làng nghề truyền thống tại Lục Ngạn, đã được trải nghiệm qua thời gian. Đó là những yếu tố khiến Nguyễn Trường Sơn tin rằng sản phẩm này sẽ có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ trong nước.
Bên cạnh việc tự sản xuất khép kín một sản phẩm nông nghiệp, nhà máy còn là nơi thu mua, xử lý đúng tiêu chuẩn và đóng gói sản phẩm của làng nghề Chũ. Nhân sự chủ chốt của nhà máy cũng là người của làng nghề, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh “duyên” tình cờ, nghiên cứu để quyết định đầu tư mỳ Chũ, với ông Sơn, sâu xa hơn, có lẽ còn từ những câu chuyện đã không ít lần được trao đổi, chia sẻ giữa chính các doanh nhân với nhau.
Đó là, nhắc đến Việt Nam, ai cũng nói nông nghiệp là thế mạnh, vậy tại sao từ hạt gạo, con cá, con tôm vẫn chưa làm ra được sản phẩm có giá trị cao, đa số nông dân vẫn nghèo?
Hơn một lần đặt ra câu hỏi này khi trao đổi với VnEconomy, một doanh nhân khác, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, cũng tự đi tìm câu trả lời theo cách riêng của mình.
Khảo sát thực tế trong nước, tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là từ Israel, 6 năm trước, U&I thông qua công ty con là Unifarm quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, dù đây không phải lĩnh vực sở trường của doanh nghiệp này.
Đầu tư cả trăm tỷ đồng trên diện tích 500 ha với công nghệ được chuyển giao từ Israel, sản phẩm của Unifarm đạt chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu - Global GAP. Dưa lưới, ớt, đậu bắp… đã “vượt biên” sang một số thị trường khó tính nhất. Giá trị sản xuất nông nghiệp đã có thể đạt ít nhất là 500 triệu đồng/ha.
Ổn định thị trường thì mới lo được đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Từ tư duy này, U&I tìm cách chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng trọt cho các trang trại và nông hộ trong khu vực, với mục tiêu hình thành một vùng nông nghiệp lớn trên đất Bình Dương.
Dù mới chỉ là thành công bước đầu, song Mai Hữu Tín tin rằng mô hình này đang góp phần mang đến giải pháp cho tình trạng nông dân quá lệ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường trong nước và sự thao túng của thương nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, để người nông dân không tiếp tục nghèo và không lệ thuộc ngay trên chính mảnh đất của họ thì cần cả chiến lược cấp quốc gia chứ không riêng nỗ lực của cá nhân nào, ông Tín tâm tư. Và Unifarm là một cách để vị doanh nhân này rút ra bài học từ thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách góp phần hình thành nên chiến lược tổng thể đó.
“Tôi phải làm trước khi nói, thì tiếng nói của tôi mới thực sự thuyết phục”, ông Tín nói với VnEconomy.
Khi đã có những thành công nhất định trên con đường lập nghiệp, một số doanh nhân trẻ dường như đang chọn lựa dấn thân vào các dự án mới không hoàn toàn chỉ vì lợi nhuận. Họ mong muốn được đóng góp vào sự hình thành nên những chính sách mang tầm quốc gia để phát triển kinh tế bền vững, từ sự trải nghiệm của bản thân.
Và, một trong các lĩnh vực được họ đặc biệt quan tâm, chính là nông nghiệp - trụ đỡ đang lung lay của nền kinh tế Việt Nam.
Nguyên Hà
vneconomy
|