Cá ngừ trở lại
Các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, đang được nhiều thị trường ưa chuộng.
* Xuất khẩu các ngừ sụt giảm
Cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ Nhật đem lại giá trị kinh tế cao.
|
Được đối tác Nhật tiếp đón với món cá ngừ sống chấm mù tạc, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch tỉnh Bình Định kể cho họ nghe về những con cá ngừ mà ngư dân tỉnh này đánh bắt được. Khi người Nhật tỏ ra hứng thú và đề nghị xuất khẩu, ông Lộc đã đích thân đi cùng ngư dân Nhật để tìm hiểu công nghệ và kỹ thuật đánh bắt của họ.
“Xuất khẩu cá ngừ theo công nghệ mới sẽ cho hiệu quả rất cao”, ông Lộc tính toán. Giá cá ngừ thường chỉ bán 80.000-100.000 đồng/kg. Nhưng đánh theo phương thức của Nhật thì giá trên 400.000 đồng/kg. Tại sao bỏ qua cơ hội này?
Bình Định nhanh tay
“Về nước, tôi mời bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifisco) sang Nhật một chuyến”, ông Lộc chia sẻ. Thích thú với mô hình này, bà Lan tình nguyện đưa ra phương án mua cá ngừ cho ngư dân với giá cao hơn 20% so với thị trường và cam kết sẽ trả giá cao hơn nếu sau này giá xuất khẩu tăng lên.
Không lâu sau đó, tỉnh Bình Định cũng đầu tư 1,5 tỉ đồng để hỗ trợ 5 tàu cá mới thí điểm mô hình đánh bắt theo công nghệ Nhật. Toàn bộ quá trình này đã kéo dài suốt 2 năm.
Ðến đầu tháng 8.2014, Bidifisco và Công ty Kato Hitoshi General Office Co,. Ltd (Kato Office) đã ký kết hợp đồng độc quyền xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật. Theo đó, Kato Office là đại diện của Bidifisco để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại những trung tâm bán đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của Kato Office ở Nhật.
“Lô cá ngừ đầu tiên đánh bắt theo công nghệ Nhật chưa thành công lắm. Trong khi cá ngừ Nhật đỏ tươi thì cá do Việt Nam đánh bắt lại có màu đỏ sẫm và thâm”, chuyên gia Kato Office nhận xét. Theo ông, việc đánh bắt quan trọng nhưng ngư dân cũng cần chú trọng cả kỹ thuật bảo quản cá.
Dù vậy, lô cá ngừ đầu tiên do ngư dân tỉnh Bình Định đánh bắt theo công nghệ hiện đại của Nhật đã được Bidifisco đem bán đấu giá hết cho đối tác Nhật với mức giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg và cao nhất 420.000 đồng/kg. Theo nhiều chuyên gia Nhật, lô hàng chưa đạt tiêu chuẩn, do ngư dân chưa nhuần nhuyễn trong kỹ thuật, nhưng đây là bước khởi đầu nên chấp nhận được.
“Một phần là do ngư dân quen với việc đánh bắt xa bờ, kéo dài ít nhất nửa tháng còn theo công nghệ mới thì tối đa chỉ 10 ngày”, ông Lộc giải thích thêm.
Ngay sau khi lô hàng này vừa xuất, Bình Định đã lập tức cử 4 đại diện qua Nhật theo các đoàn đánh bắt cá ngừ để học hỏi thêm kinh nghiệm đánh bắt mới. Tỉnh này cũng đang xúc tiến ngành dịch vụ cho nghề cá, cho phép các tàu cá đánh bắt xa bờ dài ngày tiếp tục bám biển với sự hỗ trợ của các tàu dịch vụ; qua đó tiết kiệm thời gian mà hiệu quả đánh bắt cũng tăng lên.
Cửa lớn cho cá ngừ
Theo ông Lộc, trung bình 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa khai thác khoảng 8.000-10.000 tấn cá ngừ/năm; nhưng hiện nay mới chỉ có Bình Định khai thác theo phương pháp mới của Nhật.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết hiện cả nước có hơn 50 doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương, tập trung ở các tỉnh miền Trung. “Các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, đang được nhiều thị trường ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính Nhật, EU, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc...”, ông Ðáp nói.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam lại giảm sâu, nhất là năm 2013. Nửa đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước đạt hơn 244 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 3 thị trường chính của cá ngừ Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật, thì Nhật là nước sụt giảm mạnh nhất. 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Nhật đạt hơn 13,6 triệu USD, giảm gần 57% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu tuy tăng nhưng giá trị lại giảm.
Trong khi đó, theo ông Masakazu Shoga, chuyên gia Kato Office, thì mỗi năm Nhật tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài. “Hiện tại, sản lượng cá ngừ nhập khẩu vào Nhật vẫn thiếu. Ðây là cửa lớn cho cá ngừ Việt Nam”, ông Lộc nhận xét.
Không nhanh tay như Bình Định, nhưng Phú Yên cũng đang cố gắng vực dậy thế mạnh khai thác cá ngừ vốn có của mình. Tỉnh này từng được xem là cái nôi đánh bắt cá ngừ của Việt Nam, nhưng thời gian gần đây nhiều ngư dân bỏ sang khai thác loại cá khác do hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo nhiều ngư dân, giá cá ngừ thấp mà lại đánh bắt lâu ngày nên phải bán lỗ.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, sản lượng cá ngừ đánh bắt năm 2012 là 6.050 tấn, nhưng năm 2013 chỉ còn 4.500 tấn. Ðến cuối vụ cá ngừ năm 2014 thì chỉ còn 3.200 tấn.
Nhằm khuyến khích nghề đánh bắt cá ngừ phát triển trở lại, Phú Yên đang đề ra nhiều phương án như đóng 600 tàu cá mới vào năm 2015 và học hỏi kinh nghiệm đánh bắt theo công nghệ Nhật, tiến tới xuất khẩu cá ngừ sang nhiều thị trường với giá trị cao hơn.
Mai Hân
nhịp cầu đầu tư
|