Kinh doanh kho gạo hiệu quả từ mô hình mới
Xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua không còn dễ dàng như trước nữa. Trong bối cảnh đó, xuất hiện mô hình kinh doanh nhà kho đã làm mới một số công đoạn và đang chứng tỏ tính hiệu quả của nó.
Thu hoạch lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Trong chuyến đi thực địa miền Tây mới đây, gặp gỡ nhiều chủ doanh nghiệp nhà kho ở các địa bàn Cần Thơ, An Giang, Lấp Vò, Sa Đéc, Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy một mô hình kinh doanh mới đem lại hiệu quả tích cực.
Có thể tóm tắt những khác biệt giữa mô hình nhà kho mới này với mô hình phổ biến (xem bảng)
Cụ thể, quy trình phổ biến của các doanh nghiệp cung ứng và xuất khẩu hiện nay hầu hết thu mua gạo nguyên liệu từ thương lái sau đó lau bóng để xuất khẩu. Mô hình này cho thấy nhiều hạn chế trong thời gian qua như tốn nhiều thời gian, chi phí vận chuyển và quay vòng vốn chậm.
Với mô hình phổ biến, tại thời điểm chính vụ sản xuất, thương lái mất từ 5-6 ngày mới có thể hoàn thành được một chu kỳ, tối đa một tháng, thương lái có thể đi được 6-7 chuyến lúa. Đây cũng là một phần nguyên nhân lực lượng thương lái tăng nhanh nhưng hiệu quả sản xuất thấp khiến lực lượng này gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, mô hình sản xuất của doanh nghiệp nhà kho mới lại có quy trình khác. Một số nhà kho phát triển lên từ các nhà máy gia công sấy, xay xát trở thành doanh nghiệp cung ứng sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, dù quy mô kho chứa khá nhỏ, từ 6.000-7.000 tấn, so với các nhà kho phổ biến hiện nay từ 15.000-50.000 tấn.
Mô hình này lợi cho cả thương lái và doanh nghiệp cung ứng
Thương lái khi mua lúa sẽ chuyển đến kho của doanh nghiệp cung ứng. Sau đó doanh nghiệp này sẽ ứng trước một số tiền tương ứng với số lúa của thương lái tiếp tục đi mua lúa. Như vậy, thương lái không bị đọng vốn, vốn quay vòng nhanh nên mua được nhiều lúa từ nông dân. Lúa sẽ được sấy, xay xát ra gạo trắng và bán lại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ trừ các chi phí và thanh toán cho thương lái.
Như vậy, thương lái bán trực tiếp gạo trắng và phụ phẩm cho doanh nghiệp chứ không bán gạo nguyên liệu, do đó mức lợi nhuận cao hơn bán gạo lức. Mỗi một tháng thương lái có thể đi được từ 12-15 chuyến hàng, vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thời gian, vừa gắn kết với doanh nghiệp nên không bị ép giá bán trong thời điểm giá gạo giảm mạnh.
Phía doanh nghiệp luôn hoạt động hết công suất của nhà máy. Tốc độ thu mua hàng nhanh, đáp ứng được nhu cầu của đơn hàng giao ngay, doanh nghiệp luôn có chân hàng trong kho. Máy móc và lao động hoạt động hết công suất, 24/24 giờ. Do đó, giá thành sản xuất giảm, thường sẽ thấp hơn từ 100 đồng/ki lô gam so với mô hình truyền thống, nên giá gạo của các doanh nghiệp rất cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tận thu được trấu (lượng trấu chiếm đến gần 20%, hiện giá trấu ở mức 500 đồng/ki lô gam, củi trấu: 1.400-1.500 đồng/ki lô gam) và thu mua được phụ phẩm tấm, cám giá rẻ.
Như vậy, với công suất khoảng 200 tấn/ngày, doanh nghiệp cung ứng đã thu được 40 tấn trấu/ngày, ước tính 20 triệu đồng/ngày, với các doanh nghiệp đầu tư máy ép củi trấu lên tới trên 50 triệu đồng/ngày. Một số doanh nghiệp cho biết chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ ít, bù lại có nguồn thu từ trấu và phụ phẩm nên giá gạo của các doanh nghiệp này thường thấp hơn so với các doanh nghiệp khác từ 50-100 đồng/doanh nghiệp.
Nguyễn Hoàng Hải - Phạm Quang Diệu
tbktsg
|