Thứ Hai, 22/09/2014 13:04

“Triệu kiểu chết” trên thị trường chứng khoán Việt

Câu nói này cũng không quá cường điệu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi có rất nhiều sai lầm mà nhà đầu tư nhỏ lẻ tự tạo ra để đào hố chôn mình: Quá tự tin, giao dịch quá nhiều, mua theo đám đông, lướt sóng quá nhiều, lo sợ, bán non, mua cổ phiếu tăng mạnh ngày hôm trước…

TTCK đã bước vào quá trình hồi phục và tạo mức cao nhất trong hơn 5 năm qua kể từ khi chạm mức thấp nhất vào giữa tháng 5 nhưng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang còn chìm trong cảm giác lo ngại, ngỡ ngàng, thận trọng, thậm chí “cay cú” vì thua lỗ trong khi thị trường cứ liên tục bay cao.

Tất cả điều này hầu như chỉ xuất hiện trong tâm trạng của những nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi các “tay to” vốn trường vốn đã nhập hàng và chỉ việc ngồi đợi quả ngọt.

Trong một bộ phim hài có nhiều tình tiết hư cấu mới công chiếu gần đây “A Million Ways to Die in the West”, tạm dịch là “Triệu kiểu chết miền Viễn Tây”, mọi hoạt động tưởng chừng như rất đời thường tại miền Viễn Tây đều có thể dẫn đến cái chết bất ngờ: từ một cây nước đá đổ ập xuống đầu, vì quá hưng phấn khi “lên đỉnh”, bệnh tiêu chảy, hay thậm chí chỉ là do chụp một tấm hình…

Một cách so sánh vui nhưng cũng không phải là quá “ngoa” khi nói rằng cũng có hàng “triệu kiểu chết” trên TTCK Việt Nam, nơi mà nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm “chứng trường” để tự đào hố chôn mình với những sai lầm quá ư kinh điển: Quá tự tin, giao dịch quá nhiều, mua theo đám đông, lướt sóng quá nhiều, lo sợ, bán non, mua cổ phiếu tăng mạnh ngày hôm trước…

Chỉ ra một sai lầm cụ thể, ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó phòng Phân tích CTCK MayBank Kim Eng (MBKE) cho biết, có rất nhiều trạng thái tâm lý “phi lý trí” mà các NĐT mắc phải một cách “vô thức” trong quá trình đầu tư của mình. Một trong số các tình trạng dễ gặp nhất là trạng thái “mỏ neo tâm lý”.

“Mỏ neo tâm lý” là một thuật ngữ ám chỉ con người ta rất dễ bị ấn tượng vào những gì đã từng gặp, từng xảy ra trong quá khứ. NĐT quá chú ý vào thị giá thay vì quan tâm nhiều hơn vào giá trị doanh nghiệp.

Ông Lâm phân tích, trong đầu tư, hầu hết tất cả NĐT đều hiểu để định giá một cổ phiếu cần nhìn nhận rất chi tiết các yếu tố nền tảng cấu thành nên giá trị của doanh nghiệp, thông qua những phương pháp so sánh và định giá phức tạp. Dù vậy, thực tế sự lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư luôn bị chi phối bởi một yếu tố rất giản đơn là so sánh sự di chuyển của “thị giá”.

Cụ thể, nếu một cổ phiếu A nào đó giảm liên tục từ giá 20 về giá 5 chẳng hạn, sẽ có rất nhiều NĐT “cảm nhận” rằng cổ phiếu này “rẻ” và muốn mua vào, tâm lý “bắt đáy” thường cũng xuất hiện theo dạng này. Ngược lại, với một cổ phiếu liên tục tăng giá (như gần đây có PVS, PXS,...) thì họ luôn “mặc định” trong đầu là các cổ phiếu này “đắt” và sẽ hoặc là “bán lúa non” hoặc là “bỏ qua cơ hội đầu tư”, ông Lâm ví dụ.

Đã từ rất lâu, trên diễn đàn Vietstock, một thành viên với nick “LHH” đã chỉ ra đến 80 sai lầm hay mắc phải của một NĐT nhỏ được đúc kết từ chính kinh nghiệm bản thân. Và cho đến nay, những bài học về những sai lầm đó vẫn còn nguyên giá trị.

Trong đó, có những sai lầm rất kinh điển mà NĐT cần chú ý như: “Lúc nào cũng lo sợ người khác tranh mua mất lúc thị trường đi lên, dẫn tới cắm đầu vào tranh mua khi thị trường xuống, chính điều đó gây nên những cơn hồi phục giả tạo, và gây nên sự hoài nghi khi thị trường đi lên thực sự” hay “tử thủ đến cùng - Khi thị trường đi xuống, có những người nghiến răng tử thủ, cổ phiếu xuống giá đến mấy họ cũng đành chịu đựng. Nhưng khi thị trường đi lên thì họ là những người dao động tinh thần đầu tiên, chỉ cần qua điểm hòa vốn của giá là nhiều người đã muốn bán ra lắm rồi”…

 Hình minh họa (sưu tầm).

Nói vậy không có nghĩa là nhà đầu tư nhỏ lẻ nào trên thị trường cũng “ngã ngựa” trên TTCK Việt Nam. Ai cũng cần có quá trình học hỏi đầu tư để tích lũy được những kinh nghiệm quý báu, bởi cái gọi là kinh nghiệm đó cũng được đúc kết ra từ những sai lầm mà chính bản thân họ đã từng mắc phải.

Một nhà đầu tư nhỏ tham gia vào TTCK từ năm 2007 đã rút ra kinh nghiệm cho mình: “Và cũng từ sau quý 2/2013, tôi đã xác định cho mình một chiến lược đầu tư mới: dứt khoát chỉ đầu tư vào các cổ phiếu của doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng theo quý/năm”.

Thông điệp mà NĐT này muốn gửi đến là khi bước vào “chứng trường”, NĐT nên xác định trước mình thuộc trường phái đầu tư loại nào? Đầu tư giá trị, lướt sóng, đánh giỏi khi thị trường có xu hướng hay đánh giỏi khi thị trường đi ngang, khẩu vị ưa thích là bluechips hay penny…

Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng nữa là nếu muốn tồn tại lâu dài trên TTCK thì nên bỏ tâm lý "ăn xổi ở thì", thay vào đó là tâm lý và tư duy logic như một nhà đầu tư lớn.

Nghe có vẻ quá ư cao siêu nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhà đầu tư chỉ cần hạn chế tư tưởng “ăn bằng lần”, hạn chế việc “nhảy cóc” liên tục từ cổ phiếu này qua cổ phiếu khác trong một thời gian ngắn hạn nếu không có tìm hiểu rõ về cổ phiếu mới định đầu tư. "Ăn xổi ở thì" ở đây được hiểu là a dua theo người khác, mua mà không biết lý do gì, chỉ nghe người này kêu cổ phiếu ngon... mà không biết có hợp với mình hay không.

Vấn đề cắt lỗ khi thị trường giảm cũng thể hiện kinh nghiệm của một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi xác định được một mức giá thua lỗ nhất định trước khi mua cổ phiếu (tùy vào tài khoản và mức độ chấp nhận mỗi người) thì phải bảo đảm điều đó sẽ xảy ra khi cổ phiếu giảm. Ngắn hạn thì ngắn hạn, thua lỗ thì thoát nhanh, tránh để tình trạng ngắn hạn thành kẹp dài hạn.

Trở lại với sai lầm “mỏ neo tâm lý”, ông Lâm cho rằng điều đầu tiên để tránh dạng sai lầm này dĩ nhiên là NĐT cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức phân tích, định giá căn bản nhất. Thêm vào đó, họ cũng nên tự đặt ra các “rào cản kỹ thuật” để tự nhắc nhở mình làm theo các quy tắc đã có sẵn. Một cách đơn giản để giảm tác động từ trạng thái “mỏ neo tâm lý” là NĐT nên hạn chế việc theo dõi bảng điện một cách quá thường xuyên vì điều đó sẽ khiến “các mỏ neo” gia tăng tác dụng của mình lên tâm trí của NĐT.

Song, ông Lâm cũng cho rằng TTCK chưa bao giờ là một nơi “dễ kiếm tiền” kể cả đối với các NĐT đã trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm. Thật sự rất khó có cách nào đó để chắc chắn không dính vào các cạm bẫy của thị trường, dù vậy NĐT có thể tự giảm thiểu nguy cơ của mình thông qua việc càng ngày càng nâng cao hơn các hiểu biết của cá nhân và ý thức kỷ luật.

Sanh Tín

Các tin tức khác

>   VN-Index có khả năng giảm xuống vùng 508-540 điểm trước khi tăng mạnh (09/09/2014)

>   Dấu hiệu nhận diện lệnh ảo trên thị trường chứng khoán Việt (05/09/2014)

>   Khi cổ phiếu dẫn dắt hoàn thành “nhiệm vụ” (03/09/2014)

>   Kênh tích lũy – Nơi xu hướng tăng trưởng bắt đầu (05/09/2014)

>   Cá nhân làm gì có cửa vay chứng khoán! (26/08/2014)

>   Muốn đầu tư chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản tại đâu? (25/08/2014)

>   Mua cổ phiếu rẻ hay mua rẻ cổ phiếu? (23/08/2014)

>   Mức giá nào cho cổ phiếu FLC sau ngày 22/08? (19/08/2014)

>   Những cổ phiếu nào dẫn đầu thị trường về lệnh ảo? (20/08/2014)

>   Doanh nghiệp đối xử tốt với nhân viên có giá cổ phiếu cao hơn (16/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật