Những cổ phiếu nào dẫn đầu thị trường về lệnh ảo?
Lệnh ảo ở đây được hiểu là lệnh đặt mua, đặt bán nhưng được hủy ngay trong phiên mà không chờ khớp. Những lệnh này được đặt có thể nhằm phục vụ mục đích “ghìm giá gom hàng”, “nâng giá xả hàng” của nhóm đầu cơ hay đơn giản chỉ là sơ sót trong quá trình đặt lệnh. Dù với mục đích nào thì khi lệnh này được đưa vào hệ thống ắt hẳn sẽ tạo ra sự xáo trộn trong cảm nhận và có ảnh hưởng nhất định đến hành vi của nhà đầu tư.
Lệnh ảo tạo ra cung, cầu ảo dễ gây rối cho nhà đầu tư trong phán đoán và quyết định mua bán
|
Theo thống kê số liệu từ công cụ đầu tư VietstockTrader, trong 7 tháng đầu năm 2014, hệ thống giao dịch tiếp nhận khoảng hơn 2 triệu lệnh hủy mua với khối lượng hủy là 12.7 tỷ đơn vị và cũng hơn 2 triệu lệnh hủy bán với khối lượng là 11.2 tỷ đơn vị.
Số lệnh ảo tỷ lệ thuận với thanh khoản
Thống kê cho thấy, mã có nhiều lệnh ảo nhất là những mã giao dịch nhiều nhất. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, đa phần những mã có số lệnh hủy mua, bán trên 10 ngàn lần trong 7 tháng đầu năm 2014 đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị mỗi phiên. Đơn cử như PVX, ITA, FLC, KLS, SHB, SCR, PVS là các mã thuộc nhóm dẫn đầu về thanh khoản cũng như có số lệnh hủy mua, bán lớn nhất trên toàn thị trường.
Các mã kể trên đều có số lệnh hủy mua vào khoảng 30 ngàn lần và khối lượng hủy từ hàng trăm triệu đơn vị trở lên. Trong đó, cao nhất và nổi trội nhất là PVX với 44 ngàn lệnh hủy mua và 864 triệu đơn vị hủy. Những lệnh hủy mua của PVX chủ yếu tập trung vào tháng 2, 3, 4 và giảm dần vào các tháng gần đây.
Bên cạnh cái tên quen thuộc với khối lượng giao dịch bình quân lớn như PVX, ITA, FLC, KLS, SHB, SCR, PVS nằm trong danh sách mã có số lệnh hủy mua lớn nhất ở cả hai sàn thì sự góp mặt của KSH, PDR, VSI gây khá nhiều bất ngờ. Bởi 3 mã này có khối lượng khớp bình quân mỗi phiên giao dịch rất thấp, chỉ khoảng từ vài ngàn đến chục ngàn đơn vị. Thế nhưng số lần hủy lệnh lại không hề thấp, thậm chí như KSH có tổng cộng 35 ngàn lần hủy, chỉ thua PVX. Trong khi đó, khối lượng hủy thì không hề lớn, cụ thể KSH dù có tới 35 ngàn lệnh hủy mua nhưng khối lượng hủy chỉ 2.2 triệu trong 7 tháng; PDR, VST thì chỉ hơn 300 ngàn đơn vị bị hủy trong khi số lần hủy lên đến 27 và 24 ngàn lần.
Tương tự, về lệnh hủy bán, PVX, FLC, KLS, ITA, SHB, PVS, SCR tiếp tục là những cái tên nổi bật dẫn đầu về số lần hủy bán cũng như khối lượng hủy. Ngoài ra, KLF cũng cần nhắc đến khi có số lần hủy bán là 24 ngàn và giá giảm 25% sau 7 tháng đầu năm. Phải nói thêm rằng, KLF tuy chỉ mới niêm yết vào cuối năm 2013 nhưng đã thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư, bình quân mỗi phiên mã này giao dịch 2.6 triệu đơn vị.
Xét ở khía cạnh thị giá, hầu hết các mã có hủy mua, hủy bán lớn đều tăng giá. Đặc biệt nhất là mức tăng hơn gấp rưỡi của PVS và VSI, trong khi PVS có số lần hủy mua, bán tương đương nhau (gần 24 ngàn lần) thì VSI có số lần hủy mua lớn 23.5 ngàn lần với khối lượng hủy 330 ngàn đơn vị nhưng hủy bán thấp hơn rất nhiều chỉ 4.6 ngàn lần (khối lượng hủy 4.1 triệu đơn vị).
Dấu hiệu nhận biết có “biến”
Trong giao dịch chứng khoán, có rất nhiều nguyên nhân phát sinh lệnh ảo, ví như thị trường biến động bất thường không theo như tính toán ban đầu khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định hủy lệnh; hoặc cũng có trường hợp do sai sót kỹ thuật… Và ở mức độ phức tạp hơn, lệnh ảo phát sinh nhằm mục đích tạo ra cung, cầu ảo, qua đó những thủ thuật “kéo xả” và “ghìm hàng” thường thấy trên thị trường sẽ được thực thi.
Theo một chuyên gia đầu tư chứng khoán, trong quá trình quan sát giao dịch một cổ phiếu, bên cạnh khối lượng khớp và thị giá, nhà đầu tư có thể nhìn vào thống kê giao dịch hủy mua, hủy bán để nhận biết những dấu hiệu bất thường. Một cổ phiếu được xem là có dấu hiệu bất thường khi có lệnh đặt mua – hủy mua hay đặt bán – hủy bán xảy ra liên tục và kéo dài. Thông thường khi đặt mua – hủy mua liên tục là hành động nâng giá xả hàng, đặt bán – hủy bán liên tục là đè giá gom hàng.
Tham khảo ý kiến một vài chuyên viên môi giới, người viết được biết đối với những cổ phiếu nhỏ, ít thanh khoản thì việc sử dụng lệnh ảo để làm giá cổ phiếu khá đơn giản và dễ thực hiện, đồng thời rủi ro thấp. Đối với những cổ phiếu thị trường, thanh khoản cao, vốn hóa lớn thì nguy cơ đổ vỡ ý đồ rất lớn do khó kiểm soát được lượng cổ phiếu giao dịch, cũng như cần một lượng vốn lớn để thực hiện.
Như vậy, là nhà đầu tư thông minh cần quan sát giao dịch trên nhiều khía cạnh để tránh những cái bẫy “kéo xả” và “ghìm hàng” tinh vi này. Hơn nữa, trong quá trình quan sát giao dịch cổ phiếu nhỏ, ít thanh khoản thấy có hiện tượng hủy mua – hủy bán liên tục và kéo dài, nhà đầu tư nên chú ý, rất có thể có những cái bẫy ở đây.
Mỹ Hà
|