Tỉ lệ thanh toán trực tuyến còn thấp
Trong 72 triệu thẻ ATM phát hành, chỉ có 50% là có người sử dụng thực. Và chỉ 3 triệu thẻ đăng ký giao dịch trực tuyến.
Số giờ sử dụng Internet của người Việt đứng thứ hai trong khu vực nhưng số người thanh toán trực tuyến thì quá thấp. Thông tin do các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm phát triển thanh toán trong thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) và Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 26-9 tại TP.HCM.
Sử dụng mạng 26,2 giờ/tháng/người
Ông Sean Preston, Giám đốc Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu Visa khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết người Việt Nam rất thích dùng Internet.
Bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc 1 2 3 Pay, thông tin thống kê năm 2013 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, số doanh nghiệp (DN) bán lẻ đạt doanh thu 2,2 triệu USD/năm nhưng thanh toán trực tuyến chỉ chiếm 6% mà thôi. Trong khi đó số lượng người dùng mạng tại Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á. “Thời gian online của một người Việt trung bình là 26,2 giờ/tháng, chỉ đứng sau Thái Lan. Tuy nhiên, người Việt truy cập vào mạng chủ yếu là quan tâm đến các vấn đề xã hội, giải trí, còn mua bán, thanh toán hàng hóa lại rất thấp” - bà Thanh nói.
Về số lượng thẻ ngân hàng phát hành rất lớn, theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho hay hiện nay cả nước phát hành 72 triệu thẻ. Số lượng thẻ phát hành nhiều nhưng việc thanh toán online chỉ trên 10% mà thôi.
Đồng quan điểm này ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng Văn phòng Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia (Banknet) tại TP.HCM, cũng cho rằng thực tế trong số 72 triệu thẻ ATM phát hành, chỉ có 50% là có người sử dụng thực. Trong đó, chỉ có 10% là đăng ký giao dịch trực tuyến, chiếm khoảng 3 triệu thẻ ATM. Đây là con số quá thấp.
45% giao dịch thương mại điện tử là thất bại
Ông Sean Preston cho rằng số lượng người dùng mạng tại Việt Nam rất lớn, điều đó đồng nghĩa với việc tiếp cận thương mại điện tử là rất lớn. Vì vậy, theo các chuyên gia nếu phát triển mạnh việc thanh toán điện tử sẽ đem lại lợi ích cho quốc gia, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội như việc sử dụng hóa đơn điện tử, đối chiếu dữ liệu kê khai nộp thuế…
Vậy tại sao đến nay việc thanh toán trong thương mại điện tử vẫn quá thấp? Theo ông Vũ Văn Cường - Vụ phó Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế) có hai khó khăn khiến việc sử dụng hóa đơn điện tử trở nên chậm lại. Thứ nhất, hiểu biết của các cơ quan quản lý, DN và người dân còn hạn chế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử. Thứ hai, tâm lý người dân vẫn quen nhận hóa đơn giấy chưa quen hóa đơn điện tử.
Riêng việc người dân vẫn còn ngại thanh toán trực tuyến, theo ông Lợi có rất nhiều nguyên nhân. Các sản phẩm bán trực tuyến thường chất lượng kém hơn quảng cáo, người mua chưa thấy giá rẻ khi mua hàng trực tuyến, khách hàng tiềm năng còn thấy rủi ro khi mua hàng trực tuyến, họ chưa thực sự yên tâm, không đủ thông tin về đơn vị cung cấp giao dịch. Bên cạnh đó, tỉ lệ giao dịch qua mạng thường bị lỗi, không thành công trong việc thanh toán vẫn còn nhiều. Ngoài ra còn các yếu tố khác như vấn đề gian lận thương mại trực tuyến chưa được xử lý triệt để.
Một diễn giả khác cho rằng thách thức đối với việc thanh toán điện tử nằm ở chính văn hóa của các nhà bán lẻ. Họ vẫn thích thu tiền mặt về hơn là để khách hàng thanh toán điện tử.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chuyển mạch tài chính Quốc gia (Banknet), thừa nhận giao dịch điện tử còn khó sử dụng, có tới 45% giao dịch điện tử thất bại. Và khi xảy ra những sai sót thì việc hỗ trợ các đơn vị liên quan lại không tốt.
YÊN TRANG
pháp luật tphcm
|