Tâm điểm review V.N.M ETF: IJC, FLC, GMD và VIC?
FTSE Vietnam Index đã công bố danh mục mới vào ngày 05/09 bằng việc loại GMD và DIG, thêm mới KDC và FLC. Phần lớn nhóm cổ phiếu này cũng đang là tâm điểm dự báo của các chuyên gia cho đợt review danh mục vào ngày 13/09 tới đây của quỹ ETF do Van Eck Global quản lý.
Dự báo về đợt review danh mục của V.N.M, các chuyên gia cùng cho rằng IJC và FLC khả năng sẽ được thêm mới vào danh mục ETF này nhưng ở chiều loại ra đã có ý kiến trái chiều.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) dự đoán: “Tương tự FTSE, V.N.M sẽ loại cổ phiếu GMD ra khỏi danh mục, thay vào đó, quỹ này sẽ thêm mới FLC và IJC.”
Ông Khánh cũng cho biết thêm, MSN và VCB khả năng sẽ được mua nhưng cũng sẽ có một số mã bị bán ra. Việc mua bán này chỉ nhằm cân bằng lại danh mục, chính vì vậy sẽ không có tác động quá mạnh đến thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư thời điểm hiện tại cũng đã quá quen với vấn đề cơ cấu danh mục của các ETF nên nếu có tác động thì cũng chỉ trong thời gian ngắn.
Ước tính về khối lượng mua vào bán ra của V.N.M, ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc kinh doanh CTCK Vndirect (VND) nhìn nhận: “GMD sẽ bị loại và bị bán ra hơn 5 triệu cp. Ở chiều thêm vào, FLC là một ẩn số thú vị, do cách hiểu và lấy dữ liệu về vốn hóa khác nhau nên khả năng có 2 kịch bản xảy ra: (1) Loại GMD, thêm IJC. Trong trường hợp này, IJC sẽ được mua khoảng 9 triệu cp. (2) Loại GMD, thêm IJC và FLC. Trong trường hợp này, IJC được mua khoảng 8 triệu cp, FLC được mua khoảng 30 triệu cp”.
Về tỷ trọng, một số mã được dự báo mua mạnh như VCB, MSN, HAG và PVT. Trong đó, VCB được dự báo mua vào khoảng 5 triệu đơn vị. Ở chiều bán ra, PVS, DPM và SHB là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất. Bên cạnh đó, VIC, STB cũng bị bán.
Ông Điệp cho rằng những mã bị bán ra không hẳn sẽ suy giảm đo các mã này đều là những mã có cơ bản tốt, chính vì vậy, việc tìm kiếm cơ hội và vùng giá tốt để mua vào những cổ phiếu bị ETF bán ra là một sự lựa chọn đáng quan tâm.
Bình luận về cổ phiếu FLC và IJC, ông Bùi Nguyên Khoa - Chuyên viên cao cấp CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết, ở FLC, cổ phiếu được đưa vào danh mục do đã có mức tăng rất mạnh sau tăng vốn, các tiêu chí khác như thanh khoản, freefloat và room đều thỏa mãn. Dự kiến FLC sẽ được mua vào 29,687,690 cp. Cổ phiếu IJC do freefloat chỉ ở mức 22% nên không đạt tiêu chí vốn hóa của FTSE Vietnam Index nhưng lại thỏa mãn các tiêu chí V.N.M nên có khả năng sẽ vào rổ V.N.M kỳ tới. Dù vậy ông Khoa không đánh giá cao về trường hợp này. Nếu được thêm vào, IJC sẽ được mua vào 11,078,840 cp.
“V.N.M có thể bán để giảm tỷ trọng cổ phiếu ở Việt Nam là 0.71% tương đương với bán ra 94 tỷ đồng. Quỹ này cũng dự kiến bổ sung 2 cổ phiếu FLC và IJC với tỷ trọng lần lượt 2.8% và 1.2% và loại cổ phiếu GMD ra khỏi danh mục” – Ông Khoa cho biết thêm.
Hầu hết các cổ phiếu trong rổ danh mục của V.N.M sẽ bị bán và mức bán ra lên đến 94 tỷ đồng, trong đó, ITA và SHB là 2 cổ phiếu bị bán mạnh nhất. Theo đó, ông Khoa cho rằng thị trường tuần thứ 2 và 3 của tháng 9 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cùng chung nhận định rằng V.N.M sẽ thêm vào IJC và FLC với khối lượng mua tầm 11 triệu cp và 30 triệu cp nhưng ông Trần Minh Hoàng – Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường CTCK VCBS lại cho rằng, trong đợt review danh mục lần này V.N.M sẽ không loại cổ phiếu nào. Ngoài ra, MSN sẽ được mua vào tương đối tốt do V.N.M đang nắm ít hơn tỷ lệ chuẩn, các cổ phiếu khác không có nhiều biến động.
Còn theo ý kiến dự báo của ông Huỳnh Ngọc Thương – Trưởng phòng phân tích CTCK Nhất Việt (VFS): “GMD và VIC vi phạm điều kiện sàng lọc của V.N.M nhưng GMD khả năng bị loại cao còn VIC thì quỹ sẽ cân nhắc lại. Trong khi đó, FLC và IJC có thể được thêm vào do thỏa mãn các tiêu chí của quỹ”.
Cụ thể, ông Thương cho biết, theo số liệu đóng cửa ngày 29/8/2014, có 2 cổ phiếu vi phạm các điều kiện sàng lọc của quỹ V.N.M là GMD (% room còn lại 0%) và VIC (% room còn lại 4.58% < 5%). Trường hợp của GMD có thể chắc chắn quỹ sẽ loại khỏi danh mục còn trường hợp VIC quỹ sẽ phải cân nhắc vì hiện tại VIC đang chiếm tỷ trọng cao trong danh mục (ở các kỳ trước cũng có các trường hợp cổ phiếu có % room còn lại <5% vẫn không bị loại khỏi danh mục như HAG, HPG. Tuy vậy tại những thời điểm đó danh mục của quỹ sẽ không đủ 25 mã nếu loại các cổ phiếu này).
Nếu quỹ sử dụng số liệu khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 314 triệu cổ phiếu tương tự trường hợp của quỹ FTSE, ông Thương đưa ra 2 kịch bản thay đổi tỷ trọng:
Kịch bản 1: Loại GMD và thêm vào IJC, FLC. Theo kịch bản này, V.N.M sẽ bán ra gần 5.4 triệu cp GMD, mua vào hơn 14 triệu cp IJC và hơn 15 triệu cp FLC. Về tỷ trọng: Chỉ có MSN, VCB, STB và HAG được mua vào, trong đó, VCB được mua mạnh nhất với gần 3.7 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu còn lại đều bị bán ra, trong đó, SHB, ITA, PVS và VIC đều bị bán trên 3 triệu đơn vị.
Kịch bản 2: Loại GMD và VIC, thêm mới IJC và FLC. Theo kịch bản này, GMD bị bán gần 5.4 triệu cổ phiếu, còn VIC bị bán hơn 17.6 triệu cổ phiếu. IJC và FLC được mua vào lần lượt hơn 16 và hơn 17 triệu cổ phiếu. Về tỷ trọng, bán ra có PVS, PVD và DRC nhưng không nhiều, các cổ phiếu còn lại đều được mua vào và mạnh nhất là HAG với gần 5 triệu cổ phiếu.
VIC dẫn đầu tỷ trọng trong V.N.M nhưng bị khối ngoại bán mạnh nhất gần đây
Tính đến hết ngày 05/09, theo thống kê của Vietstock, trong danh mục của quỹ ETF do Van Eck Global quản lý có 17 cổ phiếu Việt Nam với tổng tỷ trọng chiếm 70.62%. Trong đó, VIC là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7.59%. VCB, STB, PVS và MSN cũng chiếm tỷ trọng trên 6%.
VIC cũng là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong tuần cuối cùng của tháng 8 (25-29/08) với gần 692 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận. Ở chiều bán, KDC bị bán ròng nhiều nhất với hơn 131 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại từ 03-05/09 thì VIC là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với gần 363 tỷ đồng. Ở chiều mua, VCB được mua ròng mạnh nhất với gần 46 tỷ đồng.
Duy Hoàng
|