Làn sóng đầu tư FDI và đích đến Việt Nam
Nhận thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng và cơ hội để phát triển. Thời gian gần đây, các tập đoàn FDI đang có xu hướng mở rộng quy mô hoặc dịch chuyển thị trường đầu tư vào Việt Nam dự báo tương lai phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Theo thông tin, tập đoàn HanesBrands Inc là một trong những công ty may mặc có quy mô toàn cầu với hơn 50.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong tháng 11 tới sẽ đóng cửa Cartex Manufactura ở Costa Rica, để chuyển hoạt động sang Việt Nam. Tại Việt Nam, HanesBrands Inc dự kiến mở nhà máy tại Hưng Yên và Thừa Thiên-Huế.
Lí do của sự chuyển dịch này được đại diện tập đoàn này là ông Mauricio Brenes, phụ trách hoạt động kinh doanh của Cartex Manufactura, chi nhánh tại quốc gia Trung Mỹ, cho hay: quyết định đóng cửa chi nhánh nhằm giảm chi phí sản xuất do một số nhà cung cấp nguyên liệu vải nằm ở Trung Quốc, gần Việt Nam.
Tuy nhiên, một lí do khác mà ai cũng biết đó là chúng ta đang tiến hành những phiên đàm phán cuối cùng để chính thức ra nhập TTP dự kiến vào cuối năm nay, trong khi đó, nếu đảm bảo được các yêu cầu về mặt kỹ thuật, nguyên liệu thì đây sẽ là một trong những ngành chủ lực hưởng lợi nhiều nhất. Mặt khác, nắm bắt được lộ trình của TTP, cũng như thế mạnh của môi trường đầu tư, thời gian gần đây, không chỉ các tập đoàn may mặc tìm đến đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất mà nhiều tập đoàn dệt sợi của châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tìm đến.
Ví dụ 6/2014, Tập đoàn dệt may DONG-IL Hàn Quốc đã động thổ khởi công nhà máy dệt sợi đầu tiên tại Long Thành – Đồng Nai, trên diện tích 12 ha với tổng vốn ban đầu khoảng 51,96 triệu USD. Công xuất dự kiến sản xuất 9.000 tấn sản phẩm/năm. Những làn sóng đầu tư mới từ đầu năm đến nay cho thấy, dệt may đã chủ động đón đầu xu thế.
Không chỉ ở các lĩnh vực được hưởng ưu đãi nhiều khi Việt Nam tham gia kí kết vào các hiệp định kinh tế mới đón nhận làn sóng đầu tư ồ ạt, mà ngay cả ở các lĩnh vực chưa phải là thế mạnh cũng đón nhật tương tự. Lần lượt Canon, Samsung, LG, và giờ đến Nokia- Microsoft quyết định chuyển dịch đại bản doanh về Việt Nam. Như vậy, từ một nơi lắp ráp đơn thuần, Việt Nam trở thành nơi sản xuất cho toàn cầu.
Theo đó, tháng 5/2014, là tập đoàn Microsoft Mobile Oy mà “con đẻ” của họ là Nokia Việt Nam đã thông báo, chiến lược phát triển toàn bộ tập đoàn sẽ thay đổi bằng việc đầu tiên là đóng cửa toàn bộ, hoặc một phần của nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mehico) để chuyển đến nơi mới thuận lợi hơn, trong đó 39 dây chuyền sản xuất điện thoại di động từ nay cho đến tháng 2/2015 sẽ về Việt Nam; Đầu tháng 7, Samsung cam kết rót thêm 1 tỷ USD, mở nhà máy thứ 3 sản xuất màn hình điện thoại tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh (Samsung Display); Cũng trong tháng này, bộ vi xử lý CPU Haswel sản xuất đầu tiên ở Việt Nam của Intel đã ra mắt tại TP.HCM.
Đây là sản phẩm thứ 3 made in Vietnam của Intel; Wintek của Đài Loan, chuyên sản xuất các sản phẩm màn hình cảm ứng cũng vừa hé lộ kế hoạch với tỉnh Bắc Giang rằng sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư tại Việt Nam so với hiện nay…Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn. Theo tuyên bố của các hãng, Việt Nam sẽ là cứ điểm sản xuất cung cấp 80% smartphone cho Samsung và 80% bộ vi xử lý Haswel của Intel trên toàn cầu.
Cuộc đại chuyển dịch trên tạo hiệu ứng lan toả cho ngành công nghiệp Việt Nam. Bởi một quốc gia có dân số vàng như Việt Nam, môi trường chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ, người lao động có đặc tính thông minh, cần cù... những quyết sách ưu đãi đặc thù lớn của các bộ ngành, Chính phủ Việt Nam đối với các tập đoàn đa quốc gia hẳn nhiên sẽ luôn hấp dẫn bất cứ ông chủ nào.
Tại các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á, làn sóng đầu tư vào Việt Nam cũng sôi động không kém. Đầu tháng 9-2014, Tập đoàn Amata (Thái Lan) vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Đồng Nai để hai bên phối hợp triển khai Dự án Khu công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có vốn đầu tư 530 triệu USD. Được biết, Amata đã đầu tư tại Đồng Nai 20 năm trước, với Dự án khu công nghiệp Amata tại Biên Hoà. Đây là một trong những khu công nghiệp hoạt động thành công ở Đồng Nai, thu hút được một lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây.
Cũng mới đây, việc mua lại hệ thống Metro tại Việt Nam với số tiền gần 900 triệu USD có thể coi là thương vụ lịch sử lớn nhất mà công ty BJC, thành viên của Tập đoàn TCC của Thái Lan. Đây được xem như bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam của các nhà kinh doanh Thái Lan. BJC vào Việt Nam năm 1995 với việc đầu tư một nhà máy chai thủy tinh tại Bình Dương, theo ông Aswin Techajareonvikul, đã đưa tới nhận định rằng tiềm năng của con người Việt Nam là rất lớn, và đó là cơ sở để thúc đẩy các kế hoạch đầu tư mới. “Chúng tôi nhìn thấy tương lai ở Việt Nam, do đó tôi nghĩ Metro mới chỉ là khởi đầu, trong tương lai sẽ đầu tư nhiều hơn nữa”, ông nhấn mạnh.
Nguyễn lộc
Tài chính
|