Cạnh tranh với hàng ngoại: Động lực đổi mới mô hình kinh doanh
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về việc dư luận đang tỏ ra lo ngại trước việc hàng Thái Lan đang hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, các sản phẩm Thái Lan đang hiện diện nhiều trên thị trường Việt Nam đặt ra những thách thức cho hàng Việt, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Võ Văn Quyền
|
Trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng hóa Việt Nam đã và đang tới được khắp nơi trên thế giới, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ đô la thì việc hàng hóa của các nước thâm nhập vào thị trường Việt Nam là bình thường.
Ngược lại, hàng hóa của Việt Nam cũng đang được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU... Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên lo ngại câu chuyện hàng Thái Lan tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán các FTA khác, vì vậy, các dòng chảy: đầu tư, lao động, tiền tệ, hàng hóa chắc chắn sẽ tới Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Việc hàng hóa Thái Lan hay sản phẩm của các nước khác tới Việt Nam chỉ là câu chuyện về cạnh tranh mà tại đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải suy nghĩ làm sao để tăng sức cạnh tranh trên sân nhà, bởi đây là việc mà họ cần phải làm nếu muốn tồn tại, đứng vững và tham gia vào sân chơi toàn cầu.
Xu thế cạnh tranh trong hội nhập là không tránh khỏi, vậy đâu là bước đi cụ thể cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?
Bước đi quan trọng và cần thiết để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.
Việc mở rộng các kênh phân phối do tự thân doanh nghiệp làm chủ cũng được xem là hướng đi khôn ngoan để hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng và củng cố thương hiệu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh đề án phát triển thị trường trong nước gắn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chất lượng và giá cả cạnh tranh tốt trên thị trường. Đây là hướng đi hiệu quả và thiết thực.
Sức ép cạnh tranh có thể tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam đổi mới mô hình kinh doanh, từ việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến tới việc nâng cao hiệu quả quản lý bởi điều đó bảo đảm sự phát triển bền vững. |
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đang lo ngại việc bị “thâu tóm” bởi chiến lược “góp cổ phần” từ các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Vậy đó có phải là thách thức không, thưa ông?
Theo tôi, đây là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng với toàn cầu. Nhìn từ phía các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ như thế này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, tổ chức và nhà đầu tư được phép mua lại doanh nghiệp khác, tiến hành hoạt động liên doanh liên kết và tham gia góp vốn dưới nhiều hình thức. Thay vì lo ngại, các doanh nghiệp hãy nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả chuỗi cung ứng bởi điều đó bảo đảm sự phát triển bền vững, lâu dài.
Nội lực và chiến lược của doanh nghiệp ở đây có vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp Việt phải tự định vị mình trên thị trường, tìm kiếm các đối tác hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của nhau, để cùng đồng hành và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Hùng Cường (thực hiện)
Công thương
|