‘Mở cửa’ cho thủy điện nhỏ bán điện
Cơ quan chức năng đã tiếp thu các ý kiến phản biện để “rộng cửa” cho các nhà máy thủy điện nhỏ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Sau nhiều ý kiến tranh luận qua lại về bản hợp đồng mua bán điện mẫu có thời hạn 20 năm với Tập đoàn điện lực VN, hôm qua (16.9), tại hội thảo bàn về dự thảo thông tư quy định “biểu giá phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu”, Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công thương cho biết, đã tiếp thu các ý kiến để quy định các nhà máy thủy điện nhỏ (TĐN) có thể tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, chủ đầu tư nhiều nhà máy TĐN đã đồng loạt lên tiếng bức xúc vì theo một dự thảo thông tư của Bộ Công thương, họ không được tham gia thị trường điện một cách bình đẳng mà bị áp đặt giá bán theo một bản hợp đồng mẫu.
Thủy điện Sông Miện - Hà Giang, một công trình thủy điện nhỏ
|
Tại cuộc hội thảo hôm qua, ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá và phí (Cục ĐTĐL), cho biết sau khi xem xét, Cục ĐTĐL cũng thấy rằng, các chủ đầu tư TĐN từ năm 2014 chịu khá nhiều gánh nặng chi phí về thuế và phí như thuế tài nguyên nước đã tăng gấp đôi từ 2 - 4%, phí môi trường rừng cũng tăng nên trong biểu giá phí tránh được, Bộ Công thương sẽ tách các chi phí này ra cho TĐN và bên mua điện có trách nhiệm thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy TĐN.
Quyền tham gia thị trường cạnh tranh
Đáng chú ý nhất, theo dự thảo mới nhất của thông tư nói trên, các nhà máy TĐN cũng có quyền tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. “Tuy nhiên, các nhà máy TĐN cũng phải đáp ứng các điều kiện như cơ sở hạ tầng, có khả năng đấu nối vào đường dây 110 KV trở lên…Về điều này, 23/24 đơn vị điện lực mà chúng tôi gửi công văn xin ý kiến đã nhất trí, không có ý kiến gì thêm”, ông Quang cho biết.
Cũng theo Cục ĐTĐL, nhóm soạn thảo cũng tiếp thu, chỉnh sửa quy định để có cơ chế linh hoạt hơn về việc mua điện theo các giờ cao điểm, thấp điểm. Theo đó, việc mua điện chỉ bị giới hạn ở một số khu vực như các vùng giáp ranh, đấu nối điện với Trung Quốc, ở một số vùng miền Trung và Tây nguyên.
Một thành viên trong nhóm soạn thảo cũng cho biết thêm, các chủ dự án TĐN có quy mô trên 30 MW, để tham gia thị trường phát điện cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, chào giá theo công suất, có hệ thống quản lý lệnh điều độ, có hệ thống đo đếm điện từ xa… “Thời gian chuẩn bị cho các nhà máy TĐN từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp làm TĐN. Nhanh nhất thì các chủ dự án TĐN có thể tham gia thị trường phát điện từ tháng 1.2015”, Cục ĐTĐL cho biết.
Đại diện các hiệp hội điện lực, các công ty điện lực tại hội thảo đánh giá cao dự thảo thông tư mới của Bộ Công thương. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN góp ý thêm về bản hợp đồng mẫu rằng, ban soạn thảo nên nghiên cứu, tính toán các nguồn điện khác nhau chứ không nên chỉ lấy nguồn từ điện khí, nhiệt điện. “Nên có dạng hợp đồng khác áp dụng cho các nhà máy TĐN, năng lượng tái tạo và cho phép bên bán và bên mua được thỏa thuận, như vậy mới có sự bình đẳng trong quan hệ mua bán”, ông Ngãi nói.
Sau cuộc hội thảo lần này, Cục ĐTĐL sẽ hoàn chỉnh, trình Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) thẩm định, sau đó sẽ trình để lãnh đạo Bộ Công thương xem xét, ký ban hành trong tháng 10.2014.
Mạnh Quân
thanh niên
|