Thuế nhập khẩu thép về 0%: Thép nội bị thép ngoại nhấn chìm?
“Nếu Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) kết thúc đàm phán vào cuối năm nay, và dự kiến 167 mã hàng hóa đang đàm phán được đưa ngay về mức thuế suất 0% từ năm 2015, trong đó có 41 mặt hàng thép thì khả năng “xoá sổ” hàng loạt các doanh nghiệp (DN) ngành thép trong nước là hiện hữu”. Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định điều này với phóng viên Lao Động.
Trong khi đó, ngày 12.9, Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) đã có công văn để trấn an dư luận rằng sẽ không có việc “phá sản hàng loạt” đối với ngành công nghiệp thép. Trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường sẽ trên nguyên tắc cân bằng lợi ích tổng thể giữa 2 bên, có đi có lại.
Việt Nam cũng có lợi
Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về lo ngại của các DN ngành thép khiến Hiệp hội Thép VN 2 lần gửi công văn lên các bộ: Tài chính- Công Thương kiến nghị về phương án thuế nhập khẩu (NK) của VN khi đàm phán Hiệp định VCUFTA, cần có lộ trình để DN trong nước đủ sức cạnh tranh, thời điểm 2015 đưa thuế NK về 0% là quá gấp, một lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Trước xu thế hội nhập và giảm dần lộ trình thuế quan, hiện VN đang tích cực đàm phán khoảng 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm nay.
Riêng với mặt hàng thép, không phải tất cả trên 40 mặt hàng VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế đều có trong danh mục Liên minh Hải quan đề nghị cắt giảm. Chỉ có khoảng 20 mặt hàng trong danh mục này, trong khi Liên minh Hải quan có thể cung cấp cho VN nhiều mặt hàng sắt thép VN không sản xuất, đang phải NK hoàn toàn. Như vậy, chúng ta thực hiện việc đàm phán theo nguyên tắc có đi, có lại, cân bằng lợi ích tổng thể chung. Đối với kiến nghị của Hiệp hội Thép, trong quá trình đàm phán, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc một số mặt hàng có độ nhạy cảm lớn sẽ cho phép có lộ trình cắt giảm thuế nhất định (không phải ngay lập tức về mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực) hoặc đàm phán để áp dụng quota đối với các nhóm hàng này.
Trong một thông báo, Bộ Công Thương cũng khẳng định: “Không có căn cứ xác đáng trước lo ngại ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết”. Về mặt địa lý, Bộ Công Thương lập luận, những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung nước Nga, cách Viễn Đông, xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông đến VN. Vì vậy, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy này qua Viễn Đông, về VN sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường VN.
Lo ngại “phá sản” cũng có cơ sở
Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép VN đang ở trong tình trạng cung vượt xa cầu. Thời gian qua, các nhà máy thép VN đều hoạt động cầm chừng, không đạt đến công suất thiết kế, quy hoạch do nhu cầu thị trường gặp nhiều khó khăn. Với mức thuế NK hiện tại từ 5 - 10%, ngành thép trong nước đã phải vật lộn với thép NK từ Trung Quốc, thì nay với thuế suất 0%, các sản phẩm thép của “người khổng lồ” Nga đổ bộ vào VN thì thép xây dựng trong nước “chết chắc” - khẳng định của VSA khi nhận định về thị trường thép VN. Theo đó, hiệp hội này kiến nghị liên bộ Tài chính- Công Thương cần đưa ra lộ trình thích hợp, khoảng thời gian đưa thuế về 0% lên tới 10 năm phù hợp với cam kết hội nhập WTO.
Nhiều ý kiến các DN sản xuất kinh doanh thép cũng bày tỏ quan ngại về khả năng cạnh tranh không cân sức này. Chủ tịch HĐQT Cty CP ống thép Việt - Đức, ông Lê Minh Hải, nhận định: Khả năng cạnh tranh là cực kỳ khó khăn, bởi các nhà máy thép VN phần lớn quy mô nhỏ, chưa hết khấu hao, phải phụ thuộc vào nguyên liệu quặng NK, trong khi Nga là một “đại gia” trong ngành sản xuất thép đứng thứ 5 về sản lượng thép thô thế giới với công suất gần 70 triệu tấn (riêng XK của Nga là 23,6 triệu tấn - đứng đầu về lượng XK thép của thế giới). Các nhà máy thép của Nga có quy mô lớn, lại luyện thép trực tiếp từ nguồn quặng sẵn có, nên chủ động nguồn nguyên liệu...
Ý kiến của Bộ Công Thương cho rằng cự ly vận chuyển thép từ các trung tâm sản xuất thép của Nga còn xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông về VN, nên khó cạnh tranh được với các mặt hàng thép tương tự tại VN, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, chi phí vận chuyển từ Nga về VN ước tính khoảng 20USD/tấn, bình quân chỉ khoảng 15-18 USD/tấn, trong khi nhiều chi phí khác có lợi hơn. Nếu thuế suất còn 0%, thì thép Nga về VN vẫn cạnh tranh. Ông kiến nghị, liên bộ cần đàm phán, đưa mặt hàng thép xây dựng VN vào mặt hàng được bảo hộ, có lộ trình để phát triển ngành sản xuất thép trong nước.
Tại khóa họp lần thứ 17 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt - Nga vừa diễn ra tại thành phố Vlaosok, LB Nga từ ngày 3-6.9, cho thấy: Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa VN_ LB Nga năm 2013 mới đạt 2,758 tỉ USD, tăng 12,61%. Trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,52 tỉ USD, giảm 1% so với cùng kỳ 2013. Một trong những mục tiêu 2 bên nhất trí đạt được là phấn đấu kết thúc đàm phán để ký kết Hiệp định FTA giữa VN và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan vào đầu năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc đàm phán mở cửa hàng hoá sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Hồng Quân
lao động
|