Thứ Bảy, 13/09/2014 09:09

Hợp tác kinh tế - điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ

Câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1980 rằng quan hệ Ấn Độ-Việt Nam “trong sáng như bầu trời không một gợn mây,” ngày nay vẫn được các thế hệ lãnh đạo hai nước nhắc lại như một câu châm ngôn khi nói đến mối tình keo sơn, ngày càng phát triển giữa hai dân tộc.

* Ấn Độ: Thị trường cung cấp nguyên phụ liệu mới cho các doanh nghiệp dệt may

* Hãng viễn thông di động Ấn Độ muốn vào Việt Nam

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj,
khi bà sang thăm chính thức Việt Nam.

Gần đây nhất, khi phát biểu tại cuộc hội thảo bàn tròn nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chiến ở Việt Nam, do Đại sứ quán Việt Nam cùng Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) phối hợp tổ chức tại New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa lại một lần nữa nhắc tới câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống quan hệ gần gũi lâu đời; quan hệ hai nước đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ; các mối quan hệ lịch sử cùng với sự hội tụ về lợi ích chiến lược và an ninh đang mở rộng, làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam có từ khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi đoàn thuyền buôn đầu tiên của Ấn Độ tới đất Việt Nam và sinh cơ lập nghiệp tại đó.

Những dấu tích văn hóa Ấn Độ như các tháp của người Chăm hay còn gọi là đền của đạo Hindu tại miền Trung Việt Nam cho thấy các vương quốc Chăm đã được thiết lập tại miền Trung Việt Nam và tồn tại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 15. Từ đó, sự liên kết giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ thành mối quan hệ hữu nghị truyền thống, trải qua những thử thách của thời gian.

Trong những thời kỳ hiện đại, nền móng vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawahar Lal Nehru tạo dựng, đã được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công vun đắp. Cả hai dân tộc luôn bên cạnh nhau một cách tự nhiên trong hoàn cảnh thuận lợi, cũng như lúc khó khăn. Cho dù bất cứ đảng nào nắm quyền lãnh đạo tại Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam vẫn liên tục phát triển và không hề gợn sóng.

Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hai nước càng phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu, vươn ra những hướng mới, thể hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược ngày càng tăng. Các chuyến thăm cấp cao đã trở nên thường xuyên, với hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ và các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam trong những năm qua.

Sau khi lên nắm ngọn cờ lãnh đạo hồi tháng Năm vừa qua, Chính phủ của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, không những kế thừa mà còn thúc đẩy chính sách “hướng Đông” được triển khai từ năm 1991 của Ấn Độ và coi Việt Nam như một “trụ cột” trong chính sách này.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới Việt Nam từ ngày 25-26/8 vừa qua đã truyền thêm động lực mới vào mối quan hệ đối tác đang đâm chồi mạnh mẽ, được gắn kết bằng những lợi ích năng lượng, kinh tế và chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee từ ngày 14-17/9 tới càng khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Ấn Độ đối với Việt Nam.

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam phát triển đồng đều, xoay quanh 5 trụ cột chính gồm hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế đã trở thành điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương ước tính sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm nay so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2010; hai bên đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

Việt Nam thu hút nhiều công ty Ấn Độ, với 68 dự án đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực; trong đó có thăm dò dầu-khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin (IT) và chế biến nông sản. Các công ty Việt Nam cũng đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, với ba dự án đầu tư có tổng số vốn 23,6 triệu USD.

Thời gian gần đây, IT đã nổi lên thành một điểm tựa quan trọng của quan hệ đối tác dựa trên tri thức giữa hai nước. Với thế mạnh về các ngành công nghiệp tri thức, Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thành lập các cơ quan xây dựng năng lực; trong đó có các Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm giảng dạy tiếng Anh và các viện phát triển doanh nghiệp.

Với sự trợ giúp của Ấn Độ, Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu về lúa gạo, tạo điều kiện cho nước này trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ấn Độ đã cấp hàng trăm học bổng cho sinh viên Việt Nam theo chương trình Hợp tác kinh tế và công nghệ Ấn Độ (ITEC) hàng năm.

Hai nước đã thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Trong vài năm qua, quan hệ hợp tác quốc phòng đã được tăng cường và phát triển. Hai bên hiện đang tăng cường đối thoại chiến lược và các cuộc tập trận hải quân chung để mở rộng phạm vi hợp tác về an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ coi mối quan hệ song phương ngày càng phát triển như một phần trong động lực lớn hơn là vì hòa bình và ổn định khu vực. Điều này thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ của hai nước trong nhiều diễn đàn khu vực, trong đó có ASEAN, EAS, tổ chức hợp tác Mekong-Ganga Cooperation (MGC), Hội nghị Á-Âu (ASEM).

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Ngoại trưởng Swaraj đã tái khẳng định Ấn Độ luôn ưu tiên tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong kinh tế và thương mại.

Bà Swaraj đề nghị hai bên kết nối đường không trực tiếp thông qua việc mở đường bay thẳng và thúc đẩy hợp tác trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo bà Swaraj, Chính phủ Ấn Độ mong muốn thúc đẩy chính sách “hướng Đông” và Việt Nam sẽ đóng vai trò to lớn trong chính sách này của Ấn Độ.

Hiện không chỉ các nhà lãnh đạo, mà dân thường hai nước đều đang mong đợi hãng Jet Airways của Ấn Độ bắt đầu mở đường bay trực tiếp New Delhi-Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5/11 tới.

Theo tính toán của giới chuyên gia, đường bay thẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, qua đó thúc đẩy hợp tác về du lịch; hàng hóa hai bên sẽ thông thương vào thị trường của nhau nhiều hơn và kim ngạch thương mại song phương chắc chắn sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2015.

Thay cho lời kết, xin dẫn lời Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal Geetesh Sharma trong bài viết mới đây: “Những mối quan hệ được phát triển thông qua văn hóa và văn học, thông qua tiếp xúc nhân dân sẽ mãi mãi bền vững, bởi đây là những mối quan hệ đi qua con tim. Chúng ta tin tưởng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pranb Mukherjee sẽ thắt chặt hơn nữa tình bạn đã được thử thách qua thời gian của chính phủ và nhân dân hai nước.”./.

Minh Lý

vietnam+

Các tin tức khác

>   Nên bỏ tư duy nhất nhì thế giới (13/09/2014)

>   Vay nước ngoài ngàn tỷ, vẫn tiêu xài kiểu “tù mù” (13/09/2014)

>   Doanh nghiệp trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu (13/09/2014)

>   Dự án cầu Đồng Nai - "cửa ngõ" vào TPHCM, lại xin gia hạn (13/09/2014)

>   Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn: Một bàn tay không vỗ thành tiếng (12/09/2014)

>   Ngành thép trước sức ép hội nhập (12/09/2014)

>   Ở Việt Nam đang mập mờ về khái niệm sữa tươi sạch?! (12/09/2014)

>   Công ty may mặc Mỹ quyết định chuyển hoạt động sang Việt Nam (12/09/2014)

>   Bia ngoại ồ ạt tấn công thị trường Việt (12/09/2014)

>   Hạn chế đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp (12/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật