Hàng nội lo "sóng" ngoại
Làn sóng hàng ngoại tràn vào Việt Nam từ các nhà bán lẻ nước ngoài càng làm "dấy lên" lo lắng về sự "lép vế" của hàng nội, nhất là khi niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với hàng nội đang có phần suy giảm.
Muốn níu kéo được người tiêu dùng tin tưởng thì chính DN phải giữ "chữ tín". Chữ tín tức là coi người tiêu dùng là trung tâm, coi 8 quyền của người tiêu dùng là mục tiêu vươn đến.
Niềm tin suy giảm
Mới đây, thông tin nhà bán lẻ nước ngoài Tập đoàn BJC (Thái Lan) mua lại 19 siêu thị của Metro đã làm "rúng động" thị trường bán lẻ Việt Nam và giới kinh doanh. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại đối với sự thống lĩnh của hàng hóa Thái Lan tại Việt Nam bởi 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt bằng uy tín, chất lượng.
Chưa kể đến, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào năm 2015, hàng hóa Thái Lan sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế càng khiến cho hàng hóa Việt Nam khó "chen chân" vào hệ thống siêu thị này. Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam đã, đang và sẽ còn chứng kiến sự "đổ bộ" của nhiều “đại gia” bán lẻ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp...
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, DN Việt sẽ phải cạnh tranh không cân sức với những nhà bán lẻ nước ngoài mạnh vốn, quản trị, chiến lược, công ty mẹ hỗ trợ, chấp nhận lỗ mấy năm trong khi cơ chế của DN Việt Nam ví dụ như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thua lỗ 2 năm lãnh đạo bị cách chức. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú tỏ ra không quá bi quan với sự lấn át của "đại gia" Thái Lan.
Bởi lẽ, việc hàng Thái Lan có xâm lấn hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc hay không, thị trường sẽ quyết định vấn đề này và người tiêu dùng sẽ là những "người quyết định chính". Tập đoàn BJC vào Việt Nam không phải để bán toàn hàng Thái Lan mà còn theo nhu cầu của thị trường. Nếu hàng Việt Nam đủ mạnh và hấp dẫn người mua thì trên 19 chi nhánh của Metro, hàng hóa bày bán chưa chắc đã hoàn toàn là hàng Thái Lan.
Điều mà ông Vũ Vinh Phú lo ngại là niềm tin của "người quyết định chính" với chất lượng hàng hóa đang đi xuống. Bổ sung cho ý kiến này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, không chỉ hàng ngày mà hàng giờ, những “tin xấu” liên quan đến vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng; chế độ và dịch vụ hậu mãi, bảo hành của các DN bán lẻ hay vi phạm về nhãn mác… liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Người bán hàng vẫn còn tư duy sai lầm là coi nhẹ các dịch vụ chăm sóc khách hàng, hàng bán rồi miễn đổi trả, còn người tiêu dùng nhiều khi mua phải hàng lỗi, không hài lòng thì rất khó khăn trong việc đổi, khiếu nại.
"Từ các vụ việc để “lọt” hàng kém chất lượng, ghi sai thời hạn sử dụng… tuy không hẳn là cố tình nhưng phản ánh thực trạng quản trị nội bộ của một số siêu thị có vấn đề, thiếu chặt chẽ", ông Phú đánh giá.
Chữ tín
"Sắp tới chúng ta sẽ tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất nhiều mặt hàng sẽ về 0%, DN nào không cạnh tranh được sẽ phá sản", ông Phú lo ngại. Trong "trận chiến" không cân sức này, muốn cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài, điều đầu tiên mà các nhà bán lẻ cần phải làm là lấy được niềm tin của người tiêu dùng.
Các DN bán lẻ của Việt Nam, thay vì hô hào khách hàng hãy là “người tiêu dùng thông thái” thì cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm phân phối, giá cả hàng hóa để giữ chữ tín với người tiêu dùng tốt hơn. Theo ông Phú, cạnh tranh giữa các DN trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt, một khi chất lượng thua kém, giá cả lại đắt hơn, người tiêu dùng có quyền không lựa chọn.
Bà Loan cho rằng, muốn níu kéo được người tiêu dùng tin tưởng thì chính DN phải giữ "chữ tín". Chữ tín tức là coi người tiêu dùng là trung tâm, coi 8 quyền của người tiêu dùng là mục tiêu vươn đến. Đặc biệt, về công tác quảng cáo, khuyến mãi, DN phải trung thực, sản phẩm phải bảo đảm sức khỏe và sự an toàn tuyệt đối.
Trên thực tế, khiếu nại của người tiêu dùng dù chỉ nhỏ như hạt muối nhưng nếu các DN không có biện pháp xử lý tốt thì uy tín DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “DN nào không giữ được chữ tín thì DN đó sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, từ đó hàng hóa không thể bán ra, như vậy đã là dấu chấm hết trong cuộc chơi này”, bà Loan nhìn nhận.
Về phía nhà sản xuất, DN cần có những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không phải sản xuất những thứ muốn làm một cách duy ý chí hay theo năng lực sản xuất của DN mà phải sản xuất những sản phẩm người tiêu dùng cần, thị trường yêu cầu. Cùng chung ý kiến với bà Loan, ông Phú nêu quan điểm, muốn hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thì người sản xuất phải yêu nước trước, sau đó đến người phân phối.
Với thực tế, hàng nội còn kém cạnh tranh, nhà sản xuất phải cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, đầu tư chiều sâu. Hơn nữa, hiện năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2-15 lần so với khu vực và thế giới nên giá thành sản phẩm cao dẫn đến lép vế.
Ví dụ, Hoàng Anh Gia Lai sản xuất mỗi cân đường chỉ 5.000 đồng trong khi đó giá thành đường của các nhà máy là 12.000 đồng. "Tất cả phải thực hiện đồng bộ để giảm bớt phần nào làn sóng hàng ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam", ông Phú đề xuất.
Phan Thu
hải quan
|