G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 bế mạc ngày 21-9 tại thành phố Cairns (Úc) ra tuyên bố chung cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đề ra nhiều biện pháp tạo việc làm, tăng cạnh tranh và chống hành vi trốn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey phát biểu tại hội nghị.
|
Sau hai ngày họp, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) cam kết đến năm 2018 phải nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thể các nước G20 thêm 2% so với mức hiện nay, đóng góp thêm 2.000 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế thế giới.
Tuyên bố chung nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với sự suy yếu về nhu cầu hàng hóa, dẫn đến tăng trưởng chậm lại. Là một phần của nền kinh tế thế giới, các nền kinh tế G20 cũng đang đối mặt với khó khăn, cần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng cường thương mại và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
G20 yêu cầu một số nước thành viên, đặc biệt là các nước châu Âu, áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, giúp tăng trưởng kinh tế.
Cải cách quy định thuế
Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm của các nước G20 tại hội nghị này là cải cách các quy định về thuế nhằm đối phó với các hành vi trốn thuế. Các nước G20 nhất trí sẽ áp đặt các quy định mới về thuế nhằm vào các công ty đa quốc gia đang sử dụng những lỗ hổng về pháp lý để trốn thuế.
Trong thời gian tới, G20 sẽ tiến hành hoạt động trao đổi thông tin giữa các nước thành viên thông qua việc sử dụng bộ quy định tiêu chuẩn thông tin chung (Common Reporting Standard - CRS) nhằm xác định các đối tượng trốn thuế để có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey cho biết Úc sẽ tiên phong thực hiện bộ quy định tiêu chuẩn thông tin chung nói trên.
Các vấn đề khác
Ngày 21-9, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết kể từ khi bùng phát vào tháng 2-2014, dịch Ebola đã khiến 5.357 người nhiễm bệnh, 2.630 người trong số này đã tử vong.
|
Ngoài ra, G20 cũng bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột Ukraine, mối đe dọa từ tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq, cũng như dịch Ebola ở Tây Phi… đang đặt ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của phản ứng chung của cộng đồng thế giới trong việc đối phó với dịch Ebola.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey nói mặc dù các nước lên án Nga làm leo thang cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhưng cần duy trì đối thoại với Nga. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 15-11 và 16-11 tại thành phố Brisbane (Úc), Úc đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị.
Hơn 40 nước ủng hộ chống IS
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc (LHQ) Samantha Power ngày 21-9 cho biết hơn 40 nước đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực chống IS trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng xây dựng liên minh chính trị, quân sự và tài chính để đánh bại IS tại Syria và Iraq.
Tuần trước, lần đầu tiên Pháp tham gia không kích mục tiêu của IS tại Iraq. Ả-rập Saudi cũng đã đề nghị cung cấp căn cứ huấn luyện cho phe đối lập ôn hòa của Syria – được Quốc hội Mỹ đồng ý cho tiến hành huấn luyện cũng như trang bị cho lực lượng này – để chống lại IS.
Ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ về nỗ lực quốc tế chống IS.
|
Phúc Minh
tbktsg
|