Châu Âu với chính sách kinh tế "Draghinomics"
Từ ngày 18/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính thức triển khai “Chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu” (TLTRO) với quy mô ban đầu 400 tỷ euro, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn châu lục sau nhiều năm bị khủng hoảng.
TLTRO là chương trình cho phép các ngân hàng vay khoản tiền với mức lãi suất tái cấp vốn thấp, chỉ 0,05% đến tận năm 2018, nhằm cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nếu các ngân hàng không thể tiếp cận các đối tượng cho vay để đầu tư hoặc tiêu dùng, họ sẽ phải trả lại số tiền đã vay vào năm 2016.
Nhiều chuyên gia cho rằng TKTRO mang dấu ấn của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi.
Với TLTRO, ECB đặt mục tiêu cho vay được 1 nghìn tỷ euro trong vòng 3 năm tới, nhằm thúc đẩy lạm phát tăng trở lại ngưỡng mục tiêu và hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hướng dòng tín dụng chảy nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh.
Theo đó, chương trình được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các ngân hàng tại châu Âu có quyền vay đến 400 tỷ euro trong khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 18/9 đến tháng 12/2014, thông qua đợt đấu giá (công cụ tài chính là các giấy tờ có giá). Sau đó, từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2016, những đợt đấu giá tiếp theo sẽ được tổ chức để cung cấp khoản vay trên 800 tỷ euro.
Đợt cho vay đầu tiên trong khuôn khổ TLTRO được kỳ vọng mang những hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo đánh giá của UBS, cầu vay vốn có thể nằm trong khoảng 280-300 tỷ euro và ở mức 250 tỷ euro theo kịch bản đánh giá của Morgan Stanley. Khảo sát do Reuters thực hiện lại cho kết quả trên là 333 tỷ euro.
Tuy nhiên, cầu vay vốn của các ngân hàng có thể tăng cao vào cuối năm - thời điểm giai đoạn đầu tiên của chương trình TLTRO kết thúc. Hâu hết các chuyên gia đều cho rằng, những tác động đến nền kinh tế từ chương trình kích thích tham vọng này của ECB sẽ cần được đánh giá sau một khoảng thời gian tương đối dài sau khi kết thúc.
Tuy nhiên, nếu giai đoạn đầu tiên của chương trình được các ngân hàng đón nhận quá hạn chế, thì đó sẽ là nỗi thất vọng đối với thị trường. Cần phải nói rằng, ECB đã chấp nhận cho bảng cân đối kế toán tăng lên rất lớn sau hàng loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ thời gian qua. Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi đã khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn với các mức lãi suất điều hành đang ở mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử.
Chỉ trong ngày 18/9, các ngân hàng châu Âu đã vay 82,6 tỷ euro trong đợt đấu giá đầu tiên cung cấp khoản cho vay giá rẻ trong vòng 4 năm từ ECB.
Đây là kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Theo kết quả khảo sát đầu tuần này do Bloomberg thực hiện, các chuyên gia kỳ vọng các ngân hàng có thể vay khoảng 174 tỷ euro trong tổng số 400 tỷ euro tối đa mà ECB cung cấp trong đợt TLTRO đầu tiên này.
Giống như chương trình phục hưng kinh tế Abenomics của Nhật Bản, TLTRO cũng là dấu hiệu khởi đầu của một chương trình kích thích kinh tế tương tự cho khu vực Eurozone. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini đặt tên cho nó là "Draghinomics" (chính sách kinh tế của Chủ tịch ECB Mario Draghi).
"Draghinomics" cũng đóng vai trò thúc đẩy tái cấu trúc cần thiết cho tăng trưởng tiềm năng của Eurozone và giúp nền kinh tế này thoát khỏi nguy cơ rơi vào giảm phát.
Tuy nhiên, ông Draghi cũng thừa nhận, sự phục hồi yếu ớt của Eurozone không chỉ phản ánh một số vấn đề thuộc về cơ cấu, mà còn đến từ sự tồn tại của các yếu tố mang tính chu kỳ, phụ thuộc vào tổng cầu trong ràng buộc với tổng cung của nền kinh tế. Vì vậy, các biện pháp kích cầu cũng rất cần thiết và theo Nouriel Roubini, đây cần là mũi tên đầu tiên trong chính sách Draghinomics.
Mũi tên thứ hai sẽ làm giảm các rào cản đối với tăng trưởng thông qua chi tiêu chính phủ để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng ở cấp độ quốc gia. Mũi tên thứ ba liên quan đến nới lỏng định lượng và nới lỏng tín dụng, dưới các hình thức mua trái phiếu chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tư nhân.
Nới lỏng định lượng và nới lỏng tín dụng có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng trở lại và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone. Giá trị của đồng euro cũng có thể giảm, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu ròng của khu vực. Thị trường chứng khoán có thể tăng điểm sau đó và tạo hiệu ứng tích cực. Giá tài sản tăng cũng như biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực tư nhân có khả năng sẽ làm gia tăng tổng cầu và kỳ vọng lạm phát.
Cuối cùng, không ai có thể đánh giá thấp ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào một cam kết đáng tin cậy từ ECB để giải quyết vấn đề tăng trưởng chậm và lạm phát thấp đang diễn ra tại Eurozone.
Nguyễn Chiến
Chính Phủ
|