Trung Quốc dự định bơm hơn 81 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng
Theo Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin từ một quan chức ngân hàng Trung Quốc không công bố danh tính, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - Ngân hàng trung ương Trung Quốc - đang có kế hoạch bơm 500 tỷ NDT (81,35 tỷ USD) tiền mặt vào các ngân hàng lớn của nước này, một tín hiệu cho thấy các nhà chức trách Bắc Kinh đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Cụ thể, PBOC dự định rót tiền vào năm ngân hàng lớn của nước này thông qua Cơ chế Cho vay Tiêu chuẩn (SLF) dưới dạng các khoản cho vay thời hạn 3 tháng.
Theo nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Jian Chang của Barclays Capital ở Đặc khu hành chính Hong kong (Trung Quốc), động thái này chủ yếu cung cấp tiền mặt dự phòng trường hợp thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong những tuần tới.
Theo công ty Credit Agricole, động thái trên của PBOC phù hợp với nhận định của họ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp nới lỏng theo kế hoạch trong bối cảnh hoạt động kinh tế trong nước đang giảm tốc trong thời gian gần đây.
Kinh tế Trung Quốc trong quý I năm 2014 chỉ tăng trưởng 7,4%, mức thấp nhất trong 18 tháng qua. Thị trường nhà đất, đóng góp hơn 15% GDP của Trung Quốc, sụt giảm mạnh cũng đang trở thành lực cản đối với nền kinh tế nước này.
PBOC đã triển khai SLF vào năm 2013 để hỗ trợ các công cụ chinh sách tiền tệ khác như các công cụ thị trường mở.
SLF chủ yếu cung cấp các khoản tín dụng 1-3 tháng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại để giảm thiểu những biến động về lãi suất và các tác động tiêu cực tới nền kinh tế được đánh giá là hạn chế so với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng hoặc là tăng lãi suất.
Theo nhà kinh tế Chen Yulu, thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của PBOC, Trung Quốc không cần các biện pháp kích cầu mạnh mẽ chừng nào tăng trưởng kinh tế nước này vẫn ở trong biên độ mục tiêu, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo kế hoạch để hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó, giới phân tích cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang thận trọng trong việc đưa ra các biện pháp kích cầu mạnh mẽ như đã thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, do lo ngại sẽ làm trầm trọng vấn đề nợ và tác động bất lợi tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo số liệu thống kê, số việc làm mới được tạo ra ở Trung Quốc trong tám tháng đầu năm 2014 là 9,7 triệu, xấp xỉ mức mục tiêu đề ra hàng năm.
Nhà kinh tế trưởng Lian Ping của Ngân hàng Thông tin Trung Quốc cho hay việc làm có ý nghĩa quan trọng hơn tăng trưởng, và thị trường việc làm vẫn duy trì được đà tăng cho dù tăng trưởng kinh tế không thuận lợi.
Vietnam+
|