Dễ bị kiện tại Mỹ
Việc mở một văn phòng đại diện tại Mỹ có thể gây cho doanh nghiệp một số phiền toái như dễ bị kiện tụng hơn tại thị trường này.
Hệ thống pháp luật phức tạp
Chia sẻ tại một hội thảo về bảo hiểm xuất khẩu do Công ty AIG Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 8-2014, ông Fred Burke, luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie (Việt Nam), cho biết nhà sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể bị kiện tại một tiểu bang nào đó của Mỹ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này phải chuẩn bị sẵn sàng trước rủi ro bị thu hồi sản phẩm, bị kiện và bị phạt tiền.
Bởi lẽ, môi trường pháp luật tại Mỹ khá phức tạp. Hiện 50 tiểu bang của Mỹ đều có luật riêng của họ, và chính quyền liên bang cũng có luật liên bang, nên luật tiểu bang và liên bang có thể được áp dụng đồng thời. Tuy nhiên, liên bang không có luật hợp đồng hay luật trách nhiệm sản phẩm, do đó doanh nghiệp khi kinh doanh với thị trường này gặp khó khăn do 50 hệ thống luật tiểu bang khác nhau.
Ngoài ra, có nhiều cơ quan khác nhau có liên quan trong việc quản lý hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, như Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng, Ủy ban Thương mại liên bang, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ. Các cơ quan này có quyền phạt, cấm, tịch thu hàng hóa, khởi kiện dân sự và các quyền hạn khác. Theo ông Fred Burke, năm 2007 được xem là “năm của lệnh thu hồi” tại Mỹ với 473 lệnh thu hồi đã được ban hành.
Đơn cử như với Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng (hoạt động dựa trên tìm hiểu riêng của họ hoặc tố cáo của người tiêu dùng). Cơ quan này đã ban hành nhiều lệnh thu hồi đối với sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam.
Cũng theo vị luật sư này, trong thời gian gần đây, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị thu hồi tại Mỹ như các loại nến (nguy cơ gây hỏa hoạn), bộ quần áo pyjama hai mảnh (nguy cơ gây hỏa hoạn), sơn (vi phạm tiêu chuẩn về hàm lượng chì)...
Theo trang web chuyên cung cấp thông tin về các lô hàng bị Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từ chối cho nhập khẩu vào Mỹ (www.acessdata.fda.gov/scripts/importrefusals), trong tám tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 24 trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ vi phạm quy định của FDA. Nguyên nhân chủ yếu là ghi sai nhãn (không đúng quy định của Mỹ), hàng hóa bị nhiễm khuẩn (thường là thủy sản) và có tồn dư thuốc trừ sâu.
Hay hiện có những quy định mới về hải quan và nhập khẩu, như liên quan đến lao động cưỡng bức. Theo ông Fred Burke, không ai muốn sử dụng sản phẩm từ lao động cưỡng bức, do đó, nếu doanh nghiệp vi phạm, hàng hóa của họ sẽ bị cấm bán tại Mỹ.
Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng rất dễ khiếu nại. Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Thương mại lành mạnh Hoa Kỳ (US FTC) công bố vào tháng 5-2014, trong năm 2013, ủy ban này nhận được hơn 133.000 khiếu nại từ người tiêu dùng trên thế giới thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, 62% các khiếu nại xuyên biên giới này đến từ người tiêu dùng Mỹ đối với các công ty nước ngoài. Việt Nam xếp vị trí thứ 51 trong danh sách 100 nước (ngoài Mỹ) có doanh nghiệp bị người tiêu dùng Mỹ khiếu nại nhiều nhất với 194 khiếu nại.
Cân nhắc khi mở văn phòng tại Mỹ
“Nếu một doanh nghiệp Việt Nam nói muốn đặt văn phòng đại diện tại Mỹ, tôi sẽ khuyên họ khoan làm điều này”, ông Fred Burke nói. Giải thích lời khuyên này, vị luật sư cho biết dù có văn phòng đại diện tại Mỹ hay không thì doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này vẫn có nguy cơ bị kiện. Và khi bị kiện, doanh nghiệp không nên phớt lờ mà hãy tham vấn luật sư để xem phải hồi đáp như thế nào.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có văn phòng tại Mỹ rất dễ bị người tiêu dùng và công ty Mỹ kiện vì khi ấy, doanh nghiệp biết rõ việc hàng hóa được phân phối tại đây. Trong khi đó, doanh nghiệp không có văn phòng đại diện tại Mỹ lại có “lợi thế” sự hiện diện hạn chế (limited appearance). Có nghĩa là, khi đến tòa án, doanh nghiệp có thể nói rằng họ không nắm thông tin về việc hàng hóa của họ được bán như thế nào tại Mỹ, toàn bộ đầu mối đều thông qua nhà nhập khẩu của Mỹ, và do đó nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm chính.
Về trách nhiệm đối với sản phẩm, theo quy định của Mỹ, thẩm quyền xét xử với đối tượng ở ngoài tiểu bang chỉ bị hạn chế bởi quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ về “quy trình tố tụng hợp lệ (due process)” đối với “đầu mối liên lạc tối thiểu (minimum contact)”. Trong đó, quy định “đầu mối liên lạc tối thiểu” có nghĩa là công ty phải có “đầu mối liên lạc liên tục và có hệ thống” với tiểu bang có thẩm quyền tài phán, hoặc đang “hoạt động kinh doanh” tại đó. Các yếu tố nhận biết đầu mối liên lạc tối thiểu bao gồm việc doanh nghiệp có những điều sau đây ở tiểu bang: hoạt động kinh doanh, nhân viên hoặc văn phòng, hoạt động quảng cáo, tài sản hoặc tài khoản ngân hàng, cho phép bán và/hoặc phân phối các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, theo ông Fred Burke, quy định về thuế tại Mỹ cũng chồng chéo, với mỗi thành phố, tiểu bang đều có quy định thuế khác nhau nên doanh nghiệp dễ gặp rắc rối về thuế khi lập văn phòng tại đây.
Muôn trùng rủi ro...
Ông M.K, giám đốc một công ty dịch vụ xuất khẩu tại tỉnh Daklak, cho biết cuối tuần qua ông nhận được thư điện tử của đối tác làm ăn tại Mỹ, thông báo về việc lô hàng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ do công ty ông chịu trách nhiệm kiểm tra không đảm bảo quy định của Mỹ. Đối tác đòi công ty của ông phải gửi số tiền nộp phạt là 6.000 đô la Mỹ. Trong đó, 2.000 đô la Mỹ phạt vì trong lô hàng cà phê có lẫn một hạt bắp, 3.000 đô la Mỹ vì có xác con ngài ở trong container và thêm 1.000 đô la Mỹ cho các chi phí hành chính.
Theo ông M.K, thường cà phê xuất khẩu không ít thì nhiều vẫn có những hạt vỡ, tạp chất nhưng miễn sao dưới 5% là được. Tuy nhiên, việc có lẫn hạt bắp lại thuộc về một vấn đề khác liên quan đến bản quyền giống, nguồn gen nên phía nhập khẩu phải lập biên bản và gửi đi tiêu hủy, dù chỉ là một hạt bắp.
Còn với vụ xác con ngài, theo giải thích của phía công ty nhập khẩu cà phê, hiện mỗi quốc gia đều có quy định và cho phép sử dụng hóa chất để xử lý côn trùng nhằm bảo quản nông sản nói chung. Tuy nhiên, việc có xác con ngài trong container sau khi đã xử lý chứng tỏ trong lô hàng cà phê này còn tồn dư một lượng hóa chất xử lý côn trùng nên con ngài bị chết khi bay vào container. May mắn, lượng hóa chất tồn dư trong lô hàng này vẫn ở mức chấp nhận được, nên phía Mỹ đã cho phép công ty nhập khẩu xử lý trước khi cho thông quan.
Ngọc Hùng
|
Thu Nguyệt
tbktsg
|