CPI tháng 9 tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực
Các chuyên gia công ty chứng khoán cho rằng chỉ số CPI trong tháng 9 tiếp tục gia tăng nhưng không mạnh và nhóm hàng giáo dục là yếu tố tác động đáng kể. Thị trường chứng khoán trong giai đoạn còn lại của tháng 9 vẫn tích cực nhưng các chỉ số sẽ gặp khó khăn?
Khả năng sẽ có lực chốt lời lớn
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng Giám đốc CTCK Sen Vàng (GLS) dự báo: “CPI tháng 9 dự kiến tiếp tục gia tăng và mức tăng khoảng 0.35% so với tháng 8”.
Theo thống kê của ông Chinh, các tháng 9 hàng năm chỉ số CPI đều tăng đột biến và tháng 9 năm nay cũng không ngoại lệ, nguyên nhân chính là do mùa tựu trường với biến động gia tăng của các hàng hóa liên quan như học phí, sách giáo khoa, thiết bị học đường,… Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng của tháng 9 năm nay sẽ thấp hơn so với mọi năm do biến động giảm giá xăng dầu giúp chi phí các yếu tố đầu vào giảm. Với các biến động đó, ông Chinh dự báo chỉ số CPI trong tháng 9 sẽ tăng 0.35% so với tháng 8.
CPI gia tăng kết hợp với tình trạng xử lý nợ xấu của VAMC và quá trình tái cấu trúc nền tài chính ngân hàng được đẩy nhanh sẽ giúp tính minh bạch của nền kinh tế được nâng cao qua đó đưa kinh tế vĩ mô ngày càng tốt hơn. Với những diễn biến đó ông Chinh kỳ vọng giai đoạn còn lại của năm thì thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ khởi sắc hơn.
Trong thời gian còn lại của tháng 9, VN-Index vẫn chỉ sideway trong vùng 630-650 điểm chứ không có đột biến. Ông cũng lưu ý khả năng sẽ có lực chốt lời rất lớn do sự phân hóa cao của các dòng cổ phiếu gần đây và đặc biệt thêm lượng cổ phiếu lớn ngày của ngày 09/09 về đến tài khoản.
Chinh phục mốc 650 trong tháng 9
Tương tự, bà Nguyễn Mai Phương – Giám đốc trung tâm nghiên cứu (MSBS) cũng cho rằng: “CPI tháng 9 sẽ tăng 0.35% (tương ứng 0.02%) so với tháng 8 và tăng khoảng 4.2% so với cùng kỳ năm trước”.
Ngoài nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho mùa khai giảng mới, bà Phương bổ sung thêm yếu tố tăng học phí theo lộ trình đề ra ở Nghị định 49/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và nhu cầu chi tiêu phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 2/9. Bên cạnh đó, giá lúa gạo có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lúa gạo và mùa mưa bão cũng gây áp lực tăng giá đối với lương thực thực phẩm… Ở chiều ngược lại, một số yếu tố giảm áp lực lên giá như giá xăng dầu đang có xu hướng giảm, giá gas cũng được điều chỉnh, cung cầu hàng hóa đang được giữ ở mức cân bằng …
Lực cầu trong những tháng cuối năm dự báo vẫn sẽ được cải thiện. Hơn nữa bà cũng cho rằng, lệnh cấm vận của EU đối với Nga có hiệu lực từ 12/9 vừa rồi kết hợp vòng đàm phán FTA giữa Việt Nam-EU đang có những dấu hiệu tích cực, mối quan hệ của Việt Nam và Nga đang được thắt chặt, điều này dẫn đến một số mặt hàng (đặc biệt là nông sản và một số mặt hàng sản xuất) xuất khẩu từ EU sang Nga sẽ bị hạn chế. Và đây là cơ hội của Việt Nam đối với cả hai thị trường xuất khẩu lớn là EU và Nga.
Nhận định về TTCK, theo bà Phương, là vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực, và thị trường hoàn toàn có thể chinh phục mốc 650 trong tháng 9. Tuy nhiên mốc 650 cũng là mức kháng cự mạnh, khó có thể vượt qua ngay mà cần có thời gian điều chỉnh dài và bà khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét chốt lời khi chỉ số tiến dần đến 650 điểm.
Khối lượng giao dịch chứng khoán vẫn tích cực
“CPI tháng 9 được dự báo sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng yếu. Cụ thể, chỉ số này có thể tăng 0.3% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008, và qua đó giúp CPI trong 9 tháng chỉ tăng ở mức 2.15% so với cuối năm 2013” là ý kiến dự báo của ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng Phân tích CTCK Saigonbank (SBBS).
Về tác động đến TTCK, ông Đăng nhìn nhận diễn biến của chỉ số CPI nói riêng và của nền kinh tế nói chung vẫn đang theo hướng thuận lợi cho TTCK. Tuy nhiên việc VN-Index chạm ngưỡng cao kể từ 2008 có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Do đó trong những tuần còn lại của tháng 9, khối lượng giao dịch có thể vẫn ở mức tích cực nhưng các chỉ số sẽ gặp nhiều khó khăn.
Kết quả kinh doanh quý 3 có thể là một cơ sở để nhà đầu tư làm căn cứ lựa chọn. Trong đó ngành chứng khoán và thủy sản có nhiều thuận lợi.
Bảng biến động các nhóm hàng trong rổ tính CPI theo SBBS
|
Duy Hoàng
|