Thứ Hai, 29/09/2014 22:33

“Có chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp doanh nghiệp”

Chủ tịch VCCI cho biết, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cho DN thì vẫn có những vị chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp gỡ DN…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, cũng như cảm nhận của cộng đồng DN sau 6 tháng triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tương tự Báo cáo của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, kết quả khảo sát động thái DN của VCCI 9 tháng năm 2014 cho thấy cộng đồng DN vẫn đang rất khó khăn, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu có cải thiện. Dù mức độ không lớn, nhưng xu thế cải thiện khá vững chắc.

Theo đó, có một điểm sáng rất cần được lưu ý là: Qua sự sàng lọc, chất lượng của cộng đồng DN đã được nâng lên. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN đã được cải thiện, nhiều DN vẫn mở rộng quy mô kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, tỷ lệ DN kinh doanh có lãi (trước thuế) đã tăng từ mức 29,7% vào quý I lên 32,9% vào quý II.

Mặt khác, niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh đang dần được khôi phục. Báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy: Dự cảm của DN về môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo là tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và tốt hơn hẳn so với năm 2013.

Theo VCCI, đây là kết quả của những cố gắng đồng bộ của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đặc biệt là trong nỗ lực đột phá cải cách thể chế mà trọng tâm là cải cách hành chính được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối quý I, đầu quý II năm nay.

Cộng đồng DN đặc biệt đánh giá cao cách tiếp cận mới trong việc thiết kế chính sách, xây dựng các chương trình hành động và tổ chức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 19, Chỉ thị 11…

Nội dung cơ bản của cách tiếp cận mới là lấy tiêu chuẩn của ASEAN 6 và sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo, gắn với lộ trình, thời gian thực hiện rõ ràng, có trách nhiệm cá nhân và chế tài cụ thể…

Cộng đồng DN cũng đánh giá cao những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt "vượt tuyến" của Thủ tướng tới các điểm nóng của bộ máy công quyền như: Ngành thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng… Cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng kinh doanh vào cuối tháng 4 với sự chân tình, chia sẻ và giải quyết thiết thực các vấn đề của DN đã củng cố niềm tin cho cộng đồng DN.

“Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định bước đột phá về thể chế và thủ tục hành chính mở đầu bằng Nghị quyết 19 đang trở thành hiện thực và sẽ tác động sâu rộng đến môi trường kinh doanh ở nước ta trong thời gian tới”, ông Lộc nói.

Lan tỏa đến các cấp chính quyền

Đặc biệt, theo ông Vũ Tiến Lộc, sự quyết liệt của Thủ tướng đã có sức lan tỏa tới các cấp chính quyền trong việc lắng nghe và giải quyết các kiến nghị của DN. Lãnh đạo cao nhất nhiều bộ, ngành, địa phương đã noi theo Thủ tướng trong việc tổ chức gặp gỡ, giải quyết kịp thời, trực tiếp các kiến nghị của DN.

Sau hội nghị Thủ tướng với DN, VCCI đã lập danh mục gồm 305 kiến nghị của DN, gửi 11 bộ, ngành và tính đến ngày 9/9, VCCI đã nhận được công văn phản hồi của 8 bộ, ngành và UBND TP Hà Nội.

Phần lớn các vướng mắc và kiến nghị của DN đã được quan tâm giải quyết, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, cho thấy thái độ cầu thị, lắng nghe và hợp tác của các bộ, ngành, địa phương.

Một số bộ, ngành, mà đặc biệt là Bộ Tài chính đã giải quyết vấn đề một cách khá đồng bộ trên cơ sở trao đổi kỹ càng với VCCI, các hiệp hội và DN. Bộ này còn chủ động hợp tác với VCCI và các hiệp hội DN để tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của DN về thuế và thủ tục hải quan…

Tuy nhiên, cũng có Bộ, ngành khi giải quyết các kiến nghị của DN còn chủ yếu dẫn chiếu, giải thích các quy định hiện hành, thiếu các biện pháp có tính chất đột phá về chính sách và thủ tục hành chính.

“Thậm chí còn có hiện tượng tham mưu cho Chính phủ và tự ban hành các văn bản quay trở lại xác lập các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã lỗi thời và rất phiền hà, cản trở quyền tự do kinh doanh của các DN”, ông Lộc nhận xét.

Về phía địa phương, bên cạnh nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, đối thoại, đường dây nóng giữa lãnh đạo cao nhất của địa phương với DN, thì vẫn còn có tỉnh chưa thực sự quan tâm, tổ chức triển khai.

“Có đồng chí chủ tịch tỉnh, theo phản ánh của DN, từ đầu nhiệm kỳ chưa bao giờ dành thời gian gặp gỡ để lắng nghe, trao đổi và giải quyết các vấn đề của cộng đồng DN tại địa phương”, ông Lộc thẳng thắn.

Từ thực tiễn nói trên, VCCI đề nghị nghiên cứu, phổ biến, nhân rộng một số thực tiễn tốt trong chỉ đạo, điều hành như Bộ Tài chính trong việc thực hiện Nghị quyết 19, Bộ GTVT trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 15…

VCCI đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tiếp tục rà soát hệ thống luật pháp liên quan đến kinh doanh để có thể trình ra Quốc hội và Chính phủ 1 luật sửa nhiều luật (6 tháng/1 lần), 1 nghị định sửa nhiều nghị định theo các quy trình rút gọn để tăng tốc quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

VCCI cũng đề nghị rà soát giảm điều kiện kinh doanh trong các luật chuyên ngành theo tinh thần của Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi trình Quốc hội thông qua tới đây…

Hà Chính

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Khu công nghiệp quên thế mạnh đặc thù (29/09/2014)

>   Ôtô “ngoại” dồn dập về Việt Nam (29/09/2014)

>   Xây 1,000 siêu thị: Hà Nội khuyến khích dùng hàng ngoại? (29/09/2014)

>   "Made in Vietnam" 100% chẳng có gì hay? (29/09/2014)

>   Cục diện thị trường xuất khẩu tôm sau POR 8 (29/09/2014)

>   Chính phủ xem xét lần chót dự án sân bay Long Thành (29/09/2014)

>   “Không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì” (29/09/2014)

>   Từ thương vụ Standard Chartered, đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ dậy sóng? (29/09/2014)

>   Ế như trung tâm thương mại (29/09/2014)

>   DN “khai sinh” có mức vốn trung bình 6 tỉ đồng (28/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật