Thứ Hai, 29/09/2014 17:16

Khu công nghiệp quên thế mạnh đặc thù

Hàng trăm dự án khu công nghiệp tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long kém hiệu quả, trong khi hơn 130.000 hộ dân buộc phải ly nông.

Bỏ hoang vẫn xây mới

Theo thống kê của ngành Công Thương 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay toàn vùng có khoảng 74 khu công nghiệp (KCN) và 214 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000 ha. Tuy nhiên, khảo sát của chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho thấy, hơn 92% diện tích quy hoạch vẫn chưa đưa vào sử dụng. Điều đáng nói là mặc dù phần lớn các KCN, CCN hiện nay mới chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, nhưng các địa phương vẫn có quy hoạch xây mới và kêu gọi đầu tư vào các KCN, CCN.

Tính chung, cả vùng ĐBSCL hiện còn hơn 17.000 ha đất công nghiệp đã quy hoạch đang bỏ trống.

Chẳng hạn, tại Vĩnh Long, từ nhiều năm trước tỉnh này đã giải tỏa hơn 400 hộ dân cùng nhiều vườn cây ăn trái để lấy đất làm KCN Mỹ Thuận, xây Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long (quy mô 45 ha) và Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao. Song dự án Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia thì mãi đến quý III/2009, chủ đầu tư mới làm lễ khởi công, sau đó bỏ đất trống cho đến nay. Dù vậy, năm 2009 UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn tiếp tục xin xây thêm 5 KCN với tổng diện tích hơn 1.900 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng.

Tương tự, tại Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (TP. Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730 ha (trong đó xây mới 4 KCN với tổng diện tích khoảng 1.750 ha).

Vấn nạn quy hoạch KCN, CCN rồi bỏ hoang đã trở thành “dịch” lây lan hầu hết khắp các tỉnh ĐBSCL. Kết quả là nhiều vườn cây ăn trái màu mỡ, ruộng lúa tươi tốt... bỗng dưng bị đưa vào quy hoạch gây thất thoát hàng tỷ đồng của người nông dân.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trung bình, cứ 1ha đất đưa vào quy hoạch sẽ có 3-4 hộ dân với hàng chục nhân khẩu buộc phải di dời, nhường chỗ cho các dự án. Với 42.000 ha được quy hoạch thì đã có khoảng 130.000 hộ gia đình phải ly nông. Nhiều hộ gia đình không tìm được sinh kế làm ăn, phải thuê lại chính mảnh đất của mình đã bị thu hồi để tiếp tục trồng trọt chăn nuôi trong thời gian dự án “treo” chờ thực hiện. Các hộ khác phải di dân tới các vùng ven đô để làm thuê cho các KCN mới bắt đầu có DN đầu tư.

Hổng từ tư duy đến chính sách

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc quy hoạch tràn lan các KCN, CCN tại khu vực ĐBSCL xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do lỗ hổng về chính sách quy hoạch cũng như tư duy chạy theo danh tiếng ảo của chính quyền địa phương.

TS. Trần Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, hiện nay trong công tác quy hoạch có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy hoạch tổng thể vùng với quy hoạch của từng địa phương. Theo các quy định hiện hành, đối với quy hoạch tổng thể cấp tỉnh và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên phạm vi cả nước, các bộ, ngành và địa phương tự tổ chức thẩm định và trình Chính phủ xem xét phê duyệt nên chất lượng thẩm định chưa cao, trong nhiều trường hợp chưa thực sự khách quan dẫn tới nhiều quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện mâu thuẫn với quy hoạch cấp vùng nhưng vẫn được phê duyệt.

Chẳng hạn, theo Quy hoạch sân golf vùng ĐBSCL của Chính phủ thì đến 2020 có 4 sân golf với diện tích 461 ha tại 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Tiền Giang, Long An. Nhưng quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thì lại dành tới 244 ha để xây dựng sân golf, nhưng vẫn được thông qua.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế-Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, những năm qua, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phi tập trung hóa. Vì thế chính quyền cấp tỉnh được giao quyền và chủ động hơn trong việc quy hoạch và phân bổ các nguồn lực đầu tư trong phạm vi địa phương mình. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh chỉ quan tâm 2 vấn đề: Thứ nhất là ngân sách được Trung ương phân bổ là bao nhiêu? Và thứ hai là làm thế nào để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng cơ chế chính sách của địa phương chứ không quan tâm nhiều đến bản chất chính sách và cơ cấu kinh tế vùng.

Kết quả là, các địa phương đều chạy đua khuyến khích, đãi ngộ dẫn đến việc đãi ngộ không còn ý nghĩa đặc thù. Trong khi đó, hiện chưa có một cơ chế hành chính theo vùng nào chịu trách nhiệm điều phối sự phát triển chung của vùng. Thẩm quyền quyết định, cấp phép đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách vẫn thuộc về từng địa phương. Điều này dễ dàng dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng nếu không có chế tài phù hợp.

Phân tích từ góc độ chuyên môn, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, IPSARD-Bộ NN&PTNT) cho rằng, không phải địa phương nào cũng có những thuận lợi như Bình Dương, Đồng Nai để ồ ạt phát triển công nghiệp. Thay vào việc đầu tư KCN, các địa phương ĐBSCL cần tìm cách tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản theo thế mạnh vốn có của mình.

Chẳng hạn, tại Đồng Tháp, thời gian qua IPSARD đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp hướng vào phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lực là lúa gạo, cá tra, xoài, cây hoa cảnh và vịt. Hiện địa phương này đang thực hiện các giải pháp liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa DN và nông dân. Cách làm này hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Ông Tuấn cho rằng, trước mắt khi chưa có một đơn vị có thẩm quyền và chịu trách nhiệm chung về quy hoạch vùng thì ở các khu vực có lợi thế về kinh tế nông nghiệp như khu vực ĐBSCL, các địa phương cần tự đặt ra những quy chế phối hợp. Khi lập quy hoạch xây dựng các KCN, CCN tại địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư trình bày luận chứng kinh tế kỹ thuật, có kèm theo bản giải trình về tác động của KCN đến môi trường và phương án xử lý... Đồng thời phối hợp các địa phương lân cận để tạo sự liên kết vùng, tạo cơ sở cho sự phát triển đồng bộ.

Thạch Bình

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ôtô “ngoại” dồn dập về Việt Nam (29/09/2014)

>   Xây 1,000 siêu thị: Hà Nội khuyến khích dùng hàng ngoại? (29/09/2014)

>   "Made in Vietnam" 100% chẳng có gì hay? (29/09/2014)

>   Cục diện thị trường xuất khẩu tôm sau POR 8 (29/09/2014)

>   Chính phủ xem xét lần chót dự án sân bay Long Thành (29/09/2014)

>   “Không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì” (29/09/2014)

>   Từ thương vụ Standard Chartered, đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ dậy sóng? (29/09/2014)

>   Ế như trung tâm thương mại (29/09/2014)

>   DN “khai sinh” có mức vốn trung bình 6 tỉ đồng (28/09/2014)

>   Tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sữa tăng nhanh (28/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật