“Không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì”
Tranh luận nhiều chiều xung quanh thể chế kinh tế thị trường trong cải cách ở Việt Nam...
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
|
“Kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”.
Với khẳng định chắc nịch này vào lúc hơn 11h hôm 28/9, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã khép lại 28 lượt ý kiến thảo luận trong một ngày rưỡi tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014.
Ông Cung là người hiếm hoi được đăng đàn tới lần thứ hai, và quan điểm nói trên của ông nhận được sự đồng cảm của không ít diễn giả.
Trước hết là bởi xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại là vấn đề được trở đi trở lại tại nhiều diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.
Và trong khi câu hỏi thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa có câu trả lời, thì không ít nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đều nhấn mạnh sự cấp thiết của đổi mới thể chế kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người được xem là có rất nhiều nỗ lực “nhen lửa” cải cách thế chế, đã nhiều lần tỏ rõ quan điểm rằng kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, và thể chế kinh tế của Việt Nam phải là thể chế kinh tế thị trường.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 cũng đã để lại ấn tượng sâu đậm khi thể hiện quan điểm cần xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại bao gồm ba trụ cột là thị trường, Nhà nước và xã hội dân sự.
Đến diễn đàn này, ông Tuyển thêm một lần đề cập sự cần thiết xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại dựa trên ba trụ cột nói trên, như một tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế.
Quan điểm của ông Tuyển thêm một lần nhận được sự đồng tình cao của không ít chuyên gia khác, cả thể hiện công khai trên diễn đàn, lẫn bên chén trà lúc giải lao.
Với Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung - một trong những người chắp bút đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế - thể chế kinh tế thị trường cũng là vấn đề được ông đặc biệt quan tâm.
Và, dù đã nói đi nói lại rất nhiều lần, ở phiên thảo luận chiều 27/9 của diễn đàn, ông vẫn thêm một lần đề nghị phải áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Giữa phiên thảo luận sáng 28/9, ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cũng tham gia thảo luận về vấn đề mà theo ông được được tranh cãi rất nhiều tại diễn đàn: thế nào là kinh tế thị trường?
“Tôi sẽ chỉ nói một điều mà tôi rất muốn nhấn mạnh thôi, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường không phải là phương thuốc vạn năng để chữa tất cả các căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam”, ông Sơn phát biểu, và hội trường dường như chăm chú lắng nghe hơn.
Chúng ta đều biết một điều rằng lịch sử đại suy thoái 1929 - 1933 chỉ ra thất bại của thị trường, những trì trệ của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ 1980 chỉ ra sự thất bại của nhà nước, khủng hoảng kinh tế tài chính ở Đông Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng ở Mỹ 2008 - 2010 chỉ ra cả sự thất bại của nhà nước và của cả thị trường, ông Sơn nói tiếp.
Sau đó ông Sơn nhấn mạnh: “Do vậy, theo quan niệm của tôi, điều quan trọng nhất đó chính là thể chế phù hợp cho hoạt động của nền kinh tế thị trường. Và thể chế này bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu, đến luật cạnh tranh và độc quyền và thứ ba là cơ chế giải quyết tranh chấp và một loạt các thứ khác”.
TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằnh nếu bây giờ đơn thuần đưa hết giá cả độc quyền sang cơ chế cạnh tranh thì lợi bất cập hại. “Độc quyền của tư nhân, xét trong một khía cạnh nào đấy, thì còn nguy hiểm hơn độc quyền của nhà nước”, ông Sơn nói.
Ngay sau đó là 15 phút nghỉ giải lao. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, theo miêu tả của một số khách mời của diễn đàn, là đã không giấu được sự "giận dữ" khi lại gần trao đổi với Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn.
Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng có mặt gần đó, ông nói, chính vì cả nhà nước và thị trường đều có thể thất bại, nên càng cần có xã hội dân sự. Một số vị khác biểu thị tán đồng.
Thời gian sau giải lao còn lại không nhiều, ông Cung đăng ký phát biểu lần hai và được chấp nhận, dù còn nhiều vị khác muốn tham gia thảo luận.
Những góp ý được vị Viện trưởng CIEM thể hiện trong sự sốt ruột cao độ. Với chủ đề chính của diễn đàn là tái cơ cấu nền kinh tế, ông Cung nhấn mạnh quá trình này thực sự là một cuộc cải cách.
“Làn sóng cải cách lần thứ hai này phải thị trường hơn, và nhà nước đương nhiên phải thay đổi. Kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Trước đó, ngay lời đầu tiên khi đăng đàn, ông Cung kêu gọi các nhà nghiên cứu và các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền hãy sốt ruột với thời gian.
“Những câu nói: chúng ta xử lý việc này không thể nhanh được, cần phải có thời gian, nói cách đây 4 năm thì được, nhưng vào thời điểm này mà còn tiếp tục nói như thế, thì có nghĩa là vẫn tiếp tục dung túng cho những phương pháp tiếp cận dồn vấn đề cho những năm sau, nhiệm kỳ sau, những người sau, mà mình không chịu đối diện với vấn đề mà mình phải giải quyết. Nếu không sốt ruột thì nền kinh tế cứ trì trệ, trì trệ, tiếp tục trì trệ”, ông Cung nói liền một mạch.
“Về tái cơ cấu nền kinh tế, anh Cung kêu gọi là xác đáng, chúng ta phải sốt ruột để có quyết tâm chính trị triển khai mạnh mẽ, thành công, chứ không phải để vội vã làm sai rồi khó sửa”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu bình luận trong lời bế mạc.
Nguyên Thảo
vneconomy
|