“Chuyện lạ” trong đấu thầu thuốc
Đã hé lộ những bất thường trong nhập và đấu thầu thuốc sau vụ tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma bị bắt giữ.
Vụ tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị Bộ Công an bắt giữ đã hé lộ những bất thường trong việc cho nhập thuốc, đấu thầu thuốc tại VN.
Cụ thể là việc đấu thầu thuốc tại Sở Y tế TP.HCM có một số “phi vụ” rất khó hiểu, trong đó có cả vụ liên quan tới chuyện làm ăn mờ ám ở VN Pharma.
Những khuất tất trong nhập và đấu thầu thuốc sẽ được làm rõ sau vụ bắt tổng giám đốc Nguyễn Minh Hùng và khám xét Công ty VN Pharma.
Nhập cho nơi này, bán cho nơi khác
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong danh mục thuốc trúng thầu được Sở Y tế TP.HCM công bố vào tháng 5-2014 có hai mặt hàng thuốc được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp quota (giấy phép nhập chuyến) theo nhu cầu riêng của hai bệnh viện trung ương.
Đó là thuốc BiCNU 100mg dùng cho bệnh nhân ghép tủy do Công ty Emcure của Ấn Độ sản xuất và thuốc Erwinase 1000IU - điều trị bệnh bạch cầu cấp tính do Công ty Health Protection Agency của Anh sản xuất.
Thuốc Bicnu trúng thầu 30 lọ với giá 270 triệu đồng, thuốc Erwinase trúng thầu 10 lọ với giá trên 268 triệu đồng. Đơn vị trúng thầu cung ứng hai loại thuốc này là Công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp ở Hà Nội.
Lật lại các hồ sơ, tháng 1-2013, Công ty CP Dược phẩm - thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco) có đơn hàng gửi Cục Quản lý dược xin nhập bốn loại thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị trong trường hợp đặc biệt.
Trong đó có 500 lọ Erwinase nhập theo dự trù của Viện Huyết học truyền máu trung ương. Trước đó tháng 8-2012, Hapharco cũng có đơn hàng gửi Cục Quản lý dược xin nhập ba loại thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm... Trong đó có 1.000 lọ BiCNU nhập theo dự trù của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đơn vị được ủy thác nhập hai loại thuốc này là Công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp.
Cục Quản lý dược đã cấp quota cho nhập hai đơn hàng trên. Các thuốc trong đơn hàng được miễn xuất trình tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt và phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất khi nhập khẩu thuốc.
Quota nói rõ thuốc nhập khẩu chỉ được cung cấp cho Viện Huyết học - truyền máu trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng hai loại thuốc này lại được bán cho Sở Y tế TP.HCM. Đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc vẫn là Công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp.
Cấp quota dễ dãi
Tìm hiểu về thuốc H-Capita caplet 500mg trị ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng bị Bộ Công an niêm phong và điều tra nguồn gốc, có bằng chứng cho thấy thuốc này được Cục Quản lý dược cấp quota nhập chuyến cho Công ty CP VN Pharma vào tháng 12-2013.
Theo đó, tháng 10-2013 Công ty CP VN Pharma gửi đơn hàng đến Cục Quản lý dược xin nhập thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký với số lượng 200.000 hộp H-Capita (hộp 30 viên).
Đơn hàng ghi tên công ty sản xuất là Helix Pharmaceuticals Inc-Canada, tên công ty cung cấp là Austin Pharma Specialties Co., Hong Kong. Nếu tính theo giá trúng thầu (31.000 đồng/viên) của thuốc này vào Sở Y tế TP.HCM thì đơn hàng có giá trị lên đến 186 tỉ đồng (200.000 hộp).
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện có dấu hiệu giả mạo giấy tờ của Công ty CP VN Pharma vì ở Canada không có công ty dược nào tên là Helix Pharmaceuticals Inc.
Hậu quả là chính Cục Quản lý dược cũng bị “hố hàng” khi cấp quota cho VN Pharma nhập thuốc không rõ nguồn gốc vào VN, nếu không bị phát hiện giả mạo nguồn gốc thì có thể thuốc đã tràn vào các bệnh viện.
Một chuyên gia đấu thầu thuốc cho rằng thuốc chứa hoạt chất capecitabine tại VN không thiếu nên không nhất thiết phải cho nhập chuyến với nhiều lợi thế cho nhà nhập khẩu.
Thực tế tại VN, thuốc điều trị ung thư có cùng hoạt chất capecitabine như thuốc H-Capita đã có một số công ty trong nước sản xuất được.
LÊ THANH HÀ
Dễ bị hồ sơ giả trà trộn
Vụ việc VN Pharma qua mặt Cục Quản lý dược bằng các hồ sơ giả mạo và cơ quan công an đã bắt tổng giám đốc công ty và một người liên quan để điều tra là một trong những đề tài nóng tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trước khi bị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai chất vấn, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt cho biết Cục Quản lý dược hiện chưa có thông tin gì, chưa biết gì, còn đang đợi cơ quan công an thông báo, lúc đó mới xem xét, xử lý.
Một thông tin khác từ Cục Quản lý dược cũng cho biết mỗi năm cục cấp 5-6 đợt số đăng ký lưu hành thuốc, đợt nhiều nhất cấp tới 800 số đăng ký.
Tuy quy định yêu cầu 3-5 nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ trước khi trình hội đồng xét cấp đăng ký thuốc, nhưng thực tế rất khó thẩm định nếu hồ sơ là giả (như vụ việc VN Pharma) do số lượng hồ sơ quá nhiều.
Bên lề phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận ở TP.HCM có không ít thuốc nhập khẩu chuyến tham gia đấu thầu và trúng thầu, do quy định hiện hành chỉ yêu cầu thuốc có giấy phép nhập khẩu là được tham gia đấu thầu.
“Theo tôi, không nên để thuốc nhập chuyến tham gia đấu thầu rộng rãi. Đã là nhập chuyến thì nó chưa đảm bảo đủ các điều kiện để nhập khẩu chính thức và chỉ có giấy phép tạm thời” - bà Lan nói.
LAN ANH
|
tuổi trẻ
|