Béo bở mì gói - Kỳ 1: Hoa mắt với... mì
Với quy mô thị trường lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, mì gói đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn từ chị tiểu thương bán lẻ đến các “đại gia” sản xuất. Và để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã không tiếc tiền vung cho quảng cáo, tiếp thị...
Tại các chợ, siêu thị, quầy kệ dành cho mì gói luôn chiếm diện tích lớn nhất trong tất cả các ngành hàng, do lượng bán “khủng” của nó luôn dẫn đầu tốp nhóm hàng tiêu dùng nhanh được tiêu thụ... nhanh nhất.
Tích tiểu thành đại
Như thường lệ, chị Thu Hồng - tiểu thương chợ Rạch Ông (Q.8, TP.HCM) - mở cửa đón khách đi chợ sớm. Bột giặt, nước giặt được đưa lên phía trước cửa sạp rồi tới sữa, các loại bột ngọt, bột nêm, nước mắm. Mì gói đáng chú ý hơn cả khi chiếm gần như cả một tủ kính lớn của chị.
“Tính sơ sơ cũng phải 30-40 loại mì, nào mì chua cay, mì xào, mì khoai tây...nhiều lắm, nhớ không hết luôn đó chú” - chị Hồng hồ hởi nói.
Đi một vòng quanh chợ Rạch Ông, các tiệm tạp hóa hàng hóa chất như nêm nhưng tiệm nào cũng vậy, bên cạnh sản phẩm tẩy rửa, mì gói luôn chiếm diện tích lớn nhất quầy.
“Công ty nào cũng chào, cố gửi bán, thậm chí lên tới cả chục mặt hàng, chừng hơn một tháng lại xuất hiện loại mì mới” - chị Thủy, tiểu thương chợ Rạch Ông, cho hay.
Ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán lẻ trên đường Phan Văn Hớn (Hóc Môn) hay đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), nhiều chủ cửa hàng đều khẳng định bán mì gói vẫn “ngon lành” nhất, lời không nhiều nhưng bán đều đều, không ngày nào không bán được hàng.
Anh Đỗ Văn Trực (đường Nguyễn Thị Sóc, Hóc Môn) tính sơ sơ một thùng mì 24 gói thương hiệu Hảo Hảo của Công ty CP Acecook VN nhập về 92.000 đồng, nhưng bán hết 24 gói đó anh chỉ được lời 3.000 đồng, tức 125 đồng/gói.
Tương tự, mì được đánh giá là “mắc và sang” là Omachi của Công ty CP hàng tiêu dùng Masan nhập về tới 175.000 đồng/thùng 30 gói, bình quân gần 5.900 đồng/gói, nhưng bán ra 6.000 đồng/gói, tiền lời chỉ vỏn vẹn 100 đồng/gói.
Con số lợi nhuận bán lẻ thấp đáng kinh ngạc trong hoàn cảnh một loạt chi phí đua nhau tăng, nhưng người bán vẫn đua nhập hàng với lý do: ăn số lượng và để giữ khách. Chính vì lý do đó, con số tiêu thụ các loại mì cũng thuộc loại “khủng” trong các ngành hàng.
Theo nhẩm tính của anh Trực, với cửa hàng nhỏ của mình, mỗi ngày anh bán được 8-12 thùng Hảo Hảo, còn Gấu Đỏ (Công ty CP thực phẩm Á Châu), Omachi bán lẻ cũng 30-50 gói/ngày, “bỏ túi cũng được ít nhất 1,23 triệu đồng/tháng tiền lời bán mì”, vượt xa so với bán bột nêm, bột ngọt, sữa...
Nhìn vào dãy hàng mì các loại tại siêu thị Big C Pandora (Q.Tân Phú) sẽ thấy được sự cạnh tranh khốc liệt của nhóm hàng này. Một dãy hàng dài chừng 30m chỉ để trưng bày chật cứng các loại mì. Co.op Mart hay Lotte cũng không kém cạnh.
Tại hầu hết các siêu thị Co.op Mart, đơn vị này phải dành 2-3 dãy hàng dài cho các loại mì gói. Chị Lê Thị Mỹ Tuyết, nhân viên tiếp thị mì gói tại siêu thị Co.op Mart, cho biết chị thường xuyên đứng kệ nhưng chưa bao giờ thống kê nổi có bao nhiêu loại mì gói, chỉ biết là bình quân 1-2 tháng lại xuất hiện một nhãn hiệu mới tinh trên kệ.
Đại diện các siêu thị khẳng định mì gói chính là một trong những nhóm hàng có doanh số ổn định và luôn vượt trội nhất trong các ngành hàng, nhất là vào các dịp lễ tết, và luôn xuất hiện nhiều nhất trong các giỏ hàng của các bà nội trợ.
Doanh số khủng
Thực tế trên cũng phản ánh thói quen tiêu dùng đối với mì ăn liền của người Việt hiện nay. Theo báo cáo Brand Footprint 2014 do Kantar Worldpanel - tập đoàn đa quốc gia chuyên nghiên cứu thị trường thông qua hành vi người tiêu dùng - thực hiện, mì ăn liền là ngành hàng có vị thế quan trọng trong rổ hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) của người tiêu dùng VN, và là ngành hàng lớn nhất hiện nay.
Trong thời gian từ tháng 7-2013 đến tháng 6-2014, Kantar Worldpanel ghi nhận đã có khoảng 430 triệu gói mì được tiêu thụ ở khu vực thành thị của bốn thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) với tần suất cứ hai ngày một hộ ở thành thị tiêu thụ một gói mì ăn liền.
Riêng ở khu vực nông thôn, số lượng tiêu thụ khổng lồ, đạt khoảng 3,4 tỉ gói với tỉ suất một hộ gia đình nông thôn dùng 4 gói/tuần.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel VN, cho biết chỉ tính riêng khu vực nông thôn, tổng chi tiêu tại nhà dành cho mì gói trong khoảng thời gian khảo sát nói trên đã ở con số 10.093 tỉ đồng, với tỉ lệ hộ mua đạt tới 98%, lớn gấp chín lần so với mức 1.643 tỉ đồng mà người dân ở khu vực thành thị chi cho mì gói!
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, việc sản lượng tiêu thụ lẫn giá trị doanh thu mì gói tăng ở nông thôn càng cho thấy sức hút mãnh liệt từ khu vực này. “Đó cũng chính là lý do vì sao các công ty sản xuất mì liên tục ra sản phẩm mới, thậm chí lao vào đầu tư mới, nhưng chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm cơ bản có giá trung bình 2.000-3.500 đồng/gói, vì hơn 80% thị phần hiện nay đều tập trung vào dòng sản phẩm này. Còn phân khúc giá cao, từ 5.000 đồng/gói trở lên, chiếm khá khiêm tốn”.
Sức mua mì gói giữa thành thị và nông thôn
(*) Bốn thành phố TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ - Nguồn: Kantar Worldpanel
20 tỉ đồng là có nhà máy
Sức hấp dẫn của thị trường mì gói đã kéo theo không ít doanh nghiệp nhảy vào sản xuất. Theo ông B. - phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp sản xuất mì gói, không quá khó để “nhảy” vào đầu tư sản xuất mì gói bởi “công nghệ đơn giản, máy móc thiết bị không quá đắt tiền. Chỉ cần dưới 20 tỉ đồng thì có ngay một nhà máy sản xuất tương đối”.
Theo tiết lộ của vị này, với loại mì có giá bán trên thị trường ở mức dưới 2.500 đồng/gói (dòng sản phẩm thấp cấp), giá thành sản xuất chỉ tầm 1.300-1.400 đồng/gói, “ai làm giỏi chi phí có thể thấp hơn”. Sau khi bán đến nhà phân phối ở mức 2.100-2.200 đồng/gói, nhà sản xuất chỉ lời tối đa khoảng 500 đồng/gói. “Nhưng doanh nghiệp sản xuất chỉ thực lời khoảng 200 đồng/gói vì họ phải dành ra một khoản tiền hỗ trợ, trong đó bao gồm chi phí nhân viên bán hàng, thưởng cho nhà phân phối, lương nhân viên gián tiếp, chi phí vận chuyển, chi phí marketing...”.
Còn đối với dòng mì cao cấp, chi phí giá thành một gói mì khoảng 1.800-2.000 đồng và có thể bán được với giá 5.000 đồng/gói. “Về mặt lý thuyết, doanh nghiệp có thể lời 2.000 đồng/gói, nhưng họ phải dùng khoản tiền dôi ra để làm các công tác quảng bá... Bên cạnh đó, dù lời nhiều song do sức mua chỉ tập trung vào dòng thấp cấp nên lợi nhuận từ dòng sản phẩm này cũng không đáng kể” - ông này khẳng định.
Một chuyên gia trong ngành thực phẩm cho biết quan trọng nhất trong một sản phẩm mì gói tùy thuộc rất lớn vào khẩu vị nêm nếm của gói bột nêm. Còn chất lượng bột mì dường như không quan trọng, “bởi cần sử dụng bột ở chất lượng vừa phải, không cần cao cấp là đã đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng”.
Do vậy, yếu tố cạnh tranh về mặt công nghệ trong cùng lĩnh vực sản xuất mì của các doanh nghiệp gần như được loại bỏ “bởi công nghệ gần như giống nhau, không hề có yếu tố khác biệt quá lớn”. Và giá thành của mì chỉ có sự khác biệt khi doanh nghiệp sản xuất muốn sử dụng chất lượng bột mì cao cấp, thay vì dùng ở mức trung bình như hiện nay.
Vẫn theo vị chuyên gia này, công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới “thực chất không có gì phức tạp, nếu không muốn nói là khá rẻ khi việc cải tiến phần lớn được quyết định bởi các chất phụ gia, chất biến tính theo hướng tăng, giảm khẩu vị, độ dai nhiều hay dai ít cho sợi mì”. Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất chỉ cần có ý tưởng về việc cải tiến... bột nêm, hay sợi mì sao cho sát nhất với thị hiếu người tiêu dùng là ổn, đặc biệt cho từng vùng, miền cụ thể.
Theo các chuyên gia, chi phí thật sự đắt nhất, quan trọng nhất và khó nhất khi đầu tư vào ngành mì không phải là việc xây dựng một nhà máy sản xuất, mà nằm ở chỗ hệ thống phân phối và công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu.
TRẦN VŨ NGHI - DŨNG TUẤN
Tuổi trẻ
|