Cảm xúc và chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất ấn tượng trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9 năm 2014. Thị trường sôi động, các nhà đầu tư hào hứng cao độ, các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán chạy gần như hết công suất và mọi người dường như đều như đang đắm mình trong không khí tận hưởng-nhấm nháp cảm xúc thắng lợi theo cách riêng có của mình.
Không khí này khiến các nhà đầu tư nhớ lại thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2014 đầy náo nhiệt trên thị trường, tạm quên đi phần nào những rủi ro vốn có đã từng đẩy nó lên và kéo nó xuống, đầy cảm xúc đan xen: người xuýt xoa vì không mua, kẻ tiếc hùi hụi vì bán sớm quá và cũng không ít nhà đầu tư nhìn sắc màu xanh đỏ của VN-Index với con mắt vi mô-vĩ mô đầy ngờ vực như thể nó lại sắp rơi về mốc 600 điểm.
Cảm xúc và cảm nhận của nhà đầu tư đối với thị trường có tác động qua lại lẫn nhau. Cảm xúc về thị trường, cụ thể là những biến động không ngừng nghỉ sẽ tùy thuộc vào khả năng của mỗi nhà đầu tư trong việc cảm nhận hơi thở của nó. Ngược lại cảm xúc, tâm trạng của nhà đầu tư tại những thời điểm khác nhau đặc biệt là khi ở tình trạng lỗ hay lãi, cũng sẽ tác động mạnh trở lại đến sự cảm nhận của nhà đầu tư đối với những gì sẽ diễn ra tiếp theo trên thị trường. Cảm nhận tốt là khả năng có được do tố chất cùng với sự trải nghiệm tích lũy từ thực tế, là sự nhìn nhận bằng trực giác, nhận biết thực chất những gì đằng sau hiện tượng diễn ra, vì bản chất và hiện tượng thường không thống nhất với nhau. Có thể thấy điều này rõ ràng trên thị trường: biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thường hiếm khi kể câu chuyện thực về chính nó.
Cảm xúc rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự nhận định và ra quyết định của nhà đầu tư. Thông thường, người ta sẽ đánh giá một hoạt động hay một công nghệ nào đó không chỉ dựa trên những gì mà họ nghĩ về nó mà còn từ những gì mà họ cảm nhận về nó. Việc đánh giá cổ phiếu cũng vậy. Nếu nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu của một công ty nào đó thì suy nghĩ của họ sẽ bị kéo theo hướng đánh giá rủi ro của cổ phiếu đó ở mức thấp và lợi nhuận ở mức cao và họ sẽ có khuynh hướng ngược lại nếu họ không thích. Qua đó ta có thể thấy nhà đầu tư đã để cảm xúc chi phối sự nhìn nhận và đánh giá rủi ro-lợi ích trong các cơ hội đầu tư cổ phiếu, những tư duy và quyết định được sắp xếp bởi cảm xúc trải nghiệm từ quá khứ, với lập luận: Đã trải qua thì tin tưởng.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi các nhà đầu tư có được những kế hoạch chiến lược hay chiến thuật đầu tư có thể là cực kỳ hợp lý và khoa học thì việc áp dụng những kế hoạch đó đó có hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của nhà đầu tư: những cảm xúc kém sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, thậm chí có tính xương máu trên thị trường. Khi không kiểm soát tốt cảm xúc, các quyết định và hành động tức thời dễ được đưa ra, cụ thể như những thời điểm mà giá cổ phiếu tăng ồ ạt hay rớt thê thảm. Những lúc đó thị trường thay đổi nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của nhà đầu tư, do cảm xúc của họ đang bị cuốn theo sự tăng hay giảm của giá cổ phiếu. Các hệ thống phân tích, tư duy logíc bất lực do thực tế thị trường đã bị mã hóa thành hai cặp màu chủ yếu trên bảng giá là xanh-tím hay đỏ-xám chi phối tư duy và quyết định của nhà đầu tư.
Tất cả nhà đầu đều cẩn trọng với tiền bạc và quyết định đầu đầu tư của mình trên thị trường chứng khoán, đặc biệt cần chú ý khi suy luận sự liên quan giữa cảm nhận-cảm xúc của bản thân với nhận định thị trường. Mỗi nhà đầu tư đều có sự trải nghiệm khác nhau với hệ thống kinh nghiệm bản thân tích lũy từ quá khứ nên cảm nhận cũng rất khác nhau về thị trường. Nhà đầu có kiến thức, kiểm soát được cảm xúc, tách bạch giữa cảm xúc và lý trí sẽ có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn. Tất nhiên, phải hội tụ thêm một yếu tố không kém quan trọng nữa là may mắn, sẽ là những người bạn thực sự đồng hành cùng nhà đầu tư trên những chặng đường chúng khoán gập ghềnh.
Nguyễn Thanh Hà
|