9 tháng: Tổng mức bán lẻ tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước từ đầu năm đến nay đạt 2.145,5 nghìn tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn được xem là mức tăng thấp so với những năm trước đó.
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9 ước đạt 244,5 nghìn tỉ đồng, chỉ tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 186,1 nghìn tỉ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch trong tháng 9 này ước tính đạt 31.300 tỉ đồng, giảm 0,9% so tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 28,9 nghìn tỉ đồng, lần lượt giảm 0,8% so tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lữ hành đạt 2,4 nghìn tỉ đồng, giảm 2,5% so tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 2.145,5 nghìn tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% thì chỉ cao hơn mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm 2013.
Trong khi cũng theo số liệu do GSO công bố, vào năm ngoái tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 2.618 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so với năm trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trước đó. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ của Việt Nam trong năm 2013 tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng 6,5% của năm 2012 nhưng cao hơn mức tăng 4,4% của năm 2011.
Như vậy, mức tăng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay vẫn còn khá thấp.
Theo giới phân tích, mức bán lẻ những tháng đầu năm nay tăng nhẹ là do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, mặt bằng thu nhập chung cũng bị ảnh hưởng nên người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Người tiêu dùng vẫn tập trung mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho gia đình, trong khi hàng thời trang hoặc những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu khác thì bán rất chậm.
Các nhà bán lẻ hiện đại cũng cho rằng dù doanh thu từ đầu năm đến nay có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng việc tăng trưởng này do hệ thống bán hàng tăng lên, thực chất doanh số riêng từng siêu thị, hoặc từng cửa hàng thì không tăng; đồng thời yếu tố giá cả hàng hóa tăng lên cũng dẫn đến doanh số cao hơn.
Giới quan sát cho rằng, từ đầu năm đến nay đã chứng kiến nhiều chương trình xúc tiến bán hàng, khuyến mãi, giảm giá liên tục từ các nhà bán lẻ hiện đại quy mô lớn đến các cửa hàng nhỏ lẻ. Dù hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại thực hiện chương trình khuyến mãi và giảm giá nhiều sản phẩm hàng hóa nhưng sức mua chưa được cải thiện nhiều.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 216,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,1% tổng số và tăng 8,4%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 1.855,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 86,5%, tăng 11,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 72,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 3,4%, tăng 21,6%.
Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 1.617,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 75,4% tổng số và tăng 10,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 259,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 12,1% và tăng 11,9%; dịch vụ khác đạt 246,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 11,5% và tăng 12,5%; du lịch lữ hành đạt 22,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 1% và tăng 17,4%.
|
Lê Hoàng
tbktsg
|