Vốn ngân hàng vẫn đang luẩn quẩn
“20 năm nay, hệ thống ngân hàng luôn trong tình trạng xuống phòng cấp cứu, lên phòng điều trị rồi lại xuống cấp cứu. Nếu không chấp nhận thà một lần đau thì đừng nói đến nền tảng tín dụng bền vững”, một chuyên gia đã nhìn nhận như vậy khi giải thích một phần lý do thực tế tắc nghẽn tín dụng hiện nay.
Nhìn nhận về vấn đề vốn ngân hàng thiếu đầu ra, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay tổng cầu đang ở mức rất thấp là nguyên nhân lớn nhất cản trở tăng trưởng tín dụng.
Tốc độ xử lý số nợ xấu đã mua của VAMC rất mờ nhạt và có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu dồn thành núi, đông cứng tại VAMC
|
Ông nói: “Xét cho cùng, đã vay thì phải nhìn thấy hướng trả nợ. Đó là chưa nói đến việc rủi ro thị trường quá lớn khiến cho ngân hàng không dám làm liều, cán bộ tín dụng sợ bị hình sự hóa. Thay vào đó, tâm lý thận trọng đè nặng lên tất cả các quyết định cho vay”.
Tìm nơi cho vay như mò kim đáy bể
Theo vị lãnh đạo này, quan sát xuyên suốt thị trường, các địa chỉ đầu tư đều không rõ ràng: tổng công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước đang phải đánh vật với các đề án cổ phần hóa; khu vực doanh nghiệp tư nhân đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn, số thì phá sản ngưng hoạt động, số khác muốn phát triển thì vốn ít, hệ số đòn bẩy tài chính cao; hộ nông dân muốn tiêu thụ nông sản thì không có đầu ra. Trong tình trạng như vậy, không ai muốn trở thành con nợ ngân hàng mãi mãi.
Ở một khu vực khác là các doanh nghiệp FDI, mặc dù đạt được mức tăng trưởng và lợi nhuận cao, mỗi năm họ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cỡ 9 tỷ USD nhưng họ lại không vay vốn ngân hàng trong nước do chi phí đắt đỏ hơn so với vay nước ngoài.
Điểm thứ hai là nút thắt nợ xấu. Khi nợ cũ còn dềnh lên chưa xử lý được thì không thể nào cho vay tiếp vì dòng vốn không được khơi thông. Trong khi đó, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thành lập nhưng chưa tạo ra cho đơn vị này những quyền lực đặc biệt.
Trên thực tế, VAMC và các tổ chức tín dụng muốn giải quyết một món nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, đều không được vì “đụng đâu, vướng đó”.
Ví dụ, muốn phát mại một tài sản là căn nhà thì phải mua một căn nhà khác cho con nợ với lý do Hiến pháp đã quy định “mọi công dân có quyền có nhà ở”.
Vì thế, cần phải đặt ngược vấn đề: Hiến pháp và các bộ luật là để bảo vệ những công dân chấp hành nghiêm túc các quy định luật pháp và giao ước trong làm ăn, chứ không thể để bảo vệ những trường hợp chầy bửa, vay ngân hàng rồi quỵt nợ.
Điểm thứ ba, tín dụng bao giờ cũng phải đi theo sau sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế. Nhưng hàng chục năm qua, công nghiệp phụ trợ chưa gặt hái được gì nhiều, công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản cũng vậy, tài nguyên khoáng sản luôn xuất khẩu thô.
Thế nên, nếu cứ đẩy tín dụng vào đó thì chỉ thu được được những kết quả trước mắt mà không tạo ra sự bền vững trong mối quan hệ vốn và sản xuất một cách bền vững.
Hết “cấp cứu” lại đến “điều trị”
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, cần phải đặt câu chuyện tắc nghẽn tín dụng trong việc giải quyết tổng thể các vấn đề vĩ mô mà đầu tiên là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Theo ông, hai chục năm qua, hệ thống ngân hàng cứ loanh quanh giữa phòng cấp cứu với điều trị. Ví như giai đoạn 2001 - 2007, hệ thống ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 14 - 15% tổng dư nợ, kèm theo đó là khủng hoảng từ vụ Epco Minh Phụng. Giai đoạn này đã giải quyết khá thành công nợ xấu và xử lý được khoảng 15 ngân hàng yếu kém.
“Nhưng đó mới chỉ là mổ được khối u, chưa kịp xạ trị, hóa trị, chưa kịp đưa các chuẩn mực hiện đại vào hệ thống theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ thì phải dừng lại. Đến giai đoạn sau, những kết luận và chỉ đạo trên đã bị quên một cách... lãng xẹt và hệ thống ngân hàng lại phải vào phòng cấp cứu”, ông Nghĩa nói.
Cứ như vậy, từ năm 2011, sự tồn tại của hệ thống ngân hàng kèm theo đó là vô số “thương tích”: nợ xấu tăng khủng khiếp, dự trữ ngoại tệ suy giảm đến mức một vài định chế tài chính quốc tế đã khuyên Chính phủ nên nhờ cứu trợ từ bên ngoài.
Cùng đó, sở hữu chéo lũng đoạn trầm trọng, kỷ cương kỷ luật hoạt động của ngành bị suy giảm, đạo đức kinh doanh xuống cấp.
Vài năm gần đây, ngành ngân hàng đã giải quyết được một số việc quan trọng như: khôi phục dự trữ ngoại tệ ở mức cao; loại bỏ rủi ro của vàng khỏi hệ thống ngân hàng và ổn định thị trường vàng; ổn định thanh khoản và xử lý được một số ngân hàng yếu kém.
Ông cũng cho rằng, cùng với cải cách hệ thống ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tập trung xử lý vấn đề nợ xấu, không được để hụt hơi như hiện nay. Trên thực tế, dù đã thành lập VAMC nhưng là theo kiểu “mua bò nhưng không làm chuồng”, không tạo ra cho định chế này những quyền lực cần thiết, trong khi năng lực tài chính (thông qua trái phiếu đặc biệt) cũng bị hạn chế.
Thế nên, tốc độ xử lý số nợ xấu đã mua của VAMC rất mờ nhạt và có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu dồn thành núi, đông cứng tại VAMC.
Nguyễn Hoài
vneconomy
|