Thứ Năm, 07/08/2014 09:45

VIB đã thay đổi như thế nào?

Dù hành trình còn dài, câu chuyện ở Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBank) trong ba năm vừa qua là một ví dụ về sự thay đổi ban đầu của một ngân hàng nội địa đang nỗ lực tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Tỷ lệ an toàn vốn của VIB (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR) tính đến hết tháng 6-2014 ở mức 17,5%, nằm trong số ít ngân hàng có hệ số CAR cao ở thời điểm hiện nay.

CAR (Capital Adequacy Ratio) là chỉ tiêu quan trọng phản ánh sức khỏe thực sự của một ngân hàng. Hệ số CAR càng cao tức ngân hàng càng dễ dàng đối phó khi có những rủi ro như khách hàng rút tiền nhiều, thiếu hụt thanh khoản, trả nợ các khoản vay... CAR như một tấm khiên chống lại những cú sốc về tài chính, giúp ngân hàng tự bảo vệ mình và người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 2010 đã yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ này ở mức tối thiểu 9%. Theo công bố của NHNN, CAR tại ngày 31-5-2014 của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 13,28%. Riêng trong khối ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này là 12,28%, khối ngân hàng gốc quốc doanh chỉ là 10,70%. Tại nhiều nước, CAR đặt ra cho các ngân hàng tối thiểu là 12%.

Các ngân hàng nếu muốn tăng tỷ lệ an toàn vốn thì hoặc là tăng vốn tự có hoặc giảm tài sản có rủi ro. Nhưng giảm tài sản đồng nghĩa với giảm quy mô, giảm hoạt động tạo lợi nhuận và thu hẹp thị phần của ngân hàng đó. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, việc tăng vốn tự có cũng không dễ thực hiện do dòng vốn đầu tư không còn dồi dào, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư rất khác biệt cũng như tỷ suất sinh lợi của ngành ngân hàng không còn đủ sức hấp dẫn.

Bên cạnh đó, trong suốt hai năm qua, các ngân hàng luôn trăn trở với câu hỏi sẽ trích lập dự phòng cho nợ xấu tới đâu, điều chỉnh tài sản như thế nào. Minh bạch về chất lượng tài sản và sức khỏe tài chính là điều mà mọi ngân hàng nỗ lực thực hiện. Việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu một cách đầy đủ đòi hỏi sự dũng cảm và quyết tâm của người điều hành ngân hàng.

Sớm lo dự phòng rủi ro

Với trường hợp VIB, điểm đáng chú ý là sự xoay chuyển mạnh trong hành động. Cuối năm 2011, VIB công bố con số trích lập dự phòng rủi ro lên tới 974 tỉ đồng cho cả năm 2011. Con số đó rất cao so với các ngân hàng khác có quy mô tương đương VIB. Hết năm 2012, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục được ghi nhận là 744 tỉ đồng.

Không chỉ có thế, khác với một số ngân hàng, thời điểm 2012, VIB chấp nhận giảm tăng trưởng tín dụng, tức chấp nhận giảm quy mô tạo lợi nhuận. Điều này xuất phát từ chủ trương kiểm soát chặt hoạt động tín dụng, tăng cường quản trị rủi ro của VIB. Bên cạnh đó, VIB cũng điều chỉnh giảm chỉ tiêu huy động, do dự đoán thị trường có thể bước vào giai đoạn trầm lắng và thanh khoản sẽ dư thừa.

“Việc trích lập dự phòng thể hiện dự đoán của người điều hành về khả năng xấu đi của thị trường và chuẩn bị tâm thế cho ngân hàng nếu tình hình tiếp tục xấu hơn”, Ông Hàn Ngọc Vũ , Tổng giám đốc VIB đã nói với TBKTSG. Cuối năm 2013, mặc dù thu nhập lãi thuần giảm mạnh nhưng VIB tiếp tục trích lập cả ngàn tỉ đồng. “Chúng tôi đã áp dụng chuẩn về trích lập rủi ro theo Thông tư 02/09 của NHNN từ nhiều năm trước, do vậy không bị ảnh hưởng nhiều sau khi Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-6-2014”, ông Vũ cho biết. Sau bốn năm liên tiếp, trích lập dự phòng rủi ro của VIB đã lên đến 3.044 tỉ đồng.

Lợi thế từ đối tác chiến lược

VIB còn có những bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng hệ thống, thay đổi cơ sở khách hàng, tinh gọn bộ máy và hiệu suất cao hơn. Chi phí hoạt động dịch vụ cuối 2013 giảm mạnh từ 106 tỉ xuống còn 89 tỉ đồng nhưng thu nhập từ dịch vụ tăng từ 233 tỉ lên 254 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 127 lên 165 tỉ đồng.

Từ năm 2010, Commonwealth Bank of Australia - CBA, một ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Úc, có hơn 100 năm kinh nghiệm, đứng trong nhóm 10 ngân hàng lớn nhất toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường, trở thành cổ đông chiến lược của VIB. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, việc có một đối tác chiến lược tin cậy như CBA là một lợi thế rất lớn của VIB.

Các chuyên gia từ CBA đã tích cực tư vấn, chuyển giao công nghệ cũng như tham gia điều hành, triển khai trên thực tế vào một số hoạt động bán lẻ, công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử... Một trong những dự án có sự hỗ trợ của CBA có thể kể đến là hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) được áp dụng tại VIB, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay cho khách hàng, tăng cường khả năng quản trị rủi ro, giảm nợ xấu và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Sự hỗ trợ của CBA đối với VIB cho đến thời điểm này đã và đang phát huy hiệu quả và đem đến những giá trị thiết thực cho VIB. Cho vay cá nhân cuối tháng 6-2014 của VIB chiếm tỷ trọng 46% trên tổng cho vay và tăng trưởng tốt ở những sản phẩm sinh lời cao, rủi ro thấp. Mặc dù tăng trưởng chỉ ở mức trung bình của ngành nhưng chất lượng tăng trưởng của VIB được thị trường đánh giá ở mức tốt.

“CBA sẽ tiếp tục tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp VIB nâng cao năng lực kinh doanh. Tất cả những thay đổi là nhằm giúp VIB củng cố nội lực, để khi giai đoạn khó khăn qua đi, thị trường phục hồi, ngân hàng sẽ có đủ thực lực nắm bắt các cơ hội và trở nên khởi sắc”, ông Vũ nói.

Trong bức tranh chung của ngành những năm vừa qua, VIB đã tạo được điểm nhấn khi tập trung vào những hoạt động kinh doanh cốt lõi và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, VIB không phải không có những thách thức, như vấn đề xáo trộn nhân sự ở các cấp; thách thức trong việc chinh phục thị trường phía Nam; việc làm sao thu hẹp khoảng cách giữa huy động và cho vay để tăng hiệu quả...

Cuộc phẫu thuật nào cũng đau đớn nhưng không vô ích. VIB đã tự đối diện các vấn đề nội tại sớm hơn các ngân hàng khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các số đo tài chính được cải thiện đã đưa VIB vào một trong số ít ngân hàng Việt Nam tiến nhanh hơn đến các chuẩn mực quản trị rủi ro của Basel II (là chuẩn mực được áp dụng nhiều nhất tại các ngân hàng trên thế giới hiện nay). Cơ quan quản lý đã đưa ra mục tiêu trước mắt là áp dụng Basel II với 10 ngân hàng thương mại vào năm 2015, sau đó là toàn hệ thống. VIB là một trong 10 ngân hàng đầu tiên được lựa chọn triển khai tuân thủ Basel II.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014

- Lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỉ đồng, tăng 26% (quy đổi theo năm) so với năm 2013.

- Trích lập dự phòng 447 tỉ đồng cho 6 tháng đầu năm 2014.

- Dư nợ 36.235 tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2013.

- Vốn chủ sở hữu 8.075 tỉ đồng.

- Nợ xấu của VIB là 2,77%.

- Quỹ dự phòng rủi ro lũy kế (sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro) là trên 1.700 tỉ đồng.


Trường Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngân hàng “mở cửa” cho vay không cần tài sản bảo đảm (07/08/2014)

>   'Ngân hàng phải làm đẹp mình trước làn sóng M&A mới' (07/08/2014)

>   Áp lực lớn buộc các ngân hàng tích cực “đẩy tiền” để tăng tín dụng (06/08/2014)

>   CEO NamABank: Muốn thành công phải tạo sự khác biệt (06/08/2014)

>   OceanBank được sửa vốn điều lệ trong giấy phép lên 4,000 tỷ đồng (06/08/2014)

>   Ngân hàng thích ‘vết xe đổ’? (06/08/2014)

>   Truy tố 8 cán bộ ngân hàng Vietinbank và VDB trong vụ án Công ty An Khang (05/08/2014)

>   2.000 tỷ đồng lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ (05/08/2014)

>   TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng 7 tháng tăng 3,35% (05/08/2014)

>   Chính phủ thúc xử lý nợ xấu, quyết liệt giải ngân gói 30.000 tỷ (05/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật