CEO NamABank: Muốn thành công phải tạo sự khác biệt
Có thể nói, dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang là một trong những phân khúc thị trường được các NHTM nhắm tới. Tuy nhiên, làm thế nào để cạnh tranh được thì không phải ngân hàng nào cũng biết. Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngô Phúc Vũ – Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) xoay quanh vấn đề này.
- Trong cuộc đua bán lẻ giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, những yếu tố nào để tạo nên môt Ngân hàng bán lẻ tốt nhất, thưa ông?
Chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ đang gần như là “xu hướng” được rất nhiều NHTM theo đuổi và các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng giờ đây đã trở nên phổ cập hóa và tiện ích hơn rất nhiều. Đó chính là những yếu tố khiến khách hàng khó tìm ra điểm khác biệt giữa các NHTM về sản phẩm dịch vụ, dẫn tới yếu tố cá tính thương hiệu đang bị “dàn đều” như nhau.
Vì thế, để trở thành một ngân hàng bán lẻ tốt nhất trong thị trường tài chính, các ngân hàng cần phải tạo ra sự khác biệt.
Hiện nay, NamABank đang chú trọng đến việc cải tiến chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng, trình độ chuyên môn, cung cách phục vụ và sản phẩm dịch vụ cạnh tranh. Tất cả sự cải tiến này được NamABank lấy Công nghệ thông tin làm nòng cốt phát triển và làm nền tảng tiến nhanh trong hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng về quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ – Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng Nam Á
|
- Có một vài ý kiến cho rằng để cung cấp dịch vụ tốt thì phải có nhân sự tốt. Vậy thời gian qua, NamABank đã có những bước chuẩn bị như thế nào cho vấn đề nhân sự?
NamABank luôn chú trọng đến việc xây dựng nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để tạo ra giá trị đặc trưng và phù hợp với giai đoạn phát triển mới của NamABank. NamABank luôn hiểu rằng Nhân sự là tài sản vô giá và là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công và đóng góp vào quá trình hình thành, phát triển.
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tin tưởng giao NamABank tự tái cơ cấu hệ thống bằng chính nội lực đang có. Theo đó, NamABank đã tiến hành cơ cấu nhân sự tập trung cho kinh doanh, nâng cao tỉ lệ nhân sự kinh doanh đồng thời luôn đi kèm với những chính sách nhân sự rõ ràng, tạo được sự đồng thuận trong toàn thể CBNV.
Đồng thời, NamABank cũng luôn chú trọng đến các chính sách đãi ngộ CBNV thỏa đáng, tạo điều kiện thu hút nhân tài tận tâm và gắn bó lâu dài với Ngân hàng.
- Ông suy nghĩ như thế nào về phân khúc khách hàng trong bán lẻ NH? Và đâu là phân khúc của NamABank?
Định hướng khách hàng mục tiêu trong thời gian tới của NamABank là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Ngoài ra, NamABank đang ưu tiên tăng cường tiếp cận trực tiếp, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng các gói dịch vụ sản phẩm cụ thể, phù hợp trên cơ sở thấu hiểu, sẻ chia, cùng tháo gỡ những khó khăn tài chính và hỗ trợ khách hàng cùng phát triển.
Đối với khách hàng cá nhân, NamABank đang tập trung đầu tư toàn diện vào hệ thống công nghệ và tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại, gói gọn trong một sản phẩm mang lại tiện ích và thuận tiện, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Đồng thời tập trung xây dựng các chương trình, sản phẩm trọn gói, được thiết kế đa tiện ích (kết hợp các tính năng, ưu đãi của nhiều sản phẩm dịch vụ như tiền gửi, tín dụng, thanh toán, ngân hàng điện tử…) nhằm gia tăng tần suất sử dụng và khai thác hiệu quả tối đa từ khách hàng.
Ngoài ra, một trong những hoạt động đang được đẩy mạnh hiện nay đó là xây dựng lại chuẩn nhận diện thương hiệu với những thay đổi về cấu trúc mô hình giao dịch từ ngồi sang đứng, không gian với màu sắc ấm áp thân thiện, khu vực ngồi chờ được trang bị tiện nghi; đồng thời, quy trình nghiệp vụ sẽ được rút giản tối đa để tiết kiệm thời gian giao dịch nhất cho khách hàng.
Hồng Sơn thực hiện
dđdn
|