Khó tăng tín dụng bằng cho vay tín chấp
Yêu cầu các ngân hàng (NH) mở rộng cho vay tín chấp của NH Nhà nước được xem như phao cứu sinh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các NH lại tỏ ra e ngại khi mở rộng hình thức cho vay này.
* Ngân hàng “mở cửa” cho vay không cần tài sản bảo đảm
Do bị ngân hàng xếp vào nhóm rủi ro, thời gian qua các doanh nghiệp ngành giấy
đã vất vả xoay xở vốn để duy trì hoạt động
|
Trong sáu tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đạt 3,52% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, theo NH Nhà nước, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải phấn đấu tăng trưởng tín dụng ở mức 10%, dù nhiệm vụ này là thách thức.
Doanh nghiệp vừa chờ, vừa lo
Ông Lâm An Dậu, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giấy tập Vĩnh Tiến, nói thời gian qua nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn do không còn tài sản để thế chấp, nhất là doanh nghiệp đã lỡ dính vào bất động sản. Do đó, nếu NH mở rộng cho vay tín chấp sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có vốn để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Dậu, việc áp dụng vào thực tế không dễ.
“NH phải đảm bảo an toàn nguồn vốn, hơn nữa khó khăn kéo dài nhiều năm qua cũng khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả” - ông Dậu nói.
Cần thêm nhiều biện pháp khác
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết tính riêng trong chương trình kết nối NH với doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, các khoản vay tín chấp chiếm 17-18% trên tổng hạn mức vay vốn.
Theo ông Minh, việc NH Nhà nước yêu cầu tăng cường khả năng cho vay tín chấp là điều kiện thuận lợi để các NH gia tăng tín dụng nhưng những hệ quả nợ xấu để lại thời gian qua cũng khiến các NH đắn đo.
“Muốn tín dụng phát triển cần thêm nhiều biện pháp khác chứ không chỉ mở rộng điều kiện cho vay” - ông Minh nói.
|
Theo ông Dậu, muốn chính sách này đi vào đời sống cần tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các NH. Phía NH cũng phải tích cực hơn trong việc đánh giá phân loại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đang vướng nợ xấu, còn nợ quá hạn, hoặc lý lịch doanh nghiệp không “sạch” đủ ba năm theo yêu cầu của NH thì cần tách bạch ra. Doanh nghiệp nào còn nợ, nhưng vẫn có điều kiện và cơ hội kinh doanh thì cứ cho vay. Còn doanh nghiệp không thể tái sản xuất được nữa thì NH hãy từ chối.
Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, cho rằng đến bây giờ NH mới cởi mở cho vay tín chấp đã là muộn, nếu sớm hơn thì các doanh nghiệp đã không lún sâu vào khó khăn như hiện nay.
“Công ty tôi từng có thời điểm cần nguồn vốn vay để duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng đến mức ngoài tài sản đã thế chấp tôi còn thế chấp luôn...cổ phiếu của mình nhưng vẫn bị lọt sổ bởi NH xếp ngành giấy vào nhóm rủi ro, không khuyến khích cho vay, thậm chí thuộc diện giảm dần dư nợ nên doanh nghiệp rất vất vả mới duy trì được sản xuất” - ông Vị nói.
Tuy nhiên, ông Vị cũng kỳ vọng sau khi khoản vay 500 tỉ đồng với lãi suất dưới 9%/năm đáo hạn trong thời gian tới, công ty sẽ có cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn và bằng hình thức tín chấp.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp dệt may cho rằng chủ trương này rất khó khả thi, bởi các NH bị ràng buộc rất nhiều quy định pháp luật về các hình thức cho vay. Nếu yêu cầu NH phải xét theo các tiêu chí ngặt nghèo, rất khó có doanh nghiệp đáp ứng được vì họ đã gặp khó khăn trong thời gian quá dài.
Cũng theo vị này, nếu đã chấp nhận tín chấp, NH phải loại bỏ các điều khoản có thể làm khó doanh nghiệp như đang vướng nợ xấu, còn nợ quá hạn, hết tài sản thế chấp...
Thay vào đó, NH sẽ nhìn vào tiềm năng thị trường, quản trị doanh nghiệp, quy mô sản xuất, cơ hội thị trường... thì may ra chủ trương này mới thực hiện được.
Ngân hàng không thể nắm dao đằng lưỡi
Trong khi các doanh nghiệp không mấy tin tưởng chủ trương này đi vào thực tiễn, các NH cũng bày tỏ lo ngại rủi ro khi đẩy mạnh cho vay theo hình thức tín chấp. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn nói từ trước đến nay hình thức cho vay tín chấp chỉ áp dụng với cá nhân là nhiều, còn giới hạn với doanh nghiệp vì rủi ro rất cao.
“Khi kinh tế đi lên thì đợt sóng sau trào lên che đi đợt sóng trước, nhưng hiện nay kinh tế đi xuống khiến nợ xấu dần lộ ra. Trong bối cảnh này đâu NH nào muốn cho vay tín chấp. Thời gian rồi nhiều NH thay vì cho vay đã đi mua trái phiếu Chính phủ là vì vậy” - vị này nói.
Theo vị này, trong tình cảnh tín dụng tăng thấp như hiện nay, việc NH Nhà nước yêu cầu các NH xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm của khách hàng kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của NH để tăng cường khả năng cho vay tín chấp được xem như là động thái nhằm thúc đẩy tín dụng vì khi cho vay tín chấp chắc chắn đầu ra dễ dàng hơn nhiều so với cho vay có tài sản đảm bảo.
Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc NH Sacombank, cũng cho biết tỉ lệ cho vay tín chấp tại NH chỉ từ 2-3% dư nợ vì hình thức cho vay này rất rủi ro, đặc biệt với doanh nghiệp vay lớn. Nếu quản lý nguồn thu không chặt, khả năng dính nợ xấu rất cao.
“Nhiều doanh nghiệp nói có phương án kinh doanh tốt nhưng khó thẩm định, hoặc doanh nghiệp trình bày một đường nhưng NH thẩm định lại không đúng, do vậy rất khó để xét cho vay tín chấp” - ông Khang nói.
Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch HĐQT NH Phương Đông (OCB), nói thời gian qua vẫn có doanh nghiệp được NH cho vay tín chấp nhưng chủ yếu là tín chấp một phần, tỉ lệ bao nhiêu còn tùy theo xếp loại doanh nghiệp. Lãnh đạo nhiều NH cổ phần cũng chung quan điểm này.
Theo các NH này, các NH cổ phần bao giờ cũng xem xét yếu tố rủi ro trước hết. Đặc biệt trong lúc các NH đang tất bật xử lý hệ quả nợ xấu để lại trước đây thì sẽ không bao giờ muốn đẻ thêm các món nợ xấu mới vì khi đó xử lý nợ xấu sẽ càng phức tạp hơn.
Giám sát nguồn thu để đảm bảo khoản cho vay tín chấp?
Để giám sát hiệu quả đồng vốn cho vay, theo các doanh nghiệp, NH cần đồng ý cho doanh nghiệp thế chấp nguồn thu sau khi doanh nghiệp có đơn đặt hàng, có hợp đồng xuất khẩu.
Đồng thời, NH cử người giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, từ mua bán nguyên liệu sản xuất cho đến khi giao hàng.
Sau khi bán hàng xong, doanh nghiệp sẽ yêu cầu bên mua chuyển thẳng số tiền đã vay vào tài khoản của NH. Nếu làm được điều này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn đối ứng để tái hoạt động, cũng như có thêm động lực để sắp xếp lại chiến lược sản xuất theo hướng chủ động hơn.
Hiện nhiều NH đòi ký hợp đồng ba bên ngay từ đầu, rất khó cho cả doanh nghiệp lẫn người mua hàng.
|
Ánh Hồng - Trần Vũ Nghi
Tuổi trẻ
|