Thuế cao, nhiều doanh nghiệp Mỹ rời “đại bản doanh”
Không chỉ các cá nhân, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm đường chuyển "đại bản doanh" sang các nước khác có môi trường đầu tư tương đương.
Nếu một doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh tại Mỹ nhưng có chi nhánh ở nước tại Anh thì mỗi đồng tiền làm ra tại Anh, chi nhánh phải đóng thuế 25%. Nhưng nếu số tiền này được chuyển về công ty mẹ hoặc đầu tư trở lại Mỹ sẽ phải chịu thêm khoản thuế thu nhập 35%, mức thuế cao nhất nhì thế giới. Đó là lý do, nhiều doanh nghiệp co gọn sản xuất tại Mỹ hoặc chuyển hẳn sang các nước khác.
Ông Glenn Beck, Phụ trách mục chính trị tại Fox News cho rằng: “Các doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trong khi mức thuế gần 40% là quá vô lý và khắc nghiệt. Là những doanh nghiệp toàn cầu, họ phải nghĩ tới lợi ích của họ trước”.
Trong khi đó, Tổng thống Obama lại có lý lẽ riêng của mình. “Giờ đang có một xu hướng đe dọa tới nền kinh tế Mỹ đó là không ít doanh nghiệp lớn, dù đang làm ăn có lãi, vẫn tìm cách rời Mỹ chỉ vì trốn nghĩa vụ đóng thuế. Xu hướng này không chỉ mang việc làm sang cho nước khác mà còn khiến thâm hụt ngân sách ngày càng tăng” – ông Obama cho biết.
Tuy nhiên trong bài phát biểu này, ông Obama cũng không quên nhắc tới đạo luật cải cách thuế mà chính phủ nước này đang áp dụng. Đó là giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay từ 35% xuống 25% nhưng lộ trình tới năm 2023.
Như vậy, trong khoảng 10 năm nữa, doanh nghiệp Mỹ mới có thể được hưởng mức thuế thu nhập ngang bằng với mức thuế của các nước phát triển khác ở thời điểm hiện tại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chừng nào thuế còn cao, họ còn chạy khỏi Mỹ để né thuế.
Đối với Mỹ, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng mong manh, thâm hụt ngân sách gia tăng vì vậy siết chặt quản lý thuế vẫn là lựa chọn khó thay đổi… Đây được cho là một trong những chiếc vòng luẩn quẩn mà kinh tế Mỹ đang vướng phải.
Lê Tuyển
VTV
|