Trung Quốc: Không dễ tư nhân hóa DN Nhà nước
Trung Quốc đang thúc đẩy vòng mới của tiến trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định so với vòng tư nhân hóa DNNN đầu tiên mang tính khai sáng cách đây gần 20 năm, hiện nay Trung Quốc muốn tư nhân hóa DNNN không dễ.
So với cách đây gần 20 năm, hiện chính quyền địa phương muốn
tư nhân hóa DNNN không dễ.
|
Tại phiên họp toàn thể lần ba của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 18 ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, cuối năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vòng mới của làn sóng cải cách DNNN nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường sức sống của DNNN. Theo đó, các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh… bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình cải cách DNNN. Đặc biệt, Thượng Hải có kế hoạch tư nhân hóa hơn 60% DNNN.
Trong thực tế, trước khi Bắc Kinh công bố vòng mới chương trình cải cách DNNN, các chính quyền địa phương đã công bố kế hoạch tư nhân hóa một phần một số lượng lớn DNNN nhưng hiệu quả thực hiện không rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng năm nay là năm quan trọng để tăng cường cải cách DNNN.
Trung Quốc hiện có tổng cộng 155.000 DNNN. Các chính quyền địa phương kiểm soát 2/3 tổng số DNNN trên cả nước. Trong làn sóng tái cơ cấu lần này, DNNN trung ương (thường quy mô càng lớn, lợi nhuận càng tốt) cũng không tránh khỏi tư nhân hóa.
Tháng 3-2014, tập đoàn tài chính Citic, một trong những DNNN lớn nhất của Trung Quốc, công bố kế hoạch bán 37 tỉ đô la Mỹ cổ phần của công ty con tại Hồng Kông là Citic Pacific. Citic là được coi là DNNN đi tiên phong trong vòng mới tư nhân hóa DNNN của Trung Quốc.
Tháng 5-2014, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (PetroChina) thông báo sẽ chuyển nhượng cổ phần của Công ty đường ống miền đông, công ty con của PetroChina vừa được thành lập, và sẽ tiếp tục chuyển nhượng tài sản của PetroChina trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng đây là phản ứng tích cực mở đầu cho việc cải cách của PetroChina. PetroChina hiện là tập đoàn lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ ba thế giới trong số 50 tập đoàn dầu khí toàn cầu.
Trong tháng 5-2014, Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) cũng công bố bán 30% cổ phần của công ty con là Công ty TNHH hóa dầu Trung Quốc cho tư nhân.
Đến tháng 7-2014, chính phủ Trung Quốc công bố cho tư nhân đầu tư sáu DNNN trực thuộc trung ương, trong đó có Công ty khai thác và đầu tư quốc gia Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng việc tư nhân hóa DNNN trong khu vực phi chiến lược sẽ giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Bán DNNN để trả nợ?
Nợ nần nghiêm trọng, lợi nhuận kém, hiệu quả thấp và năng suất dư thừa là những yếu tố khiến các DNNN phải tìm kiếm nhà đầu tư.
Từ lâu, DNNN Trung Quốc đã trở thành sân chơi của quyền lực, tiền bạc và sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nhân. DNNN trực thuộc trung ương chiếm vị trí gần như độc quyền trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng và viễn thông, dẫn đến lãng phí và tham nhũng. Trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động, hàng chục giám đốc điều hành DNNN của trung ương bị sa thải là một minh chứng.
Theo ước tính mới nhất của ngân hàng Standard Chartered, đến cuối tháng 6-2014, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 251% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mức 147% GDP năm 2008. Trong đó, đa số nợ nằm trong DNNN hoặc các quỹ đầu tư của chính quyền địa phương. Các phương tiện truyền thông cho biết việc bán cổ phần trong DNNN sẽ giúp chính quyền địa phương trả khoản nợ hơn 2.900 tỉ đô la Mỹ, tương đương 58% GDP.
Hiện, khoản nợ của các chính quyền địa phương đang thúc đẩy vòng mới của quá trình tư nhân hóa DNNN. Cựu thư ký phụ trách thị trường Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB) và cũng là quan chức cao nhất của Bộ Tài chính Mỹ ở Trung Quốc, đã nghỉ hưu vào năm ngoái, ông David Dollar cho biết: "Vấn đề nợ của các chính quyền địa phương là động lực quan trọng để tư nhân hóa DNNN. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương vay nợ quá nhiều sẽ rất khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là sau khi lãi suất tăng lên trong môi trường tự do hóa tài chính".
Muốn tư nhân hóa không dễ như trước
Trong vòng tư nhân hóa DNNN đầu tiên cách đây gần 20 năm, dưới khẩu hiệu "bắt lớn, buông nhỏ", hàng ngàn DNNN yếu kém của trung ương và địa phương được tư nhân hóa hoặc tuyên bố phá sản. Các DNNN hoạt động hiệu quả hơn được cơ cấu lại hoặc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, huy động được hàng trăm tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, những yếu tố này khiến các DNNN tìm kiếm nhà đầu tư như nợ nần nghiêm trọng, lợi nhuận kém, hiệu quả thấp và năng suất dư thừa cũng chính là những yếu tố xua đuổi nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư hiện chưa rõ chính quyền địa phương có sẵn sàng chuyển giao quyền kiểm soát DNNN hay chỉ bán thiểu số cổ phần.
Công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics, trụ sở tại Bắc Kinh, ước tính sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, chênh lệch năng suất giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân được mở rộng. Năm 2008, Trung Quốc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với sắc lệnh chính trị yêu cầu DNNN thông qua đầu tư hỗ trợ nền kinh tế đã tác động đến cân đối kế toán của DNNN, làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản. Hiện, tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên tài sản của DNNN khoảng 4,6%, trong khi của doanh nghiệp tư nhân khoảng 9,1%.
Theo cuộc tổng điều tra kinh tế do Trung Quốc thực hiện năm 2008, DNNN chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trên cả nước nhưng kiểm soát đến 30% tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp phi nông nghiệp. Nếu xét tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản, DNNN kém hiệu quả là vấn đề bất thường.
Nhà nghiên cứu cao cấp Yukon Huang của Quỹ Carnegie Endowment for International Peace tại Washington nói:"Tôi nghĩ về mặt quản lý, việc bán cổ phần thiểu số trong các DNNN sẽ không có nhiều ý nghĩa. Về cơ bản, điều này phụ thuộc vào việc kiểm soát doanh nghiệp là ai, cấp quản lý của công ty là kết quả của sự lựa chọn mag tính chính trị hay thương mại".
Phúc Minh
tbktsg
|