Thiên đường “hàng hiệu giả” ở Trung Quốc
Nhiều mặt hàng hiệu cao cấp giả như thật được buôn bán tưng bừng ở một số khu mua sắm lớn tại Trung Quốc.
Hải quan Mỹ công bố việc bắt giữ 1.500 túi xách giả hiệu Hermes làm ở Trung Quốc.
|
Chính quyền nước này cũng tỏ ra nỗ lực nhưng các gian thương dường như luôn đi trước một bước.
Ở khu La Hồ, thành phố trực thuộc đặc khu Thâm Quyến, trong những ngày này người mua sắm vẫn có thể dễ dàng mua một chiếc túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton hoặc Chanel với giá rất rẻ và sản phẩm trông như hàng thật.
Là khu phức hợp mua sắm và giải trí nằm giáp với đặc khu Thâm Quyến, La Hồ được mệnh danh là một trong những “thiên đường giả hàng hiệu cao cấp” ở Trung Quốc. Chuyện mua bán ở đây vẫn tấp nập bất chấp cảnh báo của chính quyền về việc đoàn quan chức chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hạ viện Mỹ sẽ “bí mật” đến thị sát khu mua sắm này.
Thản nhiên giao dịch
Thông tin một đoàn đại biểu của Hạ viện Mỹ sẽ đến thị sát đã được chuyển đến từng cửa hàng tại La Hồ. Giới chức quản lý khuyến cáo các cửa hàng dẹp tất cả hàng hóa giả từ những chiếc vali, quần áo, kính đeo mắt, đồ điện tử, nhất là những hàng hóa giả nhãn hiệu của Mỹ. Nhưng dường như người buôn bán bỏ ngoài tai tất cả.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời Hà Thần Cán, phó tổng giám đốc công ty quản lý một trung tâm thương mại ở La Hồ, thừa nhận rất khó trừng phạt những người buôn bán hàng giả ở đây, bởi họ rất ranh ma khi trưng bày trên kệ là hàng mẫu rất giống hàng chính hãng nhưng chưa gắn nhãn mác, chỉ đến khi khách hàng có yêu cầu họ mới cho người đem sản phẩm đến một nơi khác để gắn. “Chiếc túi này có kiểu dáng rất giống túi của Louis Vuitton nhưng chưa gắn nhãn của Louis Vuitton thì giới chức trách khó mà bắt phạt được họ” - phó tổng giám đốc Hà giải thích.
Một chủ cửa hàng ở La Hồ thừa nhận đã được chính quyền địa phương khuyến cáo về đoàn thị sát của Mỹ nhưng bà cho rằng đó là việc của đoàn điều tra và bà không quan tâm. “Tôi chỉ biết họ bí mật tới đây chứ chưa biết lúc nào họ đến và còn đến những đâu. Tôi sẽ hạn chế giới thiệu hàng cho những khách trông giống người Mỹ là được” - người chủ cửa hàng này không giấu biện pháp của mình.
Muốn gì cũng có
Trong khi đó, Nhật Báo Phương Nam của Trung Quốc cho biết khu La Hồ có hơn 1.200 cửa hàng chuyên kinh doanh “hàng hiệu nhái cao cấp”. Trong những ngày này, còn một lực lượng chuyên chào hàng ngồi trước các cửa hiệu. Lúc nào trong người họ cũng có catalogue của các thương hiệu nổi tiếng. Họ chào mời từ những chiếc túi xách hàng hiệu Chanel giá vài trăm nhân dân tệ đến chiếc đồng hồ Rolex có giá vài trăm USD. Chỉ cần khách đồng ý mua và trả tiền, ngay lập tức sẽ có người đến giao hàng.
Nhật Báo Thâm Quyến cho biết gần đây chính quyền đặc khu này đã tịch thu hàng ngàn chiếc túi và đồng hồ giả các nhãn hiệu Louis Vuitton, Rolex trị giá lên đến 812.000 USD. Giới chức chuyên chống hàng giả của Thâm Quyến phải thừa nhận chính họ cũng không phân biệt được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả. “Những chiếc túi và đồng hồ này nhìn như hàng thật. Rất khó tin nếu nói chúng là hàng giả” - một quan chức của cơ quan chống hàng giả Thâm Quyến nhận định.
Thậm chí các chủ cửa hàng ở đây có thể cung cấp cả giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, hóa đơn, niêm phong điện tử ở phần bao bì và cả những phiếu khuyến mãi như hàng chính hãng. Hiểu Phúc, một đại lý chuyên phân phối đồng hồ ở La Hồ, tiết lộ đối với những trường hợp này chỉ có chuyên gia về các thương hiệu nổi tiếng của quốc tế mới có thể xác định chúng là hàng giả hay không.
Chính quyền đặc khu Thâm Quyến gần đây khẳng định tình hình “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” ở đây đã cải thiện vì các đội đặc nhiệm chống hàng giả thường xuyên truy quét. Nhưng giới kinh doanh hàng giả ở Trung Quốc lại khẳng định hoạt động buôn bán, giao thương ở đây vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt người đến La Hồ để mua hàng hiệu cao cấp giả.
Hàng giả cũng xuất khẩu
Báo cáo của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho biết không chỉ La Hồ mà nhiều địa phương của Trung Quốc cũng là những thiên đường hàng hiệu giả. Tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, hàng ngàn xe tải ra vào suốt đêm để chuyên chở những lô hàng túi xách, quần áo, đồ điện tử gia dụng... nhái phân phối về các khu chuyên mua bán hàng giả trên khắp Trung Quốc, thậm chí xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Một quan chức giấu tên của Sở Thương mại Chiết Giang cho biết hàng hóa ở 30.000 cửa hàng tại Nghĩa Ô được đưa về Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương), sau đó được các đầu nậu xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, châu Phi và Đông Âu. Hàng hóa ở đây cũng đi qua ngả La Hồ để đến các nước Đông Nam Á, thậm chí còn đi đường vòng để đến cả thị trường của Mỹ.
|
Mỹ Loan
tuổi trẻ
|