Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, trước nay mọi người cứ nghĩ không tăng tín dụng là do NH nhưng trong quan hệ tín dụng phải đến từ cả hai phía cung – cầu. Người vay khi cần tiền họ mới vay. Vì vậy, rất khó đẩy vốn nếu người vay không có nhu cầu. Tôi nghĩ NH đi sát với DN và họ hiểu rất rõ quý nào là quý DN vay vốn nhiều để cân đối nguồn vốn cho khách hàng. Do đó, tăng tín dụng phụ thuộc bản chất nền kinh tế chứ không phải do TCTD.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng (TTTD) phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến hết tháng 7, TTTD toàn hệ thống NH đạt 3,6%. Như vậy, “room” TTTD những tháng còn lại của năm vẫn còn khá lớn. Vấn đề quan trọng nữa tín dụng có thể tăng đều qua các tháng giúp các NH tránh tình trạng no dồn đói góp hay không? Thời báo Ngân hàng xin trích nhận định, đánh giá của các chuyên gia NH, các NH trong và ngoài nước trả lời câu hỏi trên.
TTTD phải nhìn vào chất lượng hơn là về số lượng
|
TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm VERP:
NH muốn quá đi chứ, nhưng…
Tôi nghĩ rất khó cho việc các NH tăng trưởng tín dụng (TTTD) dàn đều từ nay đến cuối năm. Vấn đề không phải là NH không muốn tăng tín dụng. NH muốn quá đi chứ, nhưng đẩy vốn ra không có người vay thì NH cũng bó tay. Trước nay mọi người cứ nghĩ không tăng tín dụng là do NH nhưng trong quan hệ tín dụng phải đến từ cả hai phía cung – cầu. Người vay khi cần tiền họ mới vay. Vì vậy, rất khó đẩy vốn nếu người vay không có nhu cầu. Tôi nghĩ NH đi sát với DN và họ hiểu rất rõ quý nào là quý DN vay vốn nhiều để cân đối nguồn vốn cho khách hàng. Do đó, tăng tín dụng phụ thuộc bản chất nền kinh tế chứ không phải do TCTD.
Ở nước ta đặc thù tính mùa vụ cao, vì thế, khi khách hàng có nhu cầu vốn NH tranh thủ đẩy nhanh vốn cho người vay, giảm thủ tục vay để giúp khách hàng chớp cơ hội kinh doanh. Để tăng sức hấp thụ vốn của DN, tôi nghĩ thị trường vẫn cần mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn nữa từ phía NH. Dù không còn là yếu tố quyết định, nhưng giảm lãi suất cho vay vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với các DN nhất là trong giai đoạn này một miếng khi đói bằng một gói khi no.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia:
Kích tín dụng không chỉ từ phía NH
Theo quan điểm của tôi, hàm ý của Thủ tướng là đẩy tín dụng ra mới là quan trọng chứ không cần phải có những con số tín dụng đẹp dồn vào những tháng cuối năm. Vấn đề quan trọng bây giờ là các NH cho vay ra một cách thực chất.
Tôi cho rằng, để kích tín dụng đôi khi không cần phải là giải pháp từ phía NH mà vẫn có tác dụng thúc đẩy TTTD. Cụ thể, tiếp tục miễn giảm thuế một đợt nữa, khuyến khích DN đầu tư, cắt bớt một nửa thời gian khai thuế, thuế quan, làm cho DN tiết kiệm được chi phí họ cũng thấy phấn chấn hơn trong kế hoạch mở rộng kinh doanh. Sắp tới cắt bớt nửa thủ tục liên quan đến BĐS như cấp phép xây dựng… Cùng với giải pháp trên phối hợp với các chương trình tín dụng khác từ phía NH như đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay đóng tàu vỏ thép, nới lỏng điều kiện cho vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng… sẽ thúc đẩy TTTD hiệu quả.
Trước đây, các NHTM chỉ dựa vào tài sản đảm bảo là BĐS để phòng ngừa rủi ro. Bây giờ, để cải thiện tình hình này, cán bộ tín dụng phải gần với DN hơn để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Tôi lấy ví dụ, một DN hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bình thường, nhưng lại đang có nợ xấu tại NH này do buôn bán BĐS. Hiện thị trường ảm đạm chưa bán được nên khoản vay trở thành nợ xấu. Với những trường hợp như vậy, sau khi xem xét NH có thể khoanh khoản nợ BĐS lại rồi cho vay mới để DN sản xuất kinh doanh. Sau đó NH phải giám sát chặt chẽ với khách hàng này, kiểm soát dòng vốn đến đúng địa chỉ, mục tiêu sản xuất kinh doanh. Yêu cầu cần thiết nữa là toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của DN phải phản ánh trên tài khoản NH.
Bên cạnh đó, NH phải nâng cao trình độ cho cán bộ tín dụng. Nếu không có nghiệp vụ tốt, các cán bộ tín dụng sẽ tạo kẽ hở để DN “qua mặt”. Song để làm điều này vấn đề mấu chốt là DN phải minh bạch, trung thực. Có như vậy NH với DN mới hiểu, hợp tác chặt chẽ với nhau được. Tôi nghĩ đây là con đường duy nhất để NH – DN cùng tồn tại.
Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank (CTG):
Sức cầu nền kinh tế còn rất yếu
Hết 7 tháng, TTTD của VietinBank ở mức 3,8%. Như vậy so với kế hoạch đặt ra của NH đến hết năm là 12 – 13% thì chỉ tiêu tăng trưởng còn tương đối nhiều. Với khoảng cách như vậy, chúng tôi đang rốt ráo chỉ đạo, yêu cầu các phòng giao dịch, chi nhánh tích cực triển khai các biện pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, tìm kiếm và phục vụ kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Đặc biệt những khách hàng phát triển tốt, NH còn cung cấp các dịch vụ tổng thể cùng với lãi suất hợp lý để khuyến khích khách hàng mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức tiêu thụ bán hàng hiệu quả hơn.
Đến thời điểm này, tôi nghĩ lãi suất cho vay không còn là vấn đề lớn đối với DN. Mà nguyên nhân sâu xa do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cầu tiêu dùng vẫn đang rất thấp. Để tạo sức cầu mạnh đối với tín dụng, cần sự phối hợp của nhiều chính sách khác nhau chứ một mình hệ thống NH không kham nổi. Ví như tăng giải ngân đầu tư công, hay cắt bớt thủ tục, giảm giãn thuế giúp DN có thêm nguồn tài chính đầu tư vào kinh doanh…
Ông Tareq Muhmood- Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam:
Phải dựa và nhu cầu thực
Theo quan điểm của tôi, TTTD lành mạnh cần phải dựa vào nhu cầu vay vốn thực, khả năng trả nợ cũng như chu kỳ cần vốn khác nhau ở từng DN. Điều đáng nói là trước đây, có tình trạng đặt ra chỉ tiêu TTTD cho các NHTM, và do đó từ phía ngân hàng, họ thường đẩy mạnh cho vay vào cuối năm nếu như thấy chưa đạt chỉ tiêu. Điều này khiến con số TTTD không phản ánh đúng nhu cầu của thị trường và DN. Thậm chí nhiều khoản vay được giải ngân với điều kiện dễ dàng hơn và có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong những năm vừa qua.
Tôi thấy NHNN đã làm rất tốt việc của mình là bình ổn thị trường tiền tệ, hạ lãi suất, giữ ổn định tỷ giá. Lạm phát cũng giảm và nằm trong tầm kiểm soát, trong khi tình hình thanh khoản tại các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều. Quan trọng là thị trường phải phát triển theo đúng nhu cầu thực của nó và phải nhìn vào chất lượng TTTD chứ không nên có động thái mang tính hành chính nào về mặt số lượng, chỉ tiêu.
Có một số tín hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển đúng hướng và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của kinh tế Việt Nam. Đơn cử, gần đây tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ B2 lên B1. Điều này cũng phù hợp với nhận định của chúng tôi thông qua Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan tháng 7 (tăng 3,1 điểm so với tháng 6).
thời báo ngân hàng
|