Ngân hàng "tin" lãi suất sẽ giảm 0,5%
Động thái các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng 7 cũng như dự báo lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là những điều kiện cần thiết để nhà hoạch định chính sách có thể sớm tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%.
Thêm điều kiện
Động thái một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn giảm các mức lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống thêm khoảng 0,1-0,3% trong các tháng 6-7 vừa qua tiếp nối xu hướng giảm lãi suất xuất hiện khá rõ nét từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng kinh doanh vốn - Khối kinh doanh vốn và thị trường của VietinBank (CTG), các điều chỉnh này không gây quá nhiều bất ngờ trong bối cảnh nguồn vốn ứ đọng trên thị trường dân cư, huy động vốn tăng liên tiếp kể từ đầu năm cũng như tăng trưởng tín dụng chung trên toàn hệ thống chưa thực sự khởi sắc. Thực tế với rất nhiều các biện pháp kích cầu cho vay từ phía nhà điều hành cũng như bản thân các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt 3,6% và còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 12-14%/năm của NHNN. “Diễn biến này cho thấy tăng trưởng tín dụng hiện nay khá bế tắc và khó đạt được mục tiêu đề ra” – bộ phận kinh doanh vốn của VietinBank nhìn nhận.
Mức tăng thấp của tín dụng toàn hệ thống ở thời điểm hiện nay dường như cũng không liên quan nhiều, hay nói cách khác, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường không còn là rào cản lớn đối với đầu ra của tín dụng. Ngay từ cuối năm năm 2013, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã thực sự sụt giảm về mức xấp xỉ giai đoạn 2005-2006, thậm chí thấp hơn nhiều ở một số nhóm đối tượng và trên thị trường. Các ngân hàng hiện đang cho các lĩnh vực ưu tiên vay với lãi suất phổ biến 7-8%/năm, với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 9-10%/năm đối với ngắn hạn và 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các NHTM cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi đặc biệt 6-7%/năm đối với một số doanh nghiệp tài chính lành mạnh, minh bạch có dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Đáng lưu ý, xu hướng giảm lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự dừng lại. Phòng kinh doanh vốn VietinBank cho rằng, nếu so sánh từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân bằng VND hiện vào khoảng 5,53%, tương đương mức giảm 0,6%. Tương tự, lãi suất cho vay VND bình quân đến tháng 7 vào khoảng 10,08% và cũng có mức giảm tới 0,25% so với tháng 12.2013. “Như vậy, nếu căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm chỉ tăng 1,62%, nếu diễn biến như hiện nay, lạm phát năm nay kiểm soát ở mức 5% thì đây là điều kiện cần thiết để nhà hoạch định chính sách có thể sớm tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%”.
Căng thẳng chỉ là tạm thời
Cùng với xu hướng điều chỉnh giảm thêm lãi suất, nguồn vốn của các ngân hàng được cho cũng đang tương đối dồi dào và sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm cho vay cuối năm. Các căng thẳng về thanh khoản thể hiện qua các biến động tăng “nóng” lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong một số tuần qua, theo nhìn nhận của giới đầu tư, theo đó chỉ mang tính tạm thời. Một ví dụ rõ rệt là trong tuần cuối cùng của tháng 7, sau khi tăng trong ngày đầu tuần, mặt bằng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn đều có diễn biến giảm trong 3 phiên tiếp theo với mức giảm tương ứng khoảng 1,2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 0,4% đối với kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần. Đến phiên cuối tuần, lãi suất lại bất ngờ tăng trở lại.
Theo quan điểm của một số tổ chức đầu tư, việc lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng đột ngột trong ngày cuối tuần có thể là do nhu cầu nhận nguồn tăng lên khi các ngân hàng bắt đầu một kỳ dự trữ mới trong tháng. Còn với sự hỗ trợ kịp thời của NHNN qua kênh thị trường mở (OMO), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được cho sẽ không có quá nhiều biến động mạnh. Ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện hơn ở những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ chứng khiến một số diễn biến bất thường, nhưng cũng chỉ xuất hiện trong những thời điểm ngắn.
Một diễn biến dễ nhận thấy là trong suốt thời gian vừa qua, việc bơm hút vốn trên thị trường mở được NHNN thực hiện khá hài hòa nhằm điều tiết cung tiền trong ngắn hạn, góp phần giữ vững sự ổn định thanh khoản, tránh những biến động mạnh lên mặt bằng lãi suất cho hệ thống ngân hàng. Ngay trong tuần cuối của tháng 7, NHNN vẫn hút ròng 778 tỉ đồng bất chấp trên thị trường liên ngân hàng có một số thời điểm căng thẳng về lãi suất. “Động thái hút ròng này được xem như sự trung hòa về vốn trong điều kiện lãi suất liên ngân hàng có diễn biến tương đối ổn định so với tuần trước” – một tổ chức đầu tư đánh giá.
lao động
|